Đó là một câu chuyện đau lòng đã gây tốn kém rất nhiều giấy mực của báo chí và hàng tấn đơn thư khiếu nại ròng rã 40 năm của người trong cuộc. Và hôm nay, với việc lên tiếng đầy trách nhiệm của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vụ việc đã gần sáng tỏ
TP.HCM bịa lý do, Bộ xây dựng…không cần lý do.
Căn nhà cấp 4 mang số 68 Tạ Uyên, Q.5, TP.HCM của mẹ con người đàn bà đơn thân Lý Hoan vốn chẳng có gì đặc biệt. Nhà nghèo, lại không có kế sinh nhai, bà cho người khác thuê để lấy tiền sinh sống. Việc cho thuê này bà cũng khai báo và đóng thuế đầy đủ cho chính quyền.
Năm 1978, người thuê nhà xuất cảnh. Theo đúng quy định của pháp luật, mặc dù ngay sau khi người thuê xuất cảnh, nhà nước có thể tạm giữ nhà, nhưng khi chủ sở hữu xuất trình đầy đủ giấy tờ, nhà nước phải bàn giao lại nhà cho chủ. Tuy nhiên, chính quyền đã không làm như thế. Một mặt, họ im lặng trước những lá đơn xin lại nhà đầy chính đáng và hợp pháp của dân, mặt khác, họ âm thầm…làm bậy. Họ đã làm điều đó như thế nào?
-Thứ nhất, nhanh chóng giao nhà 68 Tạ Uyên cho người khác
-Thứ hai, nhân tiện có một gia đình mang tên Lý Tôn Cẩm tại địa phương vượt biên, vậy là họ “hô biến” gia đình này làm chủ nhà 68 Tạ Uyên. Vậy là, một quyết định quản lý nhà 68 Tạ Uyên với lý do “Chủ sở hữu nhà Lý Tôn Cẩm và gia đình bỏ đi biệt tích” ra đời. Chỉ 2 cái “vậy là”, mẹ con bà Lý Hoan mất nhà oan, còn cán bộ chính quyền im lặng…vui sống.
Biết là bậy nên chính quyền âm thầm im lặng gần 40 năm như thế. Nhưng chính quyền đâu biết rằng, cái gia đình mà họ “âm thầm làm bậy” cướp nhà đó vì quá khổ nên khiếu nại đeo bám mãi, tới cả Tổng bí thư, Thủ tướng…
Không thể im được nữa nhưng cũng không thể thò cái bậy mấy chục năm trước ra cho bàn dân thiên hạ biết, vậy là, với sự “dũng cảm đến trắng trợn” hiếm thấy của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, ông vu oan cho bà Lý Hoan xuất cảnh bất hợp pháp, để rồi ra quyết đinh bác khiếu nại đòi nhà của bà Lý Lệ Hùng, con gái bà Hoan. Mặc dù ông Tín biết rõ rằng, trong hàng ngàn bộ hồ sơ ông nhận được, cũng có cả ngàn giấy chứng tử xác nhận rằng bà Lý Hoan bị bệnh rồi chết năm 1979 tại bệnh viện Chợ Quán – Việt Nam.
Chờ đợi gần 40 năm để rồi nhận được sự dối trá của chính quyền, bà Lý Lệ Hùng khiếu nại lên Bộ xây dựng. Nếu như UBND TP. HCM biết tìm lý do (dẫu bịa đặt) để hợp pháp hóa quyết định của mình (chủ nhà vượt biên nhà nước tịch thu nhà là đúng luật) thì Bộ xây dưng…không cần lý do. Bộ đồng ý bà Lý Hoan không vượt biên nhưng vẫn cho rằng UBND TP. HCM quyết đinh đúng. Bộ ban hành quyết định bác khiếu nại đòi nhà của bà Lý Lệ Hùng.
Sự thật một đường, công lý trốn đi một nẻo, bà Lý Lệ Hùng đành phải đi tìm công lý ở chỗ khác
Tình người của Phó ban Dân nguyện QH Lưu Bình Nhưỡng và sự “cả gan” của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà.
Thất bại với Bộ xây dựng, bà Lý Lệ Hùng tìm đường đến cậy nhờ các đại biểu QH. Trong hơn 30 bộ hồ sơ gửi đi, Đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng là người đầu tiên lên tiếng giúp. Ông bảo, “đơn từ gửi tới chúng tôi thì nhiều lắm nhưng với trường hợp này quá đáng thương nên ông giúp trước”. Với sự giúp đỡ, tác động của ông, Bộ trưởng Bộ xây dựng Phạm Hồng Hà buộc phải lên tiếng trả lời về quyết đinh “không cần lý do” kể trên, sau hơn 2 năm “im hơi lặng tiếng”, mặc cả núi đơn khiếu nại của bà Lý Lệ Hùng khắp nơi đổ về. Và lúc này, sự “cả gan” của Bộ trưởng chính thức lộ diện:
Thứ nhất, nếu như UBND TP. HCM cố tình chôn vùi quá khứ “âm thầm làm bậy” về ông Lý Tôn Cẩm “trên trời rơi xuống” nào đó thì trong Văn bản trả lời Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng lại dẫn ra quyết định quản lý nhà 68 Tạ Uyên với lý do “Chủ sở hữu nhà Lý Tôn Cẩm và gia đình bỏ đi biệt tích” để chứng minh rằng căn nhà đã được nhà nước quản lý nên…khỏi trả.
Dùng một quyết đinh bậy bạ để chứng minh chính quyền làm đúng thì quả thật…to gan.
Thứ hai, to gan hơn, Bộ trưởng trả lời rằng: “Mặc dù nhà 68 Tạ Uyên không thuộc diện phải giao Nhà nước quản lý, nhưng thực tế Nhà nước đã quản lý và bố trí sử dụng căn nhà này diện nhà vắng chủ từ năm 1978 đến nay…”.
Chỉ một đoạn ngắn vậy thôi, Bộ xây dựng đã cả gan “đổi trắng thay đen” 2 sự thật: Một. Căn nhà 68 Tạ Uyên của bà Lý Hoan chưa từng bị quản lý ( Nhà nước chỉ quản lý căn nhà của ông Lý Tôn Cẩm) nên không thể nói rằng “thực tế Nhà nước đã quản lý”. Và Hai. Sao có thể là “nhà vắng chủ” được khi chủ nhà vẫn hàng tuần gửi đơn đòi nhà và tiền thuế cho thuê nhà, bà Lý Hoan vẫn đóng đều đặn cho nhà nước?
Thứ ba. Cũng trong văn bản 2474/BXD – TTr gửi Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Bộ xây dựng có ghi: “Ngày 22.4.1989, Sở Tư pháp TP.HCM có công văn số 32/VB trả lời bà Hùng, nội dung: Nếu bà Hoan không thuộc diện cải tạo nhà cho thuê thì tài sản thuộc sở hữu của bà Hoan được phân chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Bà Hùng có thể liên hệ với cơ quan nhà đất để xin thừa kế và nhận lại nhà. Tuy nhiên, căn cứ Quyết định số 297/CT ngày 2/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết một số vấn đề về nhà ở thì căn nhà 68 Tạ Uyên thuộc sở hữu nhà nước, vì vậy, không có cơ sở để giải quyết việc thừa kế căn nhà này cho bà Lý Lệ Hùng”.
Thoạt nghe, mọi điều rất thuận tai và…ổn, nhưng thưa Bộ trưởng, từ tháng 4 năm 1989 đến tháng 10 năm 1991 là đúng 30 tháng. Trong 30 tháng (900 ngày) đó, chính quyền vì dân của chúng ta đã làm gì với văn bản của Sở Tư pháp và nỗi oan khuất của bà Hùng, để rồi, như Bộ trưởng nói, chờ Quyết định 297/CT để rồi không trả? Hơn nữa, thưa Bộ trưởng Bộ xây dựng Phạm Hồng Hà, sau sự ra đời của NQ 23 của Quốc hôi, tính đến nay QĐ 297/CT đã hết hiệu lực 16 năm rồi nên không thể “lập lờ đánh lận con đen” như vậy được đâu, thưa Bộ trưởng.
Với 3 điều vừa dẫn kể trên, xin được nhắc lại, đó là những điều có trong văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội của một vị bộ trưởng đương chức. Chẳng biết sắp tới đây, khi buộc phải đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu QH về sự cả gan của mình như vừa kể, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà sẽ giãi bày ra sao. Mà cũng chẳng phải lâu đâu, bức xúc trước những trả lời sai trái của Bộ trưởng, Phó trưởng ban Dân nguyện của QH Lưu Bình Nhưỡng cũng đã có báo cáo chuyện này lên Thủ tướng rồi, và không chỉ một lần. Trong lần trao đổi gần đây của chúng tôi, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã thẳng thắn: Tôi đã trình Chính phủ 2 lần rồi và còn tiếp tục trình nữa. Không thể để người dân kéo dài đau khổ thêm nữa, mất niềm tin thêm nữa với nhà nước chúng ta
* * *
Trong năm 2017, tại cuộc tiếp xúc giữa Thanh tra Bộ xây dựng và gia đình bà Hùng mà người viết bài này cũng có mặt, khi nói tới địa chỉ nhà bà Hùng, một vị cán bộ thanh tra đã phải thốt lên: “Sao chỗ ở lung tung thế”. Biết làm sao được, 2 vợ chồng đã trên dưới 70 (hiện chồng bà Hùng đã chết) , có tiền thì thuê nhà, không tiền thì ăn nhờ ở đậu. Ai cho đâu ở đấy…Vậy mà…
Hơn 40 năm, 2/3 thời gian của một đời người, có thể nào để người dân kéo dài đau khổ thêm nữa không, thưa Bộ trưởng Bộ xây dựng Phạm Hồng Hà? Nếu không thể VÌ DÂN như chúng ta vẫn nói thì mong Bộ trưởng hãy nghĩ tới một nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang theo đuổi, một nhà nước mà pháp luật không thể bị “lập lờ đánh lận con đen” như vừa kể
Mong Bộ trưởng hãy nhìn lại, hãy đừng để cho tình người của Phó trưởng Ban dân nguyện của QH Lưu Bình Nhưỡng thêm thử thách.
PV