“Cái tâm đổi cái tâm”, đây là nguyên tắc buôn bán và triết lý sống của Vương Á Vinh.
“Cái tâm đổi cái tâm” – nguyên tắc bán hàng của quán cơm trưa “giá rẻ, tùy ý gắp, tùy tâm trả tiền”
Mới đây, người phụ bán cơm trưa ở Hợp Phì (An Huy, Trung Quốc) bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội.
Vương Á Vinh, 44 tuổi, năm 2015, vợ chồng cô đến Hợp Phì kiếm sống bằng nghề bán cơm hộp gần công trường.
Vì khách hàng là công nhân lao động trên các công trường xây dựng nên hộp cơm của cô đảm bảo tiêu chí “ngon, bổ, rẻ” với giá 10 NDT/phần (hơn 33.000 đồng). Khách hàng tự cầm hộp chọn những món mà mình thích từ hơn 30 món được phục vụ mỗi ngày.
Công nhân ở công trường thường có sức ăn mạnh, ở đây có nhiều món ăn ngon, khẩu phần nhiều, giá không đắt, quan trọng nhất là cơm có thể tùy ý gắp đầy, vì thế, ngày càng có nhiều công nhân làm việc ủng hộ quán cơm trưa giá rẻ của Vương Á Vinh.
Một số công nhân đề nghị cô Vương tăng giá thêm 2 NDT (gần 7.000 đồng), nhưng cô quyết không tăng. Sự kiên trì này kéo dài trong 9 năm.
Một số khách hàng hỏi: “Tại sao không tăng giá?”.
Vương Á Vinh vừa múc thức ăn vào hộp, đưa cho anh rồi cười nói: “Không có lý do gì cả, tôi cũng không biết tại sao”. Ai hỏi, cô cũng đều trả lời như vậy.
Ngoài việc không tăng giá, Vương Á Vinh còn có một thói quen trong buôn bán khác là khách hàng tự trả tiền, hoàn toàn dựa vào ý thức của mỗi người.
Ngay cả khi thấy ai đó không thanh toán hóa đơn, người phụ nữ cũng giả vờ như không biết: “Tôi không chủ động thu tiền người khác là vì tôi nghĩ mình cho đi cái tâm thì họ cũng cho lại mình bằng cái tâm. Nếu họ gặp khó khăn, sẽ rất xấu hổ khi tôi gọi lại nói họ chưa trả tiền trước mặt nhiều người. Một số người già không có con cái bên cạnh, cuộc sống rất khó khăn, không phải ai cũng có thể kiếm được tiền”.
“Cái tâm đổi cái tâm”, đây là nguyên tắc buôn bán và triết lý sống của Vương Á Vinh.
“Xin hãy tăng giá lên, nếu không lần sau tôi sẽ không đến ăn nữa!”. Nghe những câu như vậy, Vương Á Vinh rất cảm động.
Điều này tương ứng với câu: Chỉ cần mỗi người cho đi một chút yêu thương thì thế giới sẽ trở tươi đẹp biết bao.
Thật không may, đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Họa từ trên trời rơi xuống, cái tâm bị nghi ngờ
Một blogger đến quán cơm trưa của Vương Á Vinh để trải nghiệm hộp cơm giá rẻ. Và thế là hộp cơm trưa “ngon, bổ, rẻ’ này đã nổi tiếng khắp các trang mạng xã hội.
Hàng loạt blogger liên tiếp kéo đến khiến quán cơm trưa dành cho người lao động và người thiếu thốn kinh tế mất đi sự yên bình vốn có.
Quả nhiên! Càng nhiều người, hỗn loạn càng phát sinh.
Có người nghe nói “ăn xong vẫn có thể gắp đầy” nên ngày nào cũng đến đây ăn, ăn xong họ múc đi một nồi to đủ cho khoảng 5 người và chỉ trả tiền một phần.
Cũng có người chỉ bỏ tiền một suất để quay video mà gói ba bốn hộp một lúc, ăn vài miếng rồi vứt đi.
Quá đáng hơn nữa, họ còn trực tiếp lấy đi cái nồi Vương Á Vinh thường cho thức ăn vào mà không hề trả tiền, chỉ riêng nhóm người này đã khiến cô tổn thất hơn 1.400 NDT chỉ trong một ngày (gần 5 triệu đồng).
Người ta kiếm được rất nhiều tiền khi trở nên nổi tiếng, nhưng còn Vương Á Vinh thì sao? Không những không kiếm được tiền mà còn bị mất tiền. Đã vậy còn bị sức cùng lực kiệt, nhưng những người công nhân quen thuộc trên công trường lại đói và không có gì để ăn.
Vào ngày 16/8/2023, Vương Á Vinh quyết định đóng cửa quán cơm trưa nửa tháng vì có quá nhiều người đến ăn, liên tiếp 4 đêm cô chỉ ngủ đúng 1 tiếng đồng hồ.
Vài hôm sau khi khai trương trở lại hồi đầu tháng 9, vào ngày 10/9, Vương Á Vinh đã bị tổn thương trước hành vi của một số khách hàng sau khi ăn xong đã gói đồ ăn mang về. Thế là cô tiếp tục đóng cửa.
Trước ống kính, cô đã khóc và nói ra suy nghĩ của mình: “Tôi thấy buồn và không muốn tiếp tục. Tôi chỉ muốn bán một bữa ăn ngon cho người công nhân. Làm nghề này 9 năm trời, kể cả khi người ta bảo tăng giá, tôi cũng không tăng”.
Cuối video, Vương Á Vinh nghẹn ngào nói: “Tôi cứ nghĩ cái tâm có thể đổi lại cái tâm!”.
Nhưng đây còn chưa phải quá đáng nhất nhất. Một số người bắt đầu đặt câu hỏi:
“Hộp cơm rẻ như vậy, dùng nguyên liệu gì? Có ăn được không?”.
“10 tệ có thể ăn hơn 30 món, lại có nhiều món thịt như vậy, nhất định là dàn dựng để livestream bán hàng”.
Thế nhưng liệu họ có nghĩ rằng: Ai lại có thể kiên trì suốt 9 năm và biết chắc mình sẽ “nổi tiếng” sau chừng ấy thời gian?
Cũng giống như trường hợp cụ ông bán chè ở Vũ Hán (Trung Quốc) năm ngoái. Cụ ông này đã bán chè trên xe hàng suốt 17 năm với khẩu hiệu: 2 NDT/phần, có thể uống tiếp miễn phí nếu muốn, miễn phí cho người già và trẻ em.
Khi được hỏi, cụ ông chỉ mỉm cười và nói: “Mình kiếm chút tiền là được rồi”.
Sau khi hình ảnh cụ ông bán chè được đăng tải lên mạng xã hội, ban đầu là khen ngợi hết lời, sau đó là làn sóng tiêu cực phủ lấy ông lão hơn 70 tuổi.
Nhiều người nghi ngờ cụ ông dùng nguyên liệu không sạch sẽ, bằng không sao có thể bán rẻ như vậy?
Thậm chí không ít người lên tiếng mắng chửi và bịa ra hàng loạt câu chuyện về con cháu của cụ ông bất hiếu, để ông thân già phải đi bán chè kiếm tiền mưu sinh. Cũng vì vậy mà đứa cháu sống cùng ông đang tuổi ăn tuổi học gặp rất nhiều chế giễu và phiền phức.
Đứng trước áp lực dư luận, hàng ngày đều có rất nhiều blogger tìm đến nhà, cụ ông đã quyết định nghỉ bán hàng chè , nghề gắn bó suốt 17 năm.
Ông cha ta thường nói: “Người tốt khó làm”. Cái ác lớn nhất trong bản chất con người là không để cho sự lương thiện chốn dung thân.
Vương Á Vinh hay cụ ông bán chè đều đã theo đuổi đúng cái tâm của chính họ. Chỉ mong rằng họ vẫn giữ được trái tim ban đầu, tiếp tục làm nhiều điều nhỏ bé tốt đẹp cho đời.
Theo Trung Hạ-Theo Phụ nữ số