“Với tư cách là cơ quan thường trực cho Đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia, tôi khẳng định rằng trong cả nước hiếm có Cuộc thi nào từ trước tới nay mà có chất lượng dự án tốt như Cuộc thi năm nay của Hội LHPN Việt Nam” – ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ – Chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo đánh giá về Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023.
Tại lễ trao giải Cuộc thị chung kết khởi nghiệp cấp vùng các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2023, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ – Chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến cuộc thi và hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ – Chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023.
– Thưa ông Phạm Đức Nghiệm, xin ông chia sẻ một số thông tin về phong trào khởi nghiệp nói chung tại Việt Nam?
Ông Phạm Đức Nghiệm: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Với hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế. Mặc dù giảm 4 bậc so với 2021 (xếp thứ 44), Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43). Trong đó nổi bật có 3 kỳ lân là: VNG, VNLife và MoMo. Và có nhiều startup với định giá trên 100 triệu USD như: Tiki, Topica…
Mặt khác, Việt Nam là một nước được đánh giá có sự tiến bộ nhanh chóng trong ứng dụng tri thức, khoa học và công nghệ, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các ban, bộ, ngành trong việc kiến tạo các chính sách mới để tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu, xây dựng nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong các năm vừa qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của các chị em phụ nữ, khơi dậy sức sáng tạo, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua việc triển khai Các cuộc thi khởi nghiệp.
– Với cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023, ông có đánh giá gì về cách thức tổ chức, triển khai và chất lượng các dự án dự thi?
Ông Phạm Đức Nghiệm: Tôi đánh giá cuộc thi năm nay được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, bài bản với sự tham gia đồng bộ và phối hợp hiệu quả của các cấp hội từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em phụ nữ khắp mọi miền đất nước. Có thể nói thành công của cuộc thi năm nay điều đầu tiên chính là sự khơi dậy và thu hút sự tham gia nhiệt tình đông đảo của các chị em, điều này thể hiện cho uy tín của các cấp Hội với chị em, đồng thời cũng là lòng tin và sự trao gửi lòng tin của chị em đối với Hội LHPN các cấp.
Hàng nghìn hoạt động từ Trung ương Hội đến Tỉnh hội và các cấp địa phương đã được triển khai trong năm vừa qua. Từ tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội về kiến thức và kỹ năng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đến các hoạt động tuyên truyền phổ biến phát động cuộc thi, tập huấn xây dựng năng lực khởi nghiệp cho chị em phụ nữ.
Ông Phạm Đức Nghiệm (thứ hai từ phải sang); bà Phạm Thị Hương Giang, Trưởng Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam (bìa phải) tại triển lãm “Phụ nữ khởi nghiệp – Khát vọng vươn xa” do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức
Có thể nói năm 2023 là một năm đánh dấu sự phát triển đột phá về chất lượng các dự án dự thi cũng như chất lượng công tác tổ chức của các cấp Hội.
Về chất lượng các dự án dự thi, năm 2023 không chỉ là một năm đột phá về số lượng mà còn là năm có chất lượng dự án tham dự Cuộc thi cao nhất và đa dạng lĩnh vực nhất. Với tư cách là cơ quan thường trực cho Đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia, tôi khẳng định rằng trong cả nước hiếm có Cuộc thi nào từ trước tới nay mà có chất lượng dự án tốt như Cuộc thi năm nay của Hội LHPN Việt Nam.
Là Chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023, ông có thể chia sẻ một số điểm nhấn của các dự án dự thi?
Ông Phạm Đức Nghiệm: Tôi có thể điểm ra đây một số điểm sáng của các dự án năm nay như: Đề cao khai thác các tài nguyên bản địa; khả năng nhân rộng và phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế; giải quyết công ăn việc làm, sinh kế cho lao động nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ ở địa bàn dân tộc thiểu số.
Các dự án cũng thể hiện có tính đột phá về công nghệ và sáng tạo trong phương thức tổ chức thực hiện.
Điều quan trọng nhất là các dự án đã thể hiện cho khát vọng vươn lên làm chủ cuộc đời, khát vọng mang lại công ăn việc làm cho cộng đồng, đóng góp giá trị cho xã hội. Ngay cả những chị em ở các địa bàn khó khăn, chị em khuyết tật chúng tôi cũng nhận thấy nội lực và ý chí khát khao vượt qua khó khăn, số phận để phát triển kinh tế gia đình, tổ hội hợp tác xã và doanh nghiệp do các chị làm chủ.
Đồng thời chúng tôi cũng đề cao các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với những sức sáng tạo, khéo léo của các chị trong việc tận dụng những tài nguyên bản địa phát triển thành cơ hội kinh doanh, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Các dự án khởi nghiệp đã thể hiện cho khát vọng vươn lên làm chủ cuộc đời, khát vọng mang lại công ăn việc làm cho cộng đồng, đóng góp giá trị cho xã hội.
– Nhiều chị em tham dự cuộc thi cho biết họ đã trưởng thành hơn qua từng vòng thi. Ông nhận định gì về điều này?
Ông Phạm Đức Nghiệm: Hội đồng Ban giám khảo đều là những người có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng tôi đều là những người đang giữ các chức vụ quản lý, lãnh đạo ở các cơ quan khác nhau. Mặc dù các thành viên trong Hội đồng đều rất bận công tác, tuy nhiên vì ý thức được ý nghĩa to lớn và trách nhiệm cá nhân đóng góp 1 phần nhỏ cho sự nghiệp phát triển của phụ nữ, chúng tôi đã dành sự ưu tiên hàng đầu cho cuộc thi này.
Sau thời gian làm việc, Hội đồng Ban Giám khảo đã đánh giá theo nguyên tắc khách quan, minh bạch và cạnh tranh từ hàng ngàn hồ sơ của khu vực miền Bắc, Ban Giám khảo đã lựa chọn ra 32 Dự án khởi nghiệp của 18 tỉnh thành vào Vòng chung kết cấp vùng khu vực miền Bắc. Và tiếp tục lựa chọn ra 15 dự án xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết toàn quốc.
Dù dự án nào được đi tiếp và dự án nào sẽ phải dừng lại, thì tôi tin chắc rằng các chị/em đã rất nỗ lực vượt qua chính mình. Chúng tôi vui mừng nhận thấy các chủ dự án đã trưởng thành qua từng giai đoạn của cuộc thi. Từ chỗ không biết viết đề xuất dự án, không dám thuyết trình trước đông người, thiếu các kỹ năng về quản trị doanh nghiệp, về tổ chức sản xuất, về phát triển thị trường, qua sự trợ giúp tận tình của các cấp Hội. Đến thời điểm hiện tại, các chủ dự án đã vững vàng hơn trên con đường khởi nghiệp của mình. Dừng lại ở một điểm xuất phát nào đó không phải là một sự thất bại mà là cơ hội để chúng ta xuất phát ở một vạch đích khác mới mẻ hơn và nhiều cơ hội, thử thách hơn. Các chị đã khắc họa vô cùng rõ nét và chân thực ý chí và sự quyết tâm, khát khao cháy bỏng của người phụ nữ Việt Nam trên con đường khởi nghiệp.
Và sau cùng, tôi muốn nói rằng, người phụ nữ ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ thì việc tham gia vào các hoạt động kinh tế – xã hội và xây dựng các chuẩn mực cho gia đình, xã hội đóng góp vai trò vô cùng lớn. Nếu chúng ta tác động và hình thành lực lượng doanh nhân nữ sáng tạo để thúc đẩy cho các hoạt động khởi nghiệp thì chúng ta không chỉ được một thế hệ doanh nhân là những người phụ nữ tài ba và trí tuệ của Việt Nam mà chúng ta sẽ được cả một thế hệ tương lai.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Ông!
Theo PNVN