Loại quả này đã trở thành biểu tượng giàu sang mới buộc phải có trong những giỏ quà mừng tại Trung Quốc.
Hãng tin CNBC cho hay loại quả có mùi khó ngửi nhưng phổ biến ở Việt nam-sầu riêng, đang chứng kiến nhu cầu tăng mạnh 400% trong năm nay nhờ Trung Quốc.
Trên thực tế từ 2 năm trở lại đây, Trung Quốc đã nhập khẩu đến 6 tỷ USD kim ngạch sầu riêng, tương đương 91% tổng số toàn cầu.
Trái sầu riêng không chỉ hấp dẫn người Trung Quốc về hương vị mà còn trở thành một biểu tượng cho sự giàu có trong các giỏ quà biếu tặng, thay thế cho những trái nho hay anh đào (Cherry) trước đây.
Thông thường, người Trung Quốc sẽ tặng những giỏ quà hoa quả cho bạn bè, người thân trong các sự kiện như mừng nhà mới hoặc sinh con, cưới xin…
Mặc dù nhu cầu sầu riêng tại Trung Quốc đã bắt đầu từ đầu năm 2017 nhưng phải đến năm 2022, cơn sốt này mới thực sự bùng nổ với sự tham gia của lượng lớn sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam.
Hãng tin CNBC cho hay mức giá sầu riêng bình quân tại Trung Quốc hiện đã lên đến 10 USD/kg, cao hơn nhiều so với 6 USD/kg ở Đông Nam Á.
Hiện nguồn cung sầu riêng chính trên thế giới, chiếm 90% toàn cầu vẫn là khối ASEAN với các nước chủ lực như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Tuy nhiên, Thái Lan hiện vẫn dẫn đầu khi chiếm 99% tổng số sầu riêng xuất khẩu trong khối này. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế sự bùng nổ nhu cầu cực lớn của Trung Quốc cũng sẽ tạo cơ hội cho các người chơi khác trong khu vực.
“Thị trường Trung Quốc là quá lớn và còn nhiều dư địa cho những quốc gia ASEAN khác nhảy vào cạnh tranh trong cơn sốt sầu riêng này”, chuyên gia kinh tế Aris Dacanay của HSBC nhận định.
Lợi thế RCEP
Bên cạnh đó, sự bùng nổ sầu riêng tại Trung Quốc không chỉ đến nhờ sức hút hương vị mà còn do hàng rào thuế quan thấp và sự thông quan nhanh chóng nhờ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN.
Nhờ đó, lượng nông sản từ Đông Nam Á tràn vào mạnh hơn, tiếp cận được cả những vùng nông thôn Trung Quốc.
“Sầu riêng giờ đây trở thành mặt hàng hót ở các vùng thôn quê, thậm chí là cả trong giới trẻ. Tại các quán cà phê, người ta còn bán cả bánh sầu riêng, cà phê dừa ăn với sầu riêng cùng nhiều loại khác. Riêng gia đình tôi thường mua sầu riêng mỗi tháng 1 lần để cùng thưởng thức, với giá khoảng 40 Nhân dân tệ/kg. Mọi người hiện bàn tán khá nhiều về việc cách chọn sầu riêng ngon, nhưng nó đến từ đâu thì chẳng mấy ai quan tâm lắm”, anh Ma Qian tại tỉnh Henen, người thường mua sầu riêng nói.
Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philippines hiện là những thành viên RCEP cung ứng sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc.
Tờ SCMP cho hay sức hút của sầu riêng với người dùng Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào mảng này, từ ký hợp đồng với các vườn cây ở Việt Nam và Thái Lan cho đến xây dựng hẳn một chuỗi cung ứng logistic cùng nền tảng thương mại điện tử nhằm tối đa hóa kinh doanh.
Số liệu chính thức cho thấy bất chấp những quy định nghiêm ngặt trong nhập khẩu nông sản nhằm ngăn chặn lây lan dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn nhập hơn 4 tỷ USD sầu riêng trong năm 2022, nhiều gấp 4 lần so với năm 2017.
Trong quý I/2023, lượng nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tiếp tục tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sự hoàn thiện ngày càng lớn của chuỗi cung ứng cũng như những hợp đồng dài hạn với vườn cây, giá nhập khẩu sầu riêng bình quân vào Trung Quốc trong quý I năm nay ở mức 38,3 Nhân dân tệ/kg, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khoảng tháng 4 đến giữa tháng 5/2023, doanh số bán sầu riêng trên nền tảng giao đồ ăn số 1 Trung Quốc là Meituan đã tăng 711% so với cùng năm 2022.
Tờ SCMP cho hay với đỉnh mùa vụ sầu riêng bắt đầu khoảng tháng 5-6 thì giá bán nông sản này vào Trung Quốc được cho là sẽ còn giảm nữa và tiếp tục mở rộng mạnh mẽ hơn trên thị trường mới này.
Trên thị trường bán buôn Trung Quốc, giá sầu riêng bình quân vào khoảng 36-52 Nhân dân tệ/kg tùy vào chủng loại.
“Nam giới thường đến nhà bạn gái chơi với giỏ quà gồm nho, đào và rượu vang thì nay một thùng sầu riêng mới là xu thế, đủ sức làm các bà mẹ vợ tương lai hãnh diện với hàng xóm”, anh Zhang Liang, một tài xế ở Jingzhou cho biết khi gửi một thùng sầu riêng giá 300 Nhân dân tệ về quê làm quà cho vợ.
Theo SCMP, sự hoàn thiện của chuỗi logistic đã giúp sầu riêng nhập khẩu từ Đông Nam Á có thể đến bất cứ thành phố nào của Trung Quốc chỉ trong 3 ngày, qua đó tối đa hóa lợi nhuận cũng như mở rộng nhanh chóng sự tiếp cận vào thị trường mới.
Anh Bob Wang, một lái buôn sầu riêng cho biết mình đã ký hợp đồng với nhiều trang trại ở Việt Nam, bao quát khoảng 3.000 ha sầu riêng và đang có kế hoạch nhập khẩu 60.000 tấn sầu riêng trong năm nay trước nhu cầu quá nóng của thị trường Trung Quốc.
“Sầu riêng đã trở thành loại hoa quả nhập khẩu phổ biến tại Trung Quốc nhưng có lẽ chúng tôi vẫn đang đánh giá quá thấp nhu cầu tiêu thụ nội địa. Với tình hình hiện nay thì hầu như chắc chắn rằng nhu cầu sầu riêng sẽ còn tăng gấp đôi trong vài năm tới”, thương nhân Bob Wang, đồng thời là nhà sáng lập của TWT Suplly Chain với hơn 3.000 nhà bán lẻ và lái xe khắp Trung Quốc, nhận định.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
“Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu hơn 820,000 tấn sầu riêng và tôi chắc chắn rằng con số này sẽ vượt 900.000 tấn năm nay”, anh Bob Wang, người đã buôn sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc suốt 8 năm qua cho hay.
Tờ SCMP cho hay Thái Lan đã là ông trùm cung ứng sầu riêng cho Trung Quốc suốt nhiều năm qua nhưng hiện đang gặp thách thức từ các đối thủ như Việt Nam, Malaysia hay Philippines.
Thương nhân Wang cho hay mặc dù lượng nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan vẫn sẽ tăng trưởng đều nhưng hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bùng nổ nhờ giá rẻ và giáp biên giới với Trung Quốc, qua đó thuận tiện cho việc vận chuyển đến mọi tỉnh thành của thị trường 1,4 tỷ dân.
Trong năm 2022, khoảng 780.000 tấn sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc là đến từ Thái Lan. Tuy nhiên sầu riêng Việt Nam với mức giá rẻ hơn 15% đang dần đe dọa thị phần của “ông trùm” này.
Cũng theo SCMP, sự bùng nổ mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc thậm chí đã buộc khu vực Guangxi Zhuang giáp biên với Việt Nam phải tăng cường cơ sở hạ tầng logistic để đáp ứng khả năng nhập khẩu, lưu kho và vận chuyển loại nông sản này.
Thành phố Chongzuo tại Guangzi mới đây đã đầu tư 1,8 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 254 triệu USD để xây dựng trung tâm logistic với kho lạnh và hệ thống xử lý thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu sầu riêng. Dự án này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025.
Tờ SCMP cho hay việc sầu riêng Việt Nam đủ sức vươn tới mọi miền Trung Quốc chỉ trong 1-3 ngày đã khiến nông sản này có lợi thế cực kỳ lớn trên thị trường trong bối cảnh người dân ngày càng ưa thích loại hoa quả này.
Kể từ tháng 4/2023, biên giới Việt-Trung có khoảng 2 chuyến tàu đi lại giữa Pingxiang và Việt Nam. Hàng hóa chủ yếu là sầu riêng mà xoài, vốn là 2 loại nông sản đem lại lợi nhuận nhiều nhất.
Các thương nhân chỉ mất 1-2 tiếng để xử lý nông sản và chất lên các xe tải, sau đó vận chuyển đến mọi vùng Trung Quốc trong chưa đến 3 ngày.
“Trước đây cửa khẩu của chúng tôi chủ yếu xử lý hàng hải sản, nhưng năm nay lượng nhập khẩu sầu riêng lại tăng đột biến. Vụ mùa sầu riêng đã đến và ngày nào cũng có vô số xe tải chở nông sản này vào cửa khẩu Dongxing”, giám đốc Chen Xiao của Trung tâm dịch vụ cửa khẩu Dongxing nói.
Cửa khẩu Dongzing nối với Móng Cái của Việt Nam qua 2 con cầu.
“Ngày càng nhiều nông dân Việt Nam chuyển sang trồng sầu riêng bởi lợi nhuận quá lớn từ nhu cầu tiêu thụ của người Trung Quốc với mặt hàng nông sản này”, anh Rog Chau, chủ một trang trại hoa quả gần thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
*Nguồn: CNBC, SCMP-Băng Băng-Theo Nhịp sống thị trường