Đứa con tinh thần đầu tiên của cô mang tên Datquangfarm (viết tắt của Nông nghiệp xanh Đất Quảng). Thương hiệu hướng đến sản xuất đa dạng các dòng trái cây sấy, đặc sản của Quảng Nam như chuối, mít, khoai lang, xoài…
Lương Thị Mỹ Trinh sinh ra và lớn lên tại vùng đất Quảng Nam, từng theo học khoa Tiếng Trung Thương mại thuộc trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.
Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Trinh đã ấp ủ niềm mong muốn theo đuổi lĩnh vực kinh doanh và sáng tạo ra thương hiệu của riêng mình. Trong khoảng thời gian đó, cô vừa học tập vừa tìm hiểu, thậm chí còn tự mình phác họa logo thương hiệu. Có đợt, cô làm đa dạng các công việc để kiếm thêm thu nhập như làm du lịch, quản lý nhân sự, hay cả dẫn chương trình các sự kiện… Ngay trong thời kỳ sinh viên, cô đã có tài chính tương đối ổn định. Nhưng chính cô cũng tự cảm thấy rằng “không hiểu sao tôi vẫn cứ nung nấu giấc mơ về quê”.
Năm 2019, ở tuổi 24, Trinh đã quyết định dấn những bước đầu tiên vào hành trình khởi nghiệp với việc mở xưởng làm hoa quả sấy tại quê nhà. Hầu như số vốn cô có trong tay đến từ vay mượn và gia đình hỗ trợ. Do gia đình thuần nông nên việc có một cô con gái quyết tâm thành lập doanh nghiệp, xây dựng nhà xưởng và lao đầu vào sản xuất giữa thời buổi kinh tế bất ổn như vậy cũng khiến cho gia đình cô rất lo lắng.
Xuất thân là “dân ngoại ngữ”, dù gia đình làm nông nhưng bản thân Trinh chưa có nhiều kiến thức chuyên môn về nông nghiệp. Tuy vậy, cô vẫn luôn giữ cho mình sự kiên trì và dám đương đầu, dẫu ai can ngăn hay bàn tán, cô cũng không để tâm mà vẫn nỗ lực với niềm đam mê của mình. “Thời điểm đó dịch Covid-19 cũng bắt đầu bùng phát. Khó khăn trăm bề, nhất là vấn đề tài chính. Tôi không lường trước được tình hình thị trường là thứ nhất, cái thứ hai là kinh nghiệm tôi còn non trẻ, nên giai đoạn khó khăn đó làm tôi thấy khủng hoảng vô cùng”, Trinh chia sẻ về quãng thời gian đầu khởi nghiệp của mình.
Vì nguồn tài chính không đủ, Trinh đã phải tạm thời gác công việc ở xưởng qua một bên để kiếm tiền trang trải. Nhưng Trinh cho rằng, “từ bỏ” chưa bao giờ là cách cô giải quyết vấn đề, cô luôn tin rằng cô sẽ làm được. Sau một thời gian tích lũy vốn, cô trở lại với đam mê của mình. Giờ đây, cô đã thu được những “trái ngọt” sau bao nỗ lực.
Đứa con tinh thần đầu tiên của cô mang tên Datquangfarm (viết tắt của Nông nghiệp xanh Đất Quảng). Thương hiệu hướng đến sản xuất đa dạng các dòng trái cây sấy, đặc sản của Quảng Nam như chuối, mít, khoai lang, xoài… Trong đó, sản phẩm snack chuối sấy Bana và chuối sấy dẻo là những sản phẩm chủ lực, lần lượt đạt được chứng nhận OCOP 3 và 4 sao.
“Sản phẩm được làm hoàn toàn từ chuối nai Tiên Phước, không có chất phụ gia, phẩm màu và chất bảo quản nên vô cùng an toàn và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, thức quà thân thuộc cũng là nơi những đứa con xa nhà được gửi nỗi nhớ thương. Bởi mình cũng từng có một khoảng thời gian sống xa quê nên cô mong muốn sản phẩm của mình có thể đem lại một giá trị tinh thần tốt đẹp cho những người như mình”, cô tâm sự.
Bên cạnh đó, xưởng của cô còn liên kết thu mua nguyên liệu từ người dân địa phương với giá cao. Từ khâu gieo trồng cho đến sản xuất và bán ra thị trường, tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ và không có sự can thiệp của hóa chất, sản phẩm cũng được lựa chọn kỹ lượng và đảm bảo chất lượng sau khi sấy. Không chỉ tận dụng được nguồn nhân lực tại địa phương, việc bán lượng sản phẩm lớn ra thị trường cũng góp phần giúp bà con kiếm thêm thu nhập. Trinh chia sẻ: “Đó chính là lý do để mình quyết định mở xưởng tại quê nhà. Nhìn thấy bà con, anh em đi làm xa luôn là nỗi trăn trở lớn trong lòng mình”.
Phương châm trong kinh doanh của Trinh chính là mang đến “giá trị thực” cho khách hàng, không phải những gì quá cao siêu hay bóng bẩy, cô định hướng cách truyền thông thương hiệu tới sự chân thật. Không chạy theo trào lưu mà đặt chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu. Cô cũng cho rằng, điều thật sự cần thiết là luôn lắng nghe, tiếp thu góp ý của khách hàng, đặc biệt là chú trọng vào khâu xử lý khiếu nại.
Hôm nay, khi sản phẩm dần tiếp cận được khách hàng, đưa vào các hệ thống siêu thị và siêu thị thực phẩm sạch, cô nhận thấy, chỉ cần bản thân không từ bỏ thì phía trước không bao giờ là ngõ cụt, dẫu có khó khăn đến mấy, vẫn luôn có một con đường ở phía trước mở rộng để mình tiếp tục bước đi.
Theo PNVN