TSMC nhận thức sâu sắc những khác biệt này.
Khi gia nhập TSMC vào cuối năm 2021, anh Mino Morgese được sắp xếp một chuyên gia tâm lý riêng để chuẩn bị tinh thần thật vững trước cú sốc văn hóa. Chưa đầy 2 năm sau, kỹ sư người Ý được đào tạo tại Mỹ này đã có thể làm quen với ‘nhịp sống’ của tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan lớn nhất thế giới.
Trên khu đất với diện tích to bằng 640 sân bóng đá ở ngoại ô phía bắc Phoenix, cần cẩu và các khu nhà máy khổng lồ của TSMC có thể dễ dàng được nhìn thấy từ con đường cao tốc cách đó 30 km. Hãng này sở hữu công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất hiện nay, đồng thời kiểm soát 90% thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, dự án Arizona, nơi TSMC đang xây dựng 2 nhà máy mới với chi phí 40 tỷ USD, đang tồn tại nhiều vướng mắc. Cú sốc văn hóa chính là một trong những nguyên nhân khiến phần đông lao động tại đây chưa thể thực sự hòa nhịp giống anh Mino Morgese.
Cho đến nay, TSMC đã sản xuất được rất nhiều những con chip tiên tiến độc quyền tại các nhà máy lớn ở Đài Loan. Việc mô hình được ‘bôi trơn’ tại quê nhà đã giúp hãng này thu về nhiều lợi nhuận, hơn hẳn hầu hết các nhà sản xuất chất bán dẫn khác.
Trước bài toán thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu, TSMC nỗ lực mở rộng hoạt động sản xuất. Ngoài Arizona, công ty đang thành lập một nhà máy mới ở Nhật Bản và đã cam kết đầu tư cho một nhà máy liên doanh trị giá 10 tỷ euro tại Đức.
“Arizona là thử nghiệm đầu tiên trong quá trình phát triển siêu nhà máy tại nước ngoài của chúng tôi, Tất nhiên, đó là cả một quá trình học tập”, Chủ tịch TSMC Mark Liu nói và cho biết dự án này có thể quyết định xem liệu TSMC có thể chuyển mình thành một công ty đa quốc gia thực sự hay không.
Tuy nhiên, 2 năm đầu tiên thật khó khăn. Dylan Patel, nhà phân tích trưởng tại SemiAnalysis, một công ty tư vấn và nghiên cứu ngành công nghiệp chip có trụ sở tại California, cho biết TSMC đã phải vật lộn với cú sốc văn hóa.
“Có nhiều điều không chắc chắn và căng thẳng. Đây là thế giới mới chưa được khám phá của TSMC, vì vậy, dễ hiểu vì sao họ triển khai mọi thứ chậm vậy”, Caitlin Legacki, cựu cố vấn cấp cao của Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói.
Cách thức trao hợp đồng kỹ thuật là một trong những nguyên nhân.
“TSMC đã quen với việc xử lý mọi thứ như ở Đài Loan. Ở Mỹ, sẽ có sự khác biệt”, Charles Lee, đồng giám đốc điều hành Topco, nói.
Gần đây, TSMC đã phải vật lộn tìm kiếm công nhân lành nghề. Vào tháng 6, hãng phải cử thêm 500 chuyên gia từ Đài Loan đến Mỹ để hỗ trợ quá trình tuyển dụng.
Một số nhà cung cấp hóa chất Đài Loan cho TSMC, trong đó có Chang Chun Petrochemical, Kanto PPC và Topco, đã mua đất ở Casa Grande, phía nam Phoenix để xây nhà máy. Việc phải tự mình xử lý mọi việc, từ quy hoạch đến làm giấy phép kết nối, đã khiến họ rất sốc. Chi phí xây dựng cũng lại vô cùng cao.
“Chi phí xây dựng của TSMC ở Mỹ cao hơn nhiều lần so với ở Đài Loan. Chắc phải gấp 5 lần đó”, Vincent Liu, chủ tịch LCY, công ty sản xuất hóa chất tẩy rửa được sử dụng trong sản xuất chip của TSMC, nói.
Theo các chuyên gia, thách thức thực sự đối với TSMC sẽ nằm ở khâu vận hành nhà máy mới.
“Nhà máy có thể mang lại lợi nhuận, dù không nhiều bằng ở quê nhà”, một giám đốc điều hành TSMC nói.
Được biết, đối thủ Intel nhiều năm qua đã áp dụng quy chuẩn sao chép chính xác, mọi yêu cầu đi chệch khỏi quỹ đạo sẽ cần phải được lãnh đạo thông qua để đảm bảo mọi sản phẩm được nhất quán. Ngược lại, tại TSMC, “công nhân nhà máy có quyền tự chủ hơn trong việc điều chỉnh năng suất”. Đó chính là lý do khiến Intel những năm qua chưa thể vượt qua đối thủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sự linh hoạt trên khó có thể được áp dụng với lực lượng lao động Mỹ.
“Bạn có thể trao quyền cho công nhân miễn là họ có đủ tay nghề. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng thực hiện ở Mỹ. Sinh viên tốt nghiệp tại đây thường chọn làm việc cho Apple, Meta hơn là cho một nhà máy”, đại diện TSMC nói.
Bằng chứng là ở Phoenix, TSMC tuyển dụng hơn 2.200 nhân công song gần 50% lại đến từ Đài Loan. Công ty đang cố gắng phát triển nhân tài bằng cách hỗ trợ một số trường kỹ thuật tại địa phương.
“Tôi sẽ cân nhắc làm việc tại TSMC sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ vào năm tới vì mức lương ở đây rất cao”, Garima, một sinh viên tốt nghiệp đến từ Ấn Độ, nói.
“Tuy nhiên, thông qua những người bạn từng làm việc ở đó, tôi được biết thời gian làm việc khá dài và rất khó nghỉ phép”.
“Nếu làm việc tại TSMC trong vài năm và có thể làm quen với văn hóa ở đây, bạn sẽ có thể gia nhập hầu hết các công ty bán dẫn khác”, Smitha Swain, người có bạn bè từng làm việc tại TSMC, cho biết.
Theo Michael Kozicki, giáo sư tại trường kỹ thuật điện, máy tính và năng lượng ASU, TSMC đang phải đối mặt với một môi trường linh hoạt khác hẳn quê nhà. Thách thức sẽ khác nhau, tùy theo địa điểm sản xuất mới. Nhật Bản được cho là sẽ ‘dễ thở’ hơn cả.
“Nhật Bản có tư duy sản xuất cũng như văn hoá tương tự chúng tôi”, đại diện TSMC nói. “Các nhà máy ở Đức sẽ gặp khó khăn hơn về vấn đề lao động. Hãy xem xét những bài học từ Arizona”.
TSMC nhận thức sâu sắc những khác biệt sâu xa này. Ngoài cải thiện kỹ thuật, công ty tăng cường đào tạo nhân viên nước ngoài thông qua các khoá học nội bộ – thứ mà anh Morgese đã trải qua. Được biết trong 12 tháng qua, khoảng 6.000 nhân viên TSMC đã tham gia khóa đào tạo đa văn hóa này.
Theo: FT, Bloomberg-Vũ Anh-Theo Nhịp sống thị trường