David Beckham là minh chứng cho việc để thành công, tài năng thuần là không đủ, mà còn cần nghị lực để đứng lên từ thất bại.
Một tiền vệ người Anh dang rộng tay, ăn mừng ngạo nghễ trước đám đông cổ động viên Real Madrid đang hưng phấn phát cuồng trên sân Bernabeu.
Một siêu sao rời bóng đá châu Âu sang giải MLS, thắp sáng lại sự chú ý của truyền thông, người hâm mộ toàn cầu lẫn bản địa tại nơi bóng đá chưa khi nào thực sự là môn thể thao Vua.
Ở năm 2023, 99% người hâm mộ sẽ nghĩ ngay tới Jude Bellingham và Lionel Messi. Nhưng đã có 1 người làm được điều đó từ 2 thập niên trước, và cho đến ngày nay tên tuổi vẫn chưa khi nào nguội lạnh dù đã giải nghệ được đúng 10 năm. Đó là David Beckham – nhân vật chính của loạt phim tài liệu 4 tập với tựa đề Beckham đang gây sốt trên Netflix.
Overrated hay Underrated?
Trong tiếng Anh, cụm từ “Overrated” thường được sử dụng để nói về một ai đó được đánh giá quá cao so với khả năng, tầm vóc thực sự của người đó, và “Underrated” mang ý nghĩa ngược lại. Điều thú vị là với trường hợp David Beckham trong vai trò cầu thủ, vô cùng khó để xếp anh vào hạng mục nào. Anh có một sự nghiệp hiển hách, nhưng lại quá nổi tiếng bên ngoài sân cỏ tới mức nhiều người cho rằng vị thế siêu sao của anh là “overrated”, hệ quả từ sự thổi phồng của truyền thông và marketing, trong khi tài năng thực sự không đến mức đó.
Những đội bóng chiêu mộ anh như Real Madrid khi cần gây tiếng vang châu Á, LA Galaxy muốn làm “một dự án chưa có tiền lệ tại Mỹ” hay Paris Saint-Germain giai đoạn bắt đầu phát triển tiếng tăm… đều hưởng lợi từ thương vụ Beckham ở phương diện thương mại. Anh may mắn khoác áo Manchester United đúng thời điểm hoàng kim của đội, cộng thêm việc giải Premier League bùng nổ như một thương hiệu toàn cầu giúp anh trở thành một trong những siêu sao thương mại, một “poster boy” của giải đấu phổ biến nhất hành tinh. Beckham nổi tiếng đến mức tờ The Sun cử người khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới mới tìm được một người sống ở nơi hẻo lánh không biết đến anh.
Nhưng những người yêu mến Beckham sẽ tranh luận ngược lại rằng, chính sự nổi tiếng vì đẹp trai, hào hoa, có một cô vợ từng là thành viên Spice Girls… lại khiến những đóng góp trên sân cỏ của Becks bị lu mờ. Liệu một cầu thủ trình độ làng nhàng có thể khoác áo những siêu câu lạc bộ như Manchester United, Real Madrid và AC Milan trước khi giải nghệ trong màu áo Paris Saint-Germain? Một cầu thủ dựng nên bởi truyền thông liệu có thể làm đội trưởng đội tuyển Anh và đoạt Quả bóng Bạc châu Âu năm 1999?
Nói Beckham là người hiếm hoi vừa overrated, lại vừa underrated cũng là vậy. Nhưng chắc chắn gạt bỏ đi những yếu tố bên ngoài, Beckham là một cầu thủ tài năng. Điều đó được thể hiện ngay từ tấm bé, với tình yêu bóng đá được hun đúc bởi người cha Ted Beckham. Ông yêu Manchester United cháy bỏng, đến mức giấc mơ lớn nhất là có một cậu con trai khoác áo Quỷ đỏ. David là người giúp ông hiện thực hóa giấc mơ ấy, nhưng ở giữa hành trình từ khi còn là cậu bé chập chững tâng bóng với cha ở vườn nhà cho tới chàng trai trẻ chơi trận ra mắt cho Manchester United tháng 9/1992 là hàng chục nghìn giờ tập luyện, trầy vi tróc vẩy trên những sân tập hẻo lánh.
Như series Beckham kể lại, người cha Ted ám ảnh với sự hoàn hảo và khát khao cho con được tiến bộ hơn người. Ông luôn khắt khe với từng động tác của Beckham, và trong khi những người xung quanh như vợ không ngừng khuyên ông nhẹ nhàng, động viên con trai hơn, Ted vẫn luôn giữ một thái độ nghiêm khắc. Rốt cuộc thời gian đã chứng minh ông đúng: Beckham được Sir Alex Ferguson chiêu mộ vào đội trẻ Manchester United, trở thành một phần của “Thế hệ 92” khuynh đảo những đấu trường lớn nhất của túc cầu trong suốt hơn một thập niên sau đó.
Trên sân cỏ, Beckham đơn giản là không thể trộn lẫn. Không chỉ bởi gương mặt điển trai, những kiểu đầu nổi bật mà còn vì cách anh nghiêng người đặt trụ tạt bóng chuẩn xác từng centimet, những cú đá phạt thương hiệu tới mức một bộ phim từng được đặt tên Bend it like Beckham. Và chẳng ai có thể chê trách tinh thần cống hiến cũng như sự chuyên nghiệp của Beckham.
Ví dụ nổi tiếng nhất – như được đề cập trong Beckham – diễn ra ở mùa giải 2005-2006. Ở thời điểm đó, Real Madrid nói chung và Beckham nói riêng vừa trải qua vài năm thất bại về mặt chuyên môn và không có danh hiệu tương xứng với những “Galaticos” trên sân cỏ. Bàn tay sắt Fabio Capello được đưa về băng ghế huấn luyện, và Beckham nhanh chóng làm quen với ghế dự bị và thậm chí là cả khán đài.
Tháng 1/2007, Beckham công bố việc mình sẽ chuyển đến LA Galaxy vào mùa hè. Chủ tịch Ramon Calderon mỉa mai: “Becks sẽ đến Hollywood để làm diễn viên bán chuyên. Đội ngũ kỹ thuật của Real Madrid đã hoàn toàn đúng khi không gia hạn với cậu ta, bởi thực tế cho thấy chẳng đội bóng nào trên thế giới muốn cậu ấy ngoại trừ LA Galaxy!”. HLV Capello thậm chí còn phũ phàng hơn khi tuyên bố “Beckham sẽ không bao giờ được khoác áo Real Madrid nữa”. Không chỉ tống anh lên khán đài mỗi khi Real ra sân, Capello còn bắt Beckham phải tập riêng.
Đường đường là đương kim đội trưởng tuyển Anh, việc bị gạt hoàn toàn khỏi đội chẳng khác một sự sỉ nhục công khai. Như người vợ Victoria chia sẻ, cô tự hỏi tại sao chồng mình không thể hiện sự bất mãn với Real Madrid và từ bỏ ngay màu áo trắng? Thay vào đó, anh chẳng hề lên mặt báo kêu ca hay thể hiện sự dỗi hờn. Anh vẫn có mặt tại sân tập đúng giờ, cần mẫn tự tập và khiến các đồng đội kéo tới gặp riêng Capello để thuyết phục ông cho anh trở lại đội hình chính.
Sự chuyên nghiệp, bền bỉ của Beckham rốt cuộc cũng khiến con tim sắt đá của Capello bị lay chuyển. Ông đưa Beckham trở lại đội hình vào tháng 2/2007 và đây được xem như một bước ngoặt giúp Real Madrid lội ngược dòng, vượt qua kình địch Barcelona để giành chức vô địch nghẹt thở vào cuối mùa giải. Beckham chơi tuyệt hay trong năm tháng cuối khoác áo Real và chỉ chấn thương mới khiến anh ngừng cống hiến trong trận cuối trên sân Bernabeu.
Beckham có thể nổi tiếng với vai diễn Võ sĩ giác đấu trong quảng cáo cho Pepsi, song ở ngoài đời, anh cũng là một chiến binh đích thực. Những cuộc chiến của anh không chỉ trên sân bóng, mà đôi lúc cảm giác như một mình chống lại thế giới, như giai đoạn hậu World Cup 1998.
From Zero to Hero
Những tháng vừa qua, trung vệ Harry Maguire trở thành tâm điểm chế giễu của thế giới bóng đá vì những sai lầm trong phòng ngự, với nhiều tình huống bị ví như “tấu hài”. Từ chỗ là đội trưởng Manchester United và trụ cột tuyển Anh, Maguire bị xem như một gánh nặng, chịu những tiếng la ó khi vào sân và những bình luận nguyền rủa trên mạng xã hội.
Sau khi anh vào sân từ ghế dự bị và phản lưới nhà trong trận gặp Scotland tháng 9 vừa qua, Maguire đã nhận một cuộc điện thoại từ chính Beckham và nghe đàn anh động viên. Hơn ai hết, Beckham hiểu những áp lực Maguire đang trải qua, bởi anh còn từng chịu đựng sự căm ghét lớn gấp bội phần.
Trước khi bước vào World Cup 1998, Beckham có một cuộc sống hoàn hảo: chơi cho đội bóng anh khoác áo từ thời niên thiếu, đẹp trai, nổi tiếng và có người yêu là một trong những nữ ca sĩ thành danh nhất thời điểm bấy giờ. Sau World Cup trên đất Pháp, anh trở thành kẻ thù của dư luận Anh sau hành động trả đũa Diego Simeone trong trận Anh gặp Argentina. Beckham nhận thẻ đỏ trực tiếp và Anh phải về nước sau chấm phạt đền. Như để đổ thêm dầu vào lửa, HLV tuyển Anh khi đó là Glenn Hoddle chẳng những không bảo vệ học trò mới 23 tuổi mà còn nêu tên anh như tội đồ.
Nếu mạng xã hội có ở năm 1998, chắc chắn Beckham sẽ phải khóa mọi tài khoản Facebook và Instagram một thời gian. Sự phẫn nộ của cổ động viên Anh về việc đội nhà phải về nước trút cả lên Beckham, dẫu cho đội vẫn có cơ hội giành chiến thắng và đi tiếp trên chấm phạt đền.
Một tờ báo giật tít “10 người hùng và 1 kẻ ngu xuẩn” để nói về tấm thẻ đỏ, và đó chỉ là sự khởi đầu cho sự thù địch kéo dài. Người hâm mộ quá khích treo cổ hình nộm mặc áo Beckham, gửi thư tay kèm vỏ đẹn, đe dọa tới cả cậu con trai mới lọt lòng Brooklyn. Mỗi lần Beckham ra sân ở nước Anh năm đó là một lần anh bị la ó, huýt sáo mỗi khi chạm bóng. Từng tình huống Beckham bị phạm lỗi thô bạo đều được cổ động viên ăn mừng như thể đội nhà vừa ghi bàn.
Sự phẫn nộ mà người bạn thân Gary Neville ngỡ rằng chỉ kéo dài 1, 2 ngày sau giải đấu đã kéo dài tới nhiều tháng. Nhưng Beckham vẫn miệt mài tập luyện, cống hiến để dần dần lấy lại niềm tin và tình yêu từ người hâm mộ. Mùa giải sau World Cup là một Beckham thăng hoa, giúp Manchester United đoạt cú ăn ba huyền thoại và cá nhân về Nhì tại giải Quả bóng Vàng, chỉ xếp sau Rivaldo. Hai năm sau đó, anh khiến những cổ động viên từng nguyền rủa mình ngày nào nhảy cẫng lên trong sung sướng khi ghi bàn từ chấm đá phạt những giây cuối trận gặp Hy Lạp để mang về cho tuyển Anh tấm vé dự World Cup 2002.
Cũng chính tại World Cup này, Beckham ghi bàn từ chấm phạt đền trước Argentina để góp phần khiến kình địch về nước từ ngay vòng bảng. Đó là một hành trình phi thường “từ Zero thành Hero”, và càng đặc biệt hơn khi trước khi bị vùi xuống bùn đen của thất vọng, anh từng là một ngôi sao được mến mộ bậc nhất. Beckham là minh chứng cho việc để thành công, tài năng thuần là không đủ, mà còn cần nghị lực để đứng lên từ thất bại.
Và đương nhiên sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập tới Victoria Beckham – người thường bị xem như “kẻ phản diện” trong câu chuyện sự nghiệp Beckham. Nhiều người – bao gồm cả Sir Alex – cho rằng nàng Posh Spice là nguyên nhân khiến Beckham xao nhãng với chuyên môn và đam mê showbiz hơn. Nhưng sự thật là từ trước khi gặp Victoria, anh đã là một người ưa hào nhoáng, làm ra đồng nào tiêu đồng đó và “điệu” từ trong máu. Beckham tự tin ra đường với chiếc xe sang mới mua, mặc bộ cánh Gucci mới nhất và như trong phim Beckham tiết lộ, từng nhờ vợ vừa lâm bồn… sửa tóc để trông bảnh trai trước khi xuất hiện công bố tin với truyền thông.
Không phải ai cũng nhìn ra rằng chính nhờ Victoria, Beckham mới có một cuộc sống đẹp đẽ như mơ đến vậy. Không chỉ là người bạn đời, là tri kỷ, Victoria còn là tấm lá chắn che chở Beckham khỏi những thử thách của cuộc đời. Cô chấp nhận lui vào hậu trường để vun vén gia đình, sinh hạ cùng anh những đứa con xinh như mộng. Cô bảo vệ Beckham trước sự tấn công của dư luận khi anh bị cả đất nước quay lưng. Khi chồng vướng phải scandal ngoại tình – giai đoạn mà cô xem như “thử thách nhất trong cuộc hôn nhân” – Victoria không làm rùm beng trên mặt báo mà đưa các con từ Anh sang Tây Ban Nha cùng chồng, tiếp tục sinh hạ bé trai Cruz.
Khi Beckham đưa ra những quyết định mà anh thừa nhận là “ích kỷ” để phục vụ sự nghiệp của mình, Victoria có thể sốc, có thể bất đồng nhưng sau cùng vẫn ủng hộ chồng và làm hậu phương vững chắc để anh có thể yên tâm chơi bóng. Có lẽ đạo diễn Fisher Stevens hoàn toàn ý thức được những sự hy sinh thầm lặng này, nên đã đặt tên miniseries là Beckham thay vì David Beckham, như một cách ghi nhận cặp đôi David và Victoria.
Xem phim tài liệu về Beckham, những 8x 9x từng trưởng thành trong giai đoạn đó như được xem một đoạn phim tua lại thanh xuân của họ. Đó không chỉ là những thước phim trên sân cỏ trong màu áo Manchester United hay tuyển Anh, mà còn là những hình ảnh Beckham đẹp trai với mái tóc vàng lãng tử, đám cưới như cổ tích tại lâu đài… được in trên những cuốn tạp chí, tuần san dành cho thanh thiếu niên.
Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều sau hơn 2 thập niên, duy chỉ bất biến danh tiếng và vẻ phong độ của David Beckham – giờ là Chủ tịch của Inter Miami. Để làm một nhân vật kiệt xuất như Lionel Messi xuất hiện trong cuốn phim về cuộc đời mình chỉ vài giây cuối với tư cách một nhân vật phụ, có lẽ chỉ David Beckham làm được.
Và sẽ luôn chỉ có một David Beckham trên đời.
Theo Phụ nữ Việt Nam