Quyết định chuyển hướng sự nghiệp của cô gái này nhận về ý kiến trái chiều từ nhiều người.
Kiều Mộng sinh năm 1994, khi còn là sinh viên năm cuối cô đã tham gia thực tập tại một công ty tư vấn tài chính. Sau khi tốt nghiệp ngành tài chính tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cô nhanh chóng được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc dự án nhờ thành tích xuất sắc của mình.
Vì năng lực làm việc tốt, cô nhận được lời đề nghị làm việc từ không ít đối tác. Năm 2017, cô làm việc tại một công ty khác và phụ trách các mảng kinh doanh đổi mới như homestay, du lịch và phát triển khu công nghiệp. Kinh nghiệm này đã đặt nền tảng kinh doanh vững chắc cho cô.
“Bởi vì chúng tôi triển khai những mô hình mới, lý tưởng và thực tế có sự khác biệt lớn, tôi đã phải chịu rất nhiều thất bại. Tôi chỉ có thể liên tục rút kinh nghiệm và những bài học từ đó. Nhưng đây là lý do khiến công việc kinh doanh của tôi sau này diễn ra suôn sẻ”, Kiều Mộng nói.
“Tuy nhiên nếu liên tục thất bại, con người sẽ quen với nó”, sếp của cô chia sẻ. Câu nói này đã tác động rất lớn đến Kiều Mộng. Năm 2020 cô chính thức từ chức ở công ty và bắt đầu theo đuổi lĩnh vực yêu thích là kinh doanh ẩm thực Hồ Bắc, nơi cô sinh ra.
Tháng đầu tiên quyết định sự sống còn của doanh nghiệp
Ngay từ cuối năm 2019, cô đã ký hợp đồng thuê mặt bằng và bắt tay vào trang trí cửa hàng để kịp khai trương vào năm sau, nhưng cuối cùng mọi thứ đều đổ vỡ vì gặp phải dịch bệnh.
Kiều Mộng chỉ có thể hoãn ngày khai trương thêm một tháng. Khi đó, cô phải đối mặt với áp lực rất lớn vì không thể mở cơ sở kinh doanh, mà vẫn phải gánh số tiền thuê nhà 1.500 NDT mỗi ngày (khoảng 5 triệu VNĐ). Vào tháng 3, cửa hàng cuối cùng đã mở cửa nhưng dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng và chỉ có thế bán mang đi.
Lúc này cô gái trẻ nhận thấy sự nở rộ của hình thức mua bán mang về, cùng với sự phát triển của công nghệ số, ngành dịch vụ dần chuyển dịch sang mô hình kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến.
Bất luận là kinh doanh gì, như thế nào, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng thì bạn sẽ không thể thành công.
Trước đó, Kiều Mộng đã tìm đọc rất nhiều đầu sách về kinh doanh, ẩm thực, tìm học các khóa học trực tuyến vì lượng kiến thức trong sách chưa cập nhật kịp so với thời đại. Cô cũng cố gắng xây dựng các mối quan hệ, trao đổi với các ông chủ trong lĩnh vực này để học hỏi kinh nghiệm thực chiến. Những kiến thức đó được cô ghi chép lại hết trong một quyển sổ tay dày.
Theo quan điểm của Kiều Mộng, bán mang đi khác với việc kinh doanh một cửa hàng tại chỗ, nếu bạn không thể thu hút khách hàng từ những ngày đầu thì sau này bạn sẽ tốn gấp đôi chi phí và công sức. Vì việc kinh doanh được thực hiện trên một nền tảng khác, nếu quán của bạn được nhận diện có tiềm năng và chất lượng tốt, nền tảng sẽ thúc đẩy và tăng lượng khách hàng tự nhiên biết đến quán hơn.
Kiều Mộng cho biết: “Hiện tại, số lượng đơn đặt hàng mang đi trong cửa hàng là 3.000 đến 4.000 mỗi tháng và doanh thu có thể đạt xấp xỉ 100.000 NDT (khoảng 333 triệu VNĐ)”.
Không ngủ quên trên chiến thắng
Vì hương vị được khách hàng ưa chuộng nên doanh nghiệp của cô tiếp tục mở rộng cửa hàng trong hai năm tiếp theo, con số lên đến 8 cửa hàng. Dù sau đó do dịch bệnh vẫn tiếp tục quay trở lại nên một số chi nhánh đã phải đóng cửa.
Không giống như các doanh nghiệp khác, Kiều Mộng xây dựng thương hiệu cung cấp dịch vụ ăn uống và còn cung cấp dịch vụ tư vấn cho một số thương nhân kinh doanh cùng ngành.
Là người đã nghiên cứu kỹ về ngành hàng ẩm thực, cô hiểu rõ sự cạnh tranh tranh khốc liệt trên thị trường. Tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ kênh đào tạo chuyên môn đặc thù nào dành riêng cho những người kinh doanh mô hình bán mang về này. Nhiều người đã khởi nghiệp, thu hút được khách hàng trong giai đoạn đầu nhưng lại chưa biết cách giữ chân khách hàng, hoặc doanh nghiệp kinh doanh truyền thống không hịp chuyển dịch đều sẽ bị đào thải. Không ít người dù tâm huyết với ngành nhưng đã phải từ bỏ.
Hầu hết khách hàng tìm đến cô để được tư vấn đều đang trong giai đoạn chuẩn bị cửa hàng. Khi ngày càng có nhiều người đến tư vấn, cô dành vài giờ mỗi ngày để trò chuyện với khách hàng. “Đây cũng là một quá trình giúp tôi học hỏi và tôi nhận được truyền cảm hứng từ nó.”
Để duy trì mảng kinh doanh chính, Kiều Mộng thường xuyên nghiên cứu thị trường, trao đổi với các chuyên gia đầu ngành để nắm bắt những xu hướng mới. Trong khi nhiều người tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống đến rồi đi, cô vẫn kiên trì và đạt được thành quả xứng đáng.
Hoa Thu–Nhịp sống thị trường