28 năm trước, một bà lão bán vé số nhặt được đứa trẻ ở chợ. Nay, nhờ cậu, bà đã có thêm một người phụng dưỡng những năm tháng cuối đời.
Tại BV Phục hồi chức năng ở Quận 8, TP.HCM, Dũng (28 tuổi) thường xuyên túc trực bên giường bệnh của bà Hai. Anh cẩn thận đút từng thìa cháo, muỗng cơm, thi thoảng lấy khăn lau mặt cho bà. Cụ bà gầy nhom, thở khó nhọc, dùng ánh mắt ra ký hiệu cho cháu trai. Nếu không nói ra, có lẽ sẽ khó ai biết Dũng và bà Hai không hề có mối quan hệ ruột thịt. Câu chuyện của hai bà cháu bắt đầu từ một đêm mưa 28 năm trước.
Vào khoảng tháng 2/1995, bà Hai trong lúc nhặt ve chai gần chợ Thiếc (Q.11, TP.HCM) thì nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc. Bà bấm bụng nghĩ “ trời tối thế này sao vẫn còn người ở chợ?”. Bà Hai lần theo âm thanh và sửng sốt cảnh tượng trước mắt. Một đứa bé được quấn khăn, đặt trong chiếc giỏ mây đang khóc rất to. Bên trong giỏ có tờ giấy khai sinh, ghi tên đứa bé là Dũng. Bà Hai thương xót, ôm đứa trẻ về nhà nuôi dưỡng. Dũng cứ thế lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của cụ bà bán vé số không chồng không con.
Năm Dũng lên lớp 6, mẹ ruột có quay về chợ Thiếc tìm anh một lần và được người dân chỉ về hướng nhà bà Hai. Sau lầm lỗi năm ấy, mẹ Dũng đã đi thêm bước nữa, có một gia đình riêng. Bà lão bán vé số biết nhưng không cấm cản chuyện anh gặp lại mẹ mà chỉ dặn dò: “Cha mẹ mày, mày cứ đi gặp đi. Rồi mày muốn về hay ở thì cứ quyết định”. Nhưng sau đó không có cuộc đoàn tụ nào diễn ra. Bởi với Dũng, trong trái tim anh chỉ có một mẹ.
“Em bảo gọi “má” không được thì con sẽ gọi “má Hai”. Bà không cho gọi nhưng em cứ gọi. Em làm sao có thể cất tiếng gọi mẹ với người em không có cảm tình, bỏ rơi đằng đẵng từng ấy năm? Sượng và giả tạo lắm. Với em, má Hai chính là người mẹ duy nhất, chẳng có ai có thể thay thế” , Dũng bộc bạch.
Chàng trai 28 tuổi cũng chưa bao giờ hỏi lí do vì sao người đàn bà năm ấy đã bỏ anh lại chợ. “Em không hận mà chỉ hơi giận, nhưng sau này nghĩ giận chỉ làm bản thân thêm mệt. Mình là con cái, đâu cấm mẹ đi thêm bước nữa. Ai cũng có quyền tự do, quyền tìm hạnh phúc của mình ”, Dũng nói.
Nhiều năm qua, Dũng và bà Hai nương tựa trong căn nhà trọ thuê. Dũng được bà Hai yêu thương như con ruột. Bà vất vả mưu sinh để cho anh đến trường học chữ. Bà không muốn số phận anh sẽ giống như bà, cả đời chỉ lang thang bán vé số.
Dũng nhớ kỷ niệm thuở nhỏ, anh hay đi học bằng xe buýt vì trạm xe gần nhà. Nhưng cậu bé thiếu niên háo thắng vẫn muốn có một chiếc xe đạp của riêng mình.
“Những năm 2007-2008, 1 triệu lúc đó to lắm, mà cái xe đạp ấy giá đã 3-400 ngàn. Bữa đó bà bảo em tối bà dẫn đi ăn sinh nhật. Lên gần chỗ Quận 1, bà bất ngờ dẫn vào cửa hàng mua cho em chiếc xe. Em suy nghĩ, giờ mua xe thì tiền tháng này 2 bà cháu ăn sao. Nhưng bà bảo, mày cứ lấy xe đi học đàng hoàng đi, ăn ít lại chút không sao. Từ ngày đó em thương bà nên không dám đòi hỏi gì bà nữa” , Dũng kể.
Dù thương nhưng bà Hai cũng dạy dỗ Dũng vô cùng nghiêm khắc. Ngày nhỏ anh nghịch ngợm nên hay bị bà mắng, thậm chí đánh bằng roi mây. Thế nhưng Dũng lại vô cùng biết ơn bởi chính sự rèn rũa năm ấy đã tôi luyện nên chàng trai mạnh mẽ của ngày hôm nay.
Dũng xin đi làm công nhân, chắt bóp, tiết kiệm được khoảng hơn 50 triệu. Anh dự định sẽ mở một cửa hàng bán linh kiện điện thoại. Nhưng ước mơ chưa kịp thành hiện thực thì bà Hai đổ bệnh. Từ ngày bị tai biến, sức khỏe bà yếu hẳn, cứ dăm bữa nửa tháng lại vào viện. Dũng đem 50 triệu tiền tích cóp đóng viện phí và thuốc thang nhưng không thấm vào đâu. Anh cầm cố chiếc đồng hồ, xe máy, laptop và điện thoại… – những vật giá trị nhất của bản thân với hy vọng “còn nước còn tát”.
“Trong 7 ngày, bà truyền hết 600 nghìn tiền kháng sinh. Mua trúng chỗ nào bán rẻ thì đỡ, nếu hôm nào hết hàng phải cắn răng mua chỗ đắt. Em không dám đi xa kiếm thuốc tại không ai coi bà. Nhiều lúc bà ngó giường bệnh bên cạnh thấy người ta có người nhà ra vào thăm, bà tủi thân chảy nước mắt. Vì bà không còn ai cả, chỉ có em mà thôi”, Dũng xót xa.
Trước khi đổ bệnh nặng, bà Hai dặn Dũng: “Bà mà có mệnh hệ gì, con cứ về ở với mẹ”. Nhưng Dũng gạt phăng đi. Anh xoa dịu bà: “Con không biết sau này ra sao, bà cứ ráng khỏe, đừng nói bậy bạ gì hết trơn”.
Để tiết kiệm, Dũng không ngại đứng xếp hàng nhận cơm từ thiện ở viện. Cũng từ ngày chăm bà, anh xin nghỉ hẳn và thành lao động tự do, ai mướn gì làm đó.
“Nhiều người bảo em bất hạnh vì bị mẹ bỏ, nhưng em lại thấy may mắn vì có bà nhặt về. Em không biết cảm giác có mẹ, ở chung với mẹ sẽ ra sao, nhưng trước mắt được bên cạnh bà, em thấy vui và hạnh phúc. Em có bà là đủ rồi” , Dũng nói.
Nguồn: Phong Bụi, Độc lạ Bình Dương