Nhiều người đặt ra câu hỏi, rằng liệu nhân viên các tập đoàn lớn như Google và Meta có đang được trả mức lương cao nhất chỉ để làm việc với số giờ tối thiểu?
Để bảo mật danh tính nhân vật, Fortune đặt tên cho kỹ sư Gen Z này là Devon.
Devon, kỹ sư phần mềm 20 tuổi của Google, chỉ thực sự làm việc chưa đến 2 giờ/ngày nhưng được hưởng mức lương lên tới 150.000 USD/năm (hơn 3,5 tỷ đồng). Một ngày bình thường bắt đầu vào khoảng 9 giờ, Devon chuẩn bị bữa sáng, sau đó ‘cày cuốc’ cho Google đến tầm 11 giờ. Thời gian còn lại sẽ được anh dùng để vận hành công ty khởi nghiệp của riêng mình.
Fortune đã xem xét thư mời làm việc của Google để xác minh mức lương Devon được nhận. Trang này cũng kiểm tra một số thông tin liên quan đến startup của anh chàng để chứng thực, song phía Google hiện không đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Câu chuyện trên khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, rằng liệu nhân viên các tập đoàn lớn như Google và Meta có đang được trả mức lương cao nhất chỉ để làm việc với số giờ tối thiểu? – Một xu hướng mà một số chuyên gia công nghệ gọi là “công việc giả tạo”.
Trước đó, Keith Rabois, Giám đốc điều hành OpenStore – công ty chuyên hỗ trợ tài chính cho các thương nhân bán hàng bằng Shopify cũng đưa ra nhận định rằng “Meta và Google tuyển dụng hàng nghìn nhân viên để… không làm gì cả”.
“Đây là thước đo phù phiếm đối với việc tuyển dụng”, ông Rabois nói. “Những người này không có việc gì để làm. Tất cả chỉ là những công việc giả. Bây giờ điều đó đang được phơi bày. Những người này thực sự làm gì ư, họ chỉ đi họp thôi”.
Cũng theo Rabois, Google cố tình thuê nhiều kỹ sư và nhân tài công nghệ để ngăn họ cống hiến chất xám cho các công ty khác – một chiến lược được cho là “khá mạch lạc”. Điều đó có nghĩa là các kỹ sư này được quyền đến công ty, ngồi vào bàn, và không làm gì cả.
Quan điểm của Rabois cũng được tán dương bởi một số chuyên gia khác tại Thung lũng Silicon, chẳng hạn như Marc Andreessen. Họ đều cho rằng các tập đoàn lớn đang quá dư thừa nhân viên.
Theo BI, lịch trình một ngày làm việc của Devon còn cho thấy sự thay đổi trong quan niệm những nhân viên Gen Z – những người luôn cố gắng theo đuổi mục tiêu cân bằng cuộc sống và công việc. Họ nghỉ việc trong im lặng, thậm chí mong muốn làm việc ít hơn vào thứ Hai (Minimum Monday – Ngày thứ 2 tối thiểu).
Marisa Jo, nhà sáng tạo nội dung với 154.000 người theo dõi trên TikTok, đã góp phần phổ biến phong trào “Ngày thứ 2 tối thiểu” trên bằng cách đăng một loạt các bài mô tả việc cô cảm thấy lo lắng và kiệt sức như thế nào vào ngày đầu tiên trong tuần.
Marisa Jo cho biết cô gặp vấn đề với văn hóa hối hả. Cô cố gắng toàn tâm toàn ý cho công việc xong kết quả lại chẳng đi đến đâu. Cô coi việc chăm chỉ ngay từ thứ 2 cho đến tận thứ 6 hàng tuần giống như một vòng tròn căng thẳng và kiệt sức.
Nhờ sự lan tỏa của xu hướng này, bất chấp tình trạng sa thải nhân viên cấp cao tại các công ty công nghệ lớn, nhiều người trẻ vẫn quyết định bày tỏ sự không hài lòng với công việc và chỉ hoàn thành tối thiểu công việc để bảo đảm có thời gian dành cho bản thân.
Quay trở lại với Devon. Anh cho biết không một ai ở Google nghi ngờ việc anh chỉ làm số giờ tối thiểu. Điều này đã giúp Devon trót lọt thực hiện chuyến đi bí mật kéo dài 1 tuần tới Hawaii mà không cần xin nghỉ phép.
“Để làm việc nhiều giờ hơn, tôi sẽ cần chuyển sang một công ty khởi nghiệp”, Devon nói.
Theo: BI-Theo Vũ Anh–Nhịp sống thị trường