Thực tế rất tàn nhẫn, không có tiền thì nửa bước cũng khó đi. Đó là lý do vì sao mà câu hỏi “làm thế nào để trở nên giàu có” luôn được nhiều người quan tâm!
Vào thời Xuân Thu, Khổng Tử đã có những đóng góp trong giáo dục, nghi thức,… và được biết đến như một vị thánh nhân. Nhiều người thường dùng lời dạy của Khổng Tử để làm kim chỉ nam cho bản thân.
Ông không chỉ dạy chúng ta cách làm người, mà còn dạy chúng ta cách làm giàu. Và vào thời điểm đó, đệ tử của ông, Tử Cống, cũng là một phú hào. Tử Cống được biết đến như là “ông tổ của các thương nhân Nho giáo”; đệ tử Nhiễm Cầu cũng là một người quản lý vĩ đại của nước Lỗ, ông thúc tiến cải cách thuế ruộng, rất giỏi trong việc gia tăng quốc khố.
5 câu nói của Khổng Tử sau đây sẽ cho bạn biết làm thế nào để phát tài trong thầm lặng.
- Muốn làm giàu, trước hết phải biết phát triển bản thân
Khổng Tử từng dạy: Muốn làm việc giỏi thì trước hết phải mài sắc công cụ của mình.
Không ai có thể cứu bạn nếu bạn không rèn luyện tốt các kỹ năng của mình và không cố gắng. Ngay cả khi bạn là hậu duệ của gia tộc giàu có, làm sao bạn có thể bảo vệ gia sản khi mà bạn không có tài cán gì? Khi bạn cần tìm người hợp tác, cái họ nhìn không phải là dung mạo của bạn, mà là giá trị bạn có thể mang đến cho họ.
Nói đến vấn đề vì sao Tử Cống giàu có, đó là vì ông đã sử dụng kiến thức đã học để quan sát động thái của xã hội. Khi thị trường biến động, ông mua hàng hóa vào với giá thấp và bán nó ra với giá cao.
Ông phân tích bí quyết kinh doanh muối: gần biển thì muối sẽ không có giá trị, vì nó nhiều như cỏ dại ngoài đồng. Nhưng khi nó được vận chuyển vào Hàm Dương, thì giá trị sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.
Sự giàu có của một người không thể vượt quá kiến thức mà họ biết. Nếu bạn ngừng học hỏi và nâng cấp bản thân thì sẽ rất khó để chạm được tới 2 chữ “giàu có”. Vì khi cơ hội đến, bạn sẽ không sẵn sàng.
- Quân tử nên làm điều thiện cho đời, không làm điều ác cho đời
Khổng Tử đã từng khen Nhiễm Cầu, rằng: “Có thể vì xã tắc mà hy sinh thì cũng không còn gì hối tiếc.”
Nhiễm Cầu đã bỏ ra sức lực và trí tuệ của mình để bảo vệ giang sơn xã tắc. Đây là hy sinh, nhưng ngược lại, sự cho đi này cũng đã nhận lại được sự công nhận của xã hội, được người đời ngưỡng mộ.
Hãy học cách giúp đỡ người khác, bạn giúp đỡ càng nhiều người thì phần thưởng sẽ càng lớn. Đó được gọi là quá trình tích lũy của cải.
Nhiễm Cầu giúp nước Lỗ tiến hành cải cách để tăng cường quốc khố. Hơn nữa, Nhiễm Cầu còn suy nghĩ cho cuộc sống của người dân. Ông mang binh chống quân Tề xâm lược, sau cùng giành được thắng lợi, bảo vệ được hòa bình của quốc gia. Ông còn thuyết phục Quý Khang Tử đón Khổng Tử về nước Lỗ để dạy học và dưỡng lão.
Bây giờ, hãy tự hỏi bản thân, mọi thứ bạn đang làm có phải là thứ mà mọi người cần hay không? Nếu cứ ích kỷ, không bao giờ quan tâm đến lợi ích của mọi người, thì sẽ rất khó để trở nên giàu có.
Ví dụ như, nơi có đông người, nếu cần siêu thị thì mở siêu thị; người già cần sức khỏe thì bạn hãy tặng sức khỏe; trẻ con muốn vui chơi thì xây công viên trẻ em,… Quá trình giúp đỡ người khác cũng là quá trình làm giàu.
- Cái nhỏ không nhịn, ắt hỏng chuyện lớn
Có nhiều người thường xuyên than vãn về công việc của họ, nào là quá tẻ nhạt, nào là không kiếm ra được bao nhiêu tiền. Họ cho rằng ông trời không công bằng, không cho họ cơ hội phát tài.
Nhưng sự thật thì làm gì có ai giàu ngay chỉ sau một đêm. Đằng sau mỗi sự giàu có, luôn là những góc khuất mà những người chưa giàu không nhìn thấy.
Những người biết kiên trì, kiên nhẫn trong một ngành nghề nhất định, đa phần sau này đều sẽ trở thành bậc thầy trong lĩnh vực đó. Một trong những người anh em họ của tôi, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thì đã nghỉ học và đến Đông Hoản làm việc.
Anh ấy đã chọn một công ty lớn để đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp. Nhiều đồng nghiệp, đồng hương liên tục rời khỏi công ty, nhưng anh ấy vẫn kiên trì ở lại. Kết quả, sau mười năm, anh được thăng chức giám sát. Anh còn sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình để học và thi lấy bằng tốt nghiệp đại học.
Cho nên, bất cứ ai có khả năng bay qua bầu trời thì đều đã phải trải qua nhiều năm ngủ đông.
- Muốn phát tài, nhân phẩm phải tốt
Ví dụ điển hình chính là Tử Cống. Sau khi giàu có, ông đã nhiều lần giúp đỡ nước Lỗ chuộc lại được không ít nô lệ từ các quốc gia khác.
Khi Khổng Tử qua đời, ông căn dặn các đệ tử của mình hãy sắp xếp tang lễ theo nghi thức phụ tử. Tử Cống khi đó đã xây dựng một gian nhà nhỏ trước khu mộ của Khổng Tử và thủ hiếu tận 6 năm.
Tôn sư trọng đạo, hiếu thuận trưởng bối. Đây là nhân phẩm, cũng là châm ngôn vàng trên con đường truy cầu tài lộc.
Khi mọi người đều biết bạn là một người trung thực và đáng tin cậy, thì họ sẽ dễ dàng mở lòng và muốn hợp tác cùng bạn hơn. Ngay cả khi bạn không có tiền, thì họ vẫn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
- Muốn làm giàu thì phải tuân thủ quy tắc
Đệ tử của Khổng Tử, Tử Lộ, khi vừa ra ngoài thì nghe được tiếng hét: “Có người rơi xuống nước.”
Ông không ngần ngại chạy qua, nhảy xuống nước, vớt người kia lên. Sau đó, người được cứu đã tặng Tử Lộ một con bò để bày tỏ lòng biết ơn của mình.
Lúc bấy giờ, mọi người đều bàn tán: “Tên Tử Lộ này thì ra là cần phí trả ơn.”
Khổng Tử biết chuyện liền nói: “Cứu người rơi xuống nước, được nhận báo đáp đó là lẽ thường tình, nếu không muốn gọi là quy tắc.”
Từ đó về sau, những ai cứu người thì đều nhận được phần thưởng báo đáp. Dần nó cũng đã trở thành một luật bất thành văn trong xã hội.
“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, những quy tắc này đôi khi là bắt buộc, đôi khi lại phải xem nhân phẩm của một người, xem họ có muốn tuân thủ theo hay không. Nếu muốn thành công, tuyệt đối đừng làm loạn những quy tắc này.
Tôi từng đọc được một mẩu chuyện nhỏ như thế này: có một nhân viên lẻn vào văn phòng của sếp vào nửa đêm để ngủ. Khi bị phát hiện, sếp mới biết rằng thì ra nhân viên này là một sinh viên đại học, gia cảnh nghèo khó, không có tiền nên mới trốn vào công ty vào mỗi đêm để có chỗ ngủ. Nhưng công ty có quy tắc riêng, tự ý đột nhập vào công ty thì phải bị sa thải. Người sếp đó đã không ngần ngại sa thải anh nhân viên, nhưng sau đó lại tặng cho anh ấy một số tiền.
Nên nhớ, giúp đỡ và quy tắc là 2 chuyện khác nhau. Một người rõ ràng được trong 2 việc này chính là một người lãnh đạo giỏi. Đường tiền tài ắt cũng sẽ rộng mở hơn.
Ông trời không bạc đãi bất kỳ ai. Cơ hội kiếm tiền luôn xuất hiện ở khắp mọi nơi, điều quan trọng là bạn có đủ bản lĩnh để nắm bắt được nó hay là không. Hãy tĩnh lặng và rèn giũa bản thân, rồi sẽ có một ngày bạn cũng sẽ trở thành một viên ngọc sáng.
Theo Diệu Đan-Theo Phụ nữ số