Nuôi cá mú trân châu trong ao nước lợ, mặn ở tỉnh Quảng Ngãi là cách vừa thay thế đối tượng nuôi có giá trị kinh tế thấp và các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, vừa cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều khả năng, cá mú trân châu sẽ trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi nhằm từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giảm thế độc canh con tôm, góp phần đem lại thu nhập cho người nuôi…
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm trong ao tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa với quy mô 2.300 m2, 01 hộ tham gia.
Số lượng cá mú giống thả nuôi 2.300 con, kích cỡ giống ≥ 10 cm/con, mật độ thả 01 con/m2. Hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 50% chi phí cá mú giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh và men tiêu hóa…
Ngoài ra, hộ nuôi cá mú trân châu còn được tập huấn về kỹ thuật nuôi cá từ khâu chuẩn bị ao nuôi, chọn cá mú giống, quản lý chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá mú nuôi.
Sau 8 tháng nuôi cá mú trân châu đạt trọng lượng bình quân 0,7kg/con, tỉ lệ sống của cá mú trân châu đạt 75%, sản lượng thu được 1.207 kg.
Với giá cá mú trân châu bán trên thị trường là 280.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi cá mú trân châu thu nhập trên 100 triệu đồng.
Theo ông Phạm Hoài Hân, hộ nông dân tham gia mô hình nuôi cá mú trân châu cho biết trước đây ông nuôi tôm nhưng do bị dịch bệnh thường xuyên nên nuôi tôm ngày càng thua lỗ, ông đã chuyển sang nuôi cá mú nhưng cũng không hiệu quả nguyên nhân nguồn giống cá mú được thu gom ngoài tự nhiên không đồng đều, sinh trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp,…
Mô hình nuôi cá mú trân châu đã khắc phục được những nhược điểm trên. Đồng thời, thức ăn cho nuôi cá mú trân châu sử dụng thức ăn viên thay thế thức ăn tươi sống góp phần chủ động nguồn thức ăn và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nhờ vậy, cá của gia đình ông sinh trưởng, phát triển khá tốt. Sau 8 tháng nuôi tỉ lệ sống khá cao (>75%) và tăng trọng nhanh hơn so với ông nuôi trước đây.
Ông Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: Cá mú trân châu là đối tượng mới đối với bà con nông dân tại điểm trình diễn nên ban đầu việc triển khai xây dựng mô hình còn gặp nhiều khó khăn do các hộ dân chưa mạnh dạn đầu tư đối ứng và chưa có kinh nghiệm nuôi với đối tượng giống mới này nên còn e ngại.
Nắm bắt được những khó khăn đó, địa phương và cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tích cực vận động hộ dân nhiệt tình tham gia xây dựng điểm trình diễn, đến nay mô hình đã cho hiệu quả kinh tế, qua mô hình cho thấy cá mú trân châu thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương.
Vì vậy, trong thời gian tới địa phương sẽ xây dựng kế hoạch tập huấn, tuyên truyền để nhân rộng mô hình nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân trong xã.
Nhằm khẳng định cá mú trân châu là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện nuôi tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá mú trân châu tại xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi với quy mô 2.300 m2, 01 hộ tham gia.
Thả cá mú giống ngày 24/02/2023; số lượng cá mú trân châu: 2.300 con, cỡ cá: ≥ 10 cm/con. Để chuyển giao quy trình kỹ thuật đến với người dân, Trung tâm đã tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá mú trân châu thương phẩm trong ao cho 30 hộ dân tham gia mô hình và hộ ngoài mô hình.
Sau hơn 3 tháng thả nuôi cá mú trân châu sinh trưởng phát triển tốt; trọng lượng bình quân khoảng 300g/con, tỷ lệ sống ước đạt 90%. Dự kiến mô hình sẽ cho hiệu quả kinh tế mà kế hoạch đã đề ra.
Thả cá giống ở mô hình nuôi cá mú trân châu trong ao của hộ gia đình ông Nguyễn Hiệp ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Được biết cá mú trân châu là con lai giữa cá mú cọp cái và cá mú nghệ đực nên có chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chống chịu tốt với sự biến đổi của khí hậu.
Vì vậy, việc nhân rộng mô hình nuôi cá mú trân châu không chỉ giải quyết được yêu cầu đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, chuyển những ao nuôi tôm gặp khó khăn do dịch bệnh sang phát triển nuôi cá mú, mà còn mở ra hướng làm kinh tế mới, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân ven biển.
Hữu Thái (TTKN Quảng Ngãi)