“Sau này, con có cuộc sống riêng của mình nên hãy tự lo chi phí sinh hoạt và học phí. Nếu không thể kiếm tiền thì nghỉ học. Bố sẽ không liên quan gì đến con nên cũng không cần thiết phải gọi điện về nhà”, người bố Trung Quốc đã nói với cô con gái như vậy trước khi lên nhập học.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của cô gái Tiểu Ninh (30 tuổi) đang được chia sẻ trên nền tảng Toutiao.
Thái độ của bố thay đổi với con gái kể từ khi có người phụ nữ mới
Theo lời kể của mọi người, năm tôi lên 2 tuổi thì mẹ qua đời vì bạo bệnh. Từ khi mẹ mất, bố tôi trở thành ‘gà trống’ nuôi con. Vừa là cha, vừa là mẹ, bố đã một mình vất vả nuôi tôi. Ông phải làm thuê đủ nghề nhắm có tiền cho tôi có một cuộc sống đủ đầy.
Để tạo điều kiện sống tốt nhất cho tôi, có thời điểm, bố đã làm đến 2 công việc cùng 1 lúc. Đi làm vất vả, về bố lại đảm đương cả việc chăm sóc ông bà nội. Có lần, ông bà nội thuyết phục bố tôi tái hôn nhằm có thêm người quán xuyến việc gia đình. Song bố tôi nhất định không đồng ý.
Cho đến khi tôi học cấp 2, bố đột nhiên dẫn về một người phụ nữ tên Lý. Ông nói rằng tôi phải gọi người này bằng dì và sẽ sống cùng trong thời gian tới.
Lúc đó, thực sự, tôi rất chán ghét bố. Với suy nghĩ trẻ con, tôi cho rằng ông là một người phản bội mẹ. Chính vì lý do này, tôi với dì Lý như 2 người xa lạ. Dẫu cho người phụ nữ ấy luôn yêu thương và chăm sóc tôi hết lòng.
Từ khi dì Lý về sống chung, thái độ của bố với tôi thay đổi hoàn toàn. Những công việc trước đây bố từng làm thay giờ ông để tôi phải tự làm. Đôi khi dì Lý muốn giúp đỡ nhưng bố nhất quyết không đồng ý. Ông cho rằng sớm muộn gì tôi cũng cần học cách chăm sóc bản thân.
Kể từ khi dì Lý đến sống cùng, đó cũng là những lần đầu tôi phải học cách nấu ăn, tự giặt đồ cá nhân, chuẩn bị đồ đạc trước những chuyến đi dã ngoại cùng cả lớp… Sau đó, hàng loạt các công việc khác bố ép tôi phải làm để ít nhất là biết xử lý khi gặp tình huống đó Tính trẻ con, tôi luôn nghĩ rằng bố không còn yêu thương mình nên mới làm như vậy.
Tôi không biết có chuyện gì lúc đó đang diễn ra. Nhưng kể từ khi dì Lý đến nhà ở cùng, bố luôn nghiêm khắc với tôi. Có một điều bố liên tục nói và đến giờ tôi vẫn nhớ mãi. “Sớm muộn gì, bố cũng sẽ rời xa con. Con phải học cách tự lập và chăm sóc bản thân”.
Sau khi thi đỗ vào một trường ĐH ở Bắc Kinh, tôi như cánh chim được sổ lồng. Khi vào đại học, đó cũng là lần đầu tiên tôi được xa nhà. Trong khi các bạn cùng lớp được gia đình đưa đi nhập học, bố tôi nhất định không chịu làm việc này. Tôi cảm thấy như mình đang bị bố đuổi ra khỏi nhà càng sớm càng tốt.
Tôi nhớ rất rõ, ngày lên thành phố để học, bố đã nhắn nhủ: “Trên 18 tuổi, con đã là một người lớn, có thể sống tự lập. Kể từ đây, bố sẽ không có trách nhiệm hay nghĩa vụ phải nuôi con nữa. 10.000 NDT này đủ để con chi tiêu trong một khoảng thời gian ở thành phố lớn. Sau này, con có cuộc sống riêng của mình nên hãy tự lo chi phí sinh hoạt và học phí. Nếu không thể kiếm tiền thì nghỉ học. Bố sẽ không liên quan gì đến con nên cũng không cần thiết phải gọi điện về nhà. Bố sẽ không nghe điện thoại đâu”.
Sau khi nghe những lời này, tôi trào nước mắt vì tức. Đỗ đại học là niềm vui mừng nhưng có lẽ tôi không được sống trong cảm xúc đó.
Trong suốt những năm học đại học, tôi luôn cố gắng đạt điểm số cao để có thể săn được học bổng. Ngoài ra, thứ 7, chủ nhật, tôi thường ra ngoài đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.
Làm việc chăm chỉ trong suốt 4 năm đại học, tôi dần tích lũy được kinh nghiệm và không ngừng hoàn thiện bản thân. Nhờ thế, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhanh chóng xin vào làm tại một công ty lớn và thăng chức chỉ sau 2 năm với mức lương lên đến 30.000 NDT/tháng.
Sự thật ngỡ ngàng sau 6 năm
Chớp mắt, tôi đã xa nhà và không nói chuyện với bố đã được 6 năm. Tôi tò mò không biết liệu bố có hối hận khi biết con gái đã có thể tự sống và kiếm được mức lương cao như hiện tại hay không.
Không suy nghĩ nhiều, tôi lên kế hoạch trở về thăm bố vào đúng sinh nhật 65 tuổi của ông. Lái ô tô đến trước cổng, tôi phát hiện căn nhà cũ của gia đình mình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, dường như không có ai còn sinh sống ở đây. Hỏi những người hàng xóm, tôi mới biết rằng mọi người không còn sống ở đây mà chuyển sang thị trấn bên cạnh.
Theo chỉ dẫn tôi đi tìm dì Lý để xem cuộc sống của 2 người giờ ra sao. Ngay khi gặp, câu đầu tiên tôi hỏi là bố đâu. Không vòng vo, dì Lý nói rằng bố tôi đã mất. Khi nghe tin này, tôi tưởng rằng dì đùa.
Sau đó, dì bắt đầu kể cho tôi nghe toàn bộ sự việc. “Tiểu Ninh à, những sự việc ông ấy làm trước đấy có thể khiến con nghĩ tiêu cực. Song thực tế ông ấy là người cha tốt. Chưa bao giờ ông ấy có ý nghĩ sẽ bỏ rơi con.
Tôi được bố con cứu mạng. Để báo đáp lòng tốt, tôi đã hứa với ông ấy rằng sẽ hợp lực để ‘đánh lừa’ con. Sở dĩ, ông ấy nghiêm khắc như vậy nhằm rèn cho con cách sống tự lập. Bởi cha con biết rằng ông ấy sẽ rời khỏi thế gian này sớm do được chẩn đoán mắc ung thư.
Ông ấy biết bệnh của mình có chi phí chữa chạy tốn kém, lại chẳng thể khỏi. Nếu nói điều này ra, con có thể sẽ bỏ học đi làm nhằm có tiền chữa chạy. Nhằm để giấu con, ông ấy muốn ‘đuổi’ con ra khỏi nhà càng sớm càng tốt.
Khi ông ấy sắp qua đời, tôi muốn báo tin này cho con biết nhưng ông ấy không cho. Bởi thời điểm đó chính là lúc con vừa tốt nghiệp và cần tìm việc. Ông ấy lo ngại rằng nếu làm vướng bận con gái thì Tiểu Ninh có thể sẽ bỏ mất cơ hội nghề nghiệp.
Mặc dù, ông ấy không gọi điện cho con trong suốt 6 năm qua. Song khi khoẻ hơn, bố vẫn bắt xe đến trường nhằm nhìn con từ xa. Nên mọi tình hình của con như thế nào ông ấy đều biết. Mong muốn lớn nhất của ông ấy là con có thể tự nuôi sống bản thân mình. Giờ con đã làm được đúng với mong ước đó. Với tất cả những gì đang có, con nên biết ơn ông ấy rất nhiều”, dì Lý kể.
Không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, tôi đã khóc lớn, sau khi nghe mọi chuyện. Đến lúc này, tôi mới hiểu rằng, để chuẩn bị cho sự ra đi của mình, bố đã bắt tôi làm đủ mọi việc nhằm tập sống tự lập. Tôi cũng dần hiểu ra câu nói mà lúc nào bố cũng nhắc nhở: “Sớm muộn gì, bố cũng sẽ rời xa con. Con phải học cách tự lập và chăm sóc bản thân”.
Đinh Anh–Phụ nữ số