Qua 5 năm đi vào hoạt động, Tổ liên kết trồng rau, hoa công nghệ cao của Hội LHPN xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã giúp nhiều hội viên làm chủ kinh tế gia đình.
Mạnh dạn thay thế cây cà phê sang trồng rau, hoa công nghệ cao
Là một trong những thành viên đầu tiên của Tổ liên kết trồng rau, hoa công nghệ cao xã Nam Hà, từ một hộ thuần nông với thu nhập thấp, nhờ khởi nghiệp bằng phương pháp trồng hoa công nghệ cao, chị Lê Thị Ngân đã có những bước tiến vượt bậc. Không chỉ vực dậy kinh tế hộ gia đình, chị còn là tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong khởi nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Được biết, trước đây, gia đình chị Ngân chủ yếu trồng cà phê, thu nhập chỉ đủ sống. Các con ngày một lớn, tiền học hành và chi tiêu trong gia đình ngày một tốn kém nên vợ chồng chị Ngân làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, chẳng còn để tích luỹ phòng khi bất trắc. Chính vì vậy, lúc nào chị Ngân cũng khát khao và nung nấu ý định phải làm điều gì đó để thay đổi cuộc sống, vực dậy kinh tế gia đình, tích luỹ cho tương lai.
“Năm 2013, tình cờ tôi được biết đến mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao. Qua tìm hiểu tôi thấy tuy chi phí đầu tư cho mô hình này khá lớn nhưng lại cho thu nhập cao. Sau nhiều trăn trở, cân nhắc, tôi mạnh dạn và quyết tâm sẽ đi theo hướng này. Sau khi bạn bạc với gia đình, tôi đã biến diện tích cà phê đang có trở thành diện tích trồng rau, hoa để phát triển kinh tế nông nghiệp”, chị Ngân nhớ lại thời điểm bắt đầu khởi nghiệp.
Tổ liên kết trồng rau, hoa công nghệ cao được chị em hội viên phụ nữ xã Nam Hà duy trì và thực hiện hiệu quả
Nghĩ là làm, chị Ngân chặt bỏ toàn bộ vườn cà phê kém chất lượng để chuyển sang trồng thử nghiệm 4 sào hoa công nghệ cao gồm hoa cúc, thạch thảo, cẩm tú cầu. “Cứ thế, tôi lấy ngắn nuôi dài, từ thành công bước đầu, vợ chồng tôi quyết định mua thêm đất để trồng. Ngoài ra, qua nghiên cứu nhu cầu của thị trường, tôi biết đến loại cây mimosa đang được thương lái ưa chuộng và tìm kiếm nên một lần nữa tôi mạnh dạn đầu tư. Đến nay, tổng diện tích trồng hoa công nghệ cao và trồng cây mimosa là hơn 2 ha” – chị Ngân chia sẻ.
Để đảm bảo đầu ra, vợ chồng chị Ngân thuê nhân công tại thôn đóng gói và chuyển giao cho các thương lái ở TP Hồ Chí Minh. Với tổng diện tích hơn 2 ha trồng hoa, hằng năm trừ hết chi phí, số lãi chị Ngân thu được khoảng hơn 500 triệu đồng.
Trồng ớt chuông vực dậy kinh tế gia đình
Một thành viên khác của Tổ liên kết trồng rau, hoa công nghệ cao xã Nam Hà là chị Lê Thị Mẫu cho biết, để hoàn thiện 5 sào vườn ớt chuông theo hướng công nghệ cao, gia đình chị đã phải đầu tư khá nhiều chi phí. Song, nhờ sự vận dụng khoa học kĩ thuật cào vào sản xuất mà năng suất cây trồng có sự phát triển vượt trội. Đợt thu hoạch vừa qua, ớt chuông vừa được mùa lại được giá, mang lại nguồn lợi kinh tế đáng mừng cho gia đình chị.
“Trong quá trình thực hiện mô hình, vợ chồng tôi cũng đã không ít lần thất bại do chưa nắm vững được kỹ thuật chăm sóc và trồng đúng quy trình nên cây thường bị bệnh và chết. Rút kinh nghiệm từ thất bại của mình, tôi tích cực học hỏi thêm kiến thức qua sách báo và những nông dân có mô hình giống tôi ở các địa phương lân cận. Nhờ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không thối chí, dần dần diện tích ớt chuông và thanh long đã được cải thiện và cho thu nhập cao. Hiện nay, nhà kính trồng ớt chuông của tôi được lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị bài bản, khoa học như hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân và cung cấp các chất dinh dưỡng vi lượng phù hợp, cần thiết cho cây” – chị Mẫu cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, sản lương ớt chuông của gia đình chị Mẫu được thương lái tại Đà Lạt xuống tận vườn thu mua; thanh long được các thương lái tại địa phương bao tiêu. Với tổng diện tích 5 sào ớt chuông và 5 sào thanh long, năm 2022 vợ chồng chị Mẫu thu về được 900 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Phát huy vai trò “bà đỡ” của Hội LHPN
Nhằm đáp ứng nhu cầu của chị em hội viên, năm 2018, Hội LHPN xã Nam Hà quyết định thành lập Tổ liên kết trồng rau, hoa công nghệ cao tại 2 thôn Nam Hà và Hai Bà Trưng. Tại thôn Nam Hà, ban đầu có 15 thành viên với diện tích trồng gần 5 ha; trong đó hơn 1 ha nhà kính được chị em hội viên dùng để trồng các loại cây khác nhau như hoa cúc, cà chua, ớt chuông, thanh long và cây mimosa…
Chị Nguyễn Thị Quyên – Tổ trưởng Tổ liên kết trồng rau, hoa công nghệ cao thôn Nam Hà cho biết, ngay sau khi thành lập, tổ đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội LHPN xã và Hội LHPN huyện. Từ số vốn này, Tổ đã xoay vòng cho các tổ viên vay với phương châm công khai, minh bạch và phải có đầu tư thực tế vào sản xuất. Việc thành lập và để chị em đăng ký làm thành viên nhằm tạo điều kiện gặp gỡ học hỏi, trao đổi thông tin cùng nhau. Đồng thời, thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ để các thành viên tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc rau, hoa công nghệ cao tại địa phương.
Nhờ hoạt động hiệu quả, số lượng hội viên tham gia Tổ liên kết tăng nhanh. Đơn cử như tại thôn Nam Hà, hiện có khoảng 40 hội viên phụ nữ tham gia Tổ liên kết với tổng diện tích sản xuất gần 20 ha. Nhận định về mô hình Tổ liên kết, Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Hà Hoàng Thị Nhung khẳng định: “Việc hình thành và duy trì Tổ liên kết đã góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho hội viên, tạo sự chuyển biến tích cực trong kết nối từ sản xuất đến thị trường, thu hút đông hội viên tham gia”
Được biết, trong thời gian tới, Hội LHPN xã Nam Hà sẽ tiếp tục vận động hội viên tham gia mô hình, đồng thời, tăng cường phối hợp hỗ trợ các thành viên và khuyến khích liên kết giữa các hộ trồng rau, hoa trong vùng để hoạt động sản xuất bền vững, hiệu quả.
Theo PNVN