Trong lịch sử, Việt Nam đã ghi nhận 3 đợt bùng nổ FDI. Lần bùng nổ mới nhất này sẽ có thêm một yếu tố rất đặc biệt.
Việt Nam trong các nền kinh tế lớn nhất châu Á
Theo thông cáo đăng trên website của Điện Kremlin, trong phiên họp toàn thể của diễn đàn quốc tế “Tuần lễ năng lượng Nga” chiều 11/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặc biệt xướng tên Việt Nam trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Á.
“Ngày nay đóng góp của 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào nền kinh tế thế giới – gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam – đã vượt quá tổng tỷ trọng của Mỹ và tất cả các nước Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Trong những thập kỷ tới, khoảng cách sẽ chỉ tăng lên, không có nghi ngờ gì về điều đó” – Ông Putin nhấn mạnh.
Phát biểu của nhà lãnh đạo Nga đã một lần nữa cho thấy quốc tế đánh giá cao sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam.
Trước đó, vào sáng 2/10, tại buổi công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương (East Asia and Pacific-EAP) định kỳ 6 tháng, ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực EAP của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Hầu hết các nền kinh tế trong EAP đã hồi phục, nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam. Tiếp sau là các nước Indonesia, Campuchia, Malaysia, Lào, Philippines…
Ông Mattoo đặc biệt dành lời khen ngợi cho Việt Nam: “Việt Nam là một trong những ‘người hùng’ của quá trình phục hồi kinh tế khu vực EAP”.
Các chuyên gia có cùng chung nhận định rằng, bất chấp xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng ở nhiều nước, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và về cơ bản đã “vượt qua những cơn gió ngược”.
Trong bình luận gần đây nhất, TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho biết, kể từ Đại hội Đảng năm 2021, niềm tin về khả năng Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 đã tăng lên rất mạnh mẽ – cả bên ngoài lẫn nội bộ bên trong.
Khi nhắc về động thái tăng cường xuất khẩu gạo vừa qua của Việt Nam trong bối cảnh một số nước ban hành lệnh cấm, TS Khương nhấn mạnh: “Việt Nam rất bản lĩnh, thế giới đang khen ngợi. Mình không chỉ vì mình mà vì cả thế giới”.
Đáng lưu ý, theo TS Khương, Việt Nam như đang đứng ở ngưỡng cửa của kỷ nguyên mà trong đó, đất nước có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.
Chuẩn bị đón đợt bùng nổ FDI lớn thứ 4 lịch sử
Góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo tờ Nikkei Asia, Việt Nam có thể sắp đón nhận một đợt bùng nổ FDI mới, đặc biệt là từ Mỹ.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong tháng 9 nhằm tăng cường quan hệ song phương đã mở ra một kỷ nguyên mới về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Do đó, “một đợt bùng nổ FDI lần thứ tư vào Việt Nam có thể đang hình thành” – Nikkei Asia nhận định.
Trong lịch sử, Việt Nam đã ghi nhận 3 đợt bùng nổ FDI. Lần đầu tiên là khi Honda Motor bắt đầu sản xuất xe 2 bánh năm 1997.
Làn sóng thứ hai kéo dài từ đầu những năm 2000 cho tới khi ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ vào năm 2008, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một năm sau đó (2009), tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam.
Đợt bùng nổ thứ ba diễn ra mạnh mẽ vào giữa thập niên 2010. Với sức mua ngày càng tăng, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài. Đơn cử, “gã khổng lồ” mua sắm Nhật Bản Aeon Mall đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam – Aeon Mall Tan Phu Celadon – tại TP. Hồ Chí Minh năm 2014.
Nikkei Asia cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden có thể thúc đẩy làn sóng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. Động thái của nhà lãnh đạo Mỹ khiến các doanh nghiệp nước này hiểu là “đã được bật đèn xanh” để đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á.
‘Ngôi sao’ thu hút FDI
Giới chuyên gia nhận định, môi trường đầu tư thuận lợi là yếu tố khiến vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng. Theo Báo cáo “ASEAN Perspectives – Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức” do HSBC công bố trong tháng 9, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng.
Đầu tư thành lập mới (GI-Greenfield Investment) tại Việt Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2023, trong đó riêng lĩnh vực sản xuất đã chiếm 85% tổng vốn FDI mới.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023 .
Bên cạnh đó, tính đến 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Một số tỉnh thành đã trở thành điểm sáng thu hút FDI thời gian qua. Trong số đó, Nghệ An và Thái Bình đã trở thành hai địa phương lần đầu tiên thu hút vốn FDI vượt mốc 1 tỷ USD/năm, chính thức đặt chân vào ‘câu lạc bộ tỷ đô’ về vốn FDI.
Với tổng vốn đăng ký FDI đạt hơn 1,27 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, Nghệ An đã vượt Bắc Ninh, Đồng Nai để đứng thứ 6 cả nước về thu hút FDI trong 9/2023, đồng thời vươn lên đứng đầu trong 14 tỉnh, thành Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung.
Trong khi đó, UBND tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án tại Khu Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Liên Hà Thái (Green iP-1) do Công ty cổ phần Green i-Park làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, việc có thêm 3 nhà đầu tư mới vào khu công nghiệp Liên Hà Thái sẽ giúp Green i-Park cán mốc thu hút hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư FDI vào khu công nghiệp. Đồng thời, giúp tỉnh Thái Bình lần đầu tiên thu hút vốn FDI đạt trên 1 tỷ USD/năm.
Theo Nhịp sống thị trường