Câu chuyện lướt tiền kiếm chênh từ thương vụ mua bánh “chớp nhoáng” tưởng chỉ xuất hiện trong cơn sốt đất. Nhưng khi thị trường bắt đầu đang dần hồi phục, câu chuyện hy hữu kiếm hàng trăm triệu vẫn xảy ra.
Chiêu thức môi giới cọc tiền cho chủ đất, sau đó rao bán lại cọc, kiếm tiền chênh là câu chuyện thường xảy ra trong cơn sốt đất. Nhưng đến thời điểm thị trường trầm lắng, thanh khoản luôn là bài toán khó. Thậm chí nhiều môi giới phải bỏ nghề vì đất nền cắt lỗ sâu vẫn không ai mua.
Thế nhưng, thị trường đã bắt đầu xuất hiện câu chuyện “lặp lại thời kỳ sốt đất”.
Chị V.H (Bắc Ninh), vừa là nhà đầu tư vừa là môi giới kể lại. Cách đây không lâu, chị vừa cọc tiền lô đất nền. Lô đất này diện tích 125m2. Ở thời điểm sốt đất, chủ cũ mua với giá 31,5 triệu đồng/m2. Riêng tiền đất gần 4 tỷ đồng và chủ phải đóng thêm 2,4 tỷ đồng tiền xây thô cho chủ đầu tư. Tổng chi phí cho lô đất là 6,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đất cần tiền nền bán cả đất lẫn tiền xây thô với giá 4 tỷ đồng. Chị V.H thấy giá hời, quyết định cọc mua.
Tuy nhiên, chị vẫn tìm kiếm khách mua lại lô đất này. Khoảng 1 tuần sau, chị V.H tìm được khách mua với giá 4,5 tỷ đồng. Đây là thương vụ hiếm hoi sau gần 2 năm, chị V.H chốt lời nhờ lướt sóng với khoản tiền 500 triệu đồng.
“Sau đó, lô đất này chỉ sau 2 tuần có khách trả tăng gần 600 triệu đồng nhưng chủ không bán. Lô đất này nằm ở vị trí đẹp. Nếu sau này xây dựng lên, khu vực đông dân cư, đây là điểm buôn bán khá thuận lợi”, chị V.H chia sẻ.
Môi giới này cũng cho biết, thời điểm gần 2 năm trước, thị trường bất động sản ở Bắc Ninh gần như đóng băng. Đất cắt lỗ tới 50% có giai đoạn không người mua. Nhưng thời gian gần đây, thị trường bắt đầu hồi trở lại.
Anh Nguyễn Thái Mạnh (Giám đốc kinh doanh của một văn phòng bất động sản ở Bắc Ninh) cho biết, chuyện lướt sóng khi thị trường đang trầm lắng khá hiếm xảy ra. Tuy nhiên, trong thời điểm thị trường bắt đầu hồi phục, cơ hội của môi giới, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính có thể mua được bất động sản cắt lỗ sâu. Chỉ cần sản phẩm đẹp, bằm ở vị trí tốt, không ít nhà đầu tư khác chấp nhận trả chênh thêm tiền. Ví dụ như nhà đầu tư chỉ cần mua cắt lỗ 40-30%, khi bán lại chỉ cần thấp hơn so với giá thời điểm vào hàng sơ cấp tới 20%-10% cũng đũ lãi.
Anh Mạnh đánh giá: “Đây là tín hiệu tốt cho thị trường địa ốc. Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư vào bất động sản đang hồi trở lại. Đặc biệt, các nhà đầu tư ôm hàng càng kỳ vọng giá bất động sản sớm quay trở lại. Tuy nhiên, tôi nghĩ kịch bản toàn thị trường sôi động chắc khó xuất hiện. Trường hợp lạc quan, đó là giá bất động sản hồi nhẹ, không còn cắt lỗ sâu. Thứ hai, bất động sản cắt lỗ, đẹp đều thanh khoản dễ dàng hơn”.
Theo Nhịp sống thị trường