Ở mảnh đất Cư M’gar, Đắk Lắk, từ lâu đã nổi tiếng gần xa cái tên “Cà phê Ông Giáo”. Tìm hiểu về món cà phê nức tiếng này, chúng tôi mới biết, người làm nên hương vị cà phê đặc biệt này là vợ chồng nhà giáo Phạm Thị Thu Thảo.
Chị Phạm Thị Thu Thảo sinh ra tại thành phố Huế. Từ nhỏ, chị theo học tại Huế, cho đến năm 1983, chị vào Đắk Lắk tiếp tục học trung học phổ thông, rồi học trường Cao Đẳng sư phạm Đắk Lắk. Năm 1989, chị được phân công về dạy học tại huyện Cư M’gar và lấy chồng là đồng nghiệp giáo viên. Có lẽ, chị đến với cà phê khá muộn, là khi vợ chồng chị nghỉ hưu và bắt đầu viết nên câu chuyện về “Cà phê Ông Giáo” (năm 2021).
Chị kể, gia đình chồng chị bắt đầu trồng cà phê từ năm 1968 tại Buôn Ma Thuột nhưng chỉ bán sản phẩm sơ chế cho thương lái. Sau khi nghỉ hưu, chị quan tâm đến phân khúc sau thu hoạch với mong muốn tạo nên sản phẩm cà phê chất lượng cao, nâng cao thương hiệu cà phê Buôn Ma thuột đã có tiếng tăm trên thị trường cà phê thế giới.
Từ vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với điều kiện khí hậu, thời tiết, độ cao và đặc biệt là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, nơi mà cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã tìm ra và trồng cây cà phê Robusta với hương vị đặc biệt, vợ chồng chị có ý tưởng tạo ra sản phẩm mang nhãn hiệu “Cà phê Ông Giáo”.
Chị cho biết, cà phê Robusta mới được các chuyên gia ẩm thực trên thế giới công nhận là một thức uống trong thời gian chưa tới 30 năm, nhưng cà phê Arabica đã thành thức uống từ những năm 600 sau công nguyên. Để trở thành một loại thức uống thì Robusta phải đạt nhiều tiêu chí của Hiệp hội cà phê thế giới (SCA) tiêu chuẩn Fine Robusta. Đây là một loại thức uống chất lượng cao, an toàn và có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.
“Với phương pháp sơ chế “honey” sau thu hoạch tương đối đơn giản, phù hợp với các vườn cà phê vừa và nhỏ giống như gia đình tôi thì người trồng có được sản phẩm tốt hơn, bán được giá cao hơn cà phê bình thường từ 40-50%”, chị Thu Thảo nhận định.
Tuy nhiên từ khi mới bắt đầu, vợ chồng chị cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tạo ra thương hiệu cà phê chất lượng cao – “Cà phê Ông Giáo”. Đó là nguồn vốn đầu tư mua sắm các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc thu hoạch, sơ chế và rang xay thay cho phương pháp thủ công tốn nhiều công sức lúc bấy giờ. Bằng mọi giá vượt qua rào cản để thay đổi cách làm, từng bước đầu tư bài bản, “Cà phê Ông Giáo” đã hoàn thiện quy trình chế biến hiện đại của mình và cho ra những sản phẩm đạt chất lượng cao.
Chị Thu Thảo (phải) mong muốn người trồng cà phê nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm để nâng cao uy tín hạt cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới
Hiện nay, chị Thu Thảo đã xây dựng cho mình 2 loại sản phẩm là cà phê nhân xanh (green bean) và cà phê rang xay mộc chất lượng cao nhằm trở về hương vị gốc của hạt cà phê Ban Mê Thuột mà không sử dụng các loại gia vị, hương liệu.
Hương vị cà phê của vợ chồng chị đến với người thưởng thức được hình thành từ khâu chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng thường xuyên, kịp thời, đúng thời điểm sinh trưởng từ lúc ra hoa cho đến lúc quả chín, thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel. Cùng với qui trình sơ chế bằng phương pháp “honey” nghiêm ngặt bảo quản tốt như lựa chọn quả chín đều, rửa sạch, bóc vỏ, phơi trên sàn trong nhà màng…, chị đã tạo ra sự khác biệt so với cách làm cà phê truyền thống.
Theo chị Thu Thảo, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam chiếm 42,3% thị phần trên thế giới, tương đương 1,87 triệu tấn nhưng giá bán ra lại thấp nhất. Chị mong muốn hạt cà phê Robusta Việt Nam phải được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Muốn vậy phải thay đổi phương pháp chăm sóc, sơ chế, bảo quản làm sao để giảm giá thành làm ra hạt cà phê mà vẫn tạo ra sản phẩm chất lượng cao mang nhiều lợi nhuận cho người trồng.
“Trên thế giới người ta sử dụng cà phê Robusta nhiều trong công nghiệp thực phẩm, làm cà phê hòa tan, một số ít dùng làm thức uống bằng cách phối trộn với cà phê Arabica nhằm tạo ra hương vị đặc trưng. Còn tại Việt Nam, theo thói quen từng vùng miền và địa phương có các cách uống cà phê khác nhau, chủ yếu là cà phê Robusta. Tôi mong muốn mọi người nên dùng cà phê sạch, nguyên chất, chất lượng cao để đảm bảo sức khỏe và sự sảng khoái trong từng hương vị của cà phê”, chị Thu Thảo chia sẻ.
Trong thời gian tới, “Cà phê Ông Giáo” sẽ tiếp tục hoàn thiện các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sơ chế và rang xay để tạo ra sản phẩm tốt và đồng nhất. Ngoài ra, chị Thu Thảo còn mong muốn người trồng cà phê nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm để nâng cao uy tín hạt cà phê Việt nam trên thị trường thế giới.
Theo PNVN