Đây là kỳ quan kiến trúc tọa lạc tại nơi cao nhất thế giới.
Cung điện Potala tọa lạc tại vùng đất Tây Tạng xa xôi, được đặt tên theo ngọn núi Potalaka. Theo truyền thuyết đây chính là nơi ở của Quan Thế Âm Bồ Tát.
Cung điện Potala được xây dựng từ rất sớm, trước cả Tử Cấm Thành nổi tiếng. Cung điện được đặt trên ngọn núi Hồng Sơn (Lhasa – thủ phủ Tây Tạng) ở độ cao khoảng 3.700 mét so với mực nước biển.
Theo tương truyền, đây là nơi cất giấu một nửa số vàng trên thế giới.
Nguồn gốc của cung điện huyền bí
Cung điện Potala được xây dựng vào năm 637, đánh dấu mốc cho cuộc hôn nhân của Vua Tùng Tán Cán Bố (Tây Tạng) và Văn Thành công chúa (Nhà Đường).
Dù là cuộc hôn nhân ngoại giao vì lợi ích của hai nước, nhưng vì cảm mến Văn Thanh công chúa, và muốn nàng tiếp tục cuộc sống thoải mái như ở quê nhà mà vua Tùng Tán Cán Bố đã cho xây dựng cung điện nguy nga và đồ sộ này.
Đây không chỉ là minh chứng cho tình yêu của Nhà vua dành cho công chúa mà cung điện được xây ở vị trí cao này cũng được xem là “trái tim của Phật giáo Tây Tạng”, biểu tượng để truyền bá Phật giáo cùng tín ngưỡng tôn kính tới mọi con người.
Tuy nhiên, cung điện đã bị phá hủy vào thời trung cổ và phải đến thế kỷ XVII mới được trùng tu lại. Sau hơn 50 năm công trình mới chính thức được hình thành với quy mô như ngày nay.
Nơi cất giữ một nửa số vàng của thế giới
Cung điện Potala được xây dựng cực kỳ nguy nga và tráng lệ. Cung điện có thiết kế 13 tầng với hơn 1.000 căn phòng nhỏ. Từ sàn cho đến trần và tranh treo tường, đâu đâu cũng lấp lánh ánh hoàng kim và toát ra vẻ hào nhoáng, xa hoa.
Cung điện được chia làm 3 khu vực đó là khu cung thành, khu cung thất và khu hồ. Khu cung thành nằm ở phía trước núi, gồm 3 cửa là đông, tây và nam cùng những vòng cầu thang dẫn lên đỉnh cung điện.
Khu cung thất là trung tâm của cung điện, gồm hai cung chính là Bạch cung và Hồng cung.
Bạch cung chính là nơi sinh hoạt của Đạt lai Lạt ma. Còn Hồng cung bao gồm các điện Phật có các linh tháp (nơi đặt thi thể của Đạt lai Lạt ma khi đã viên tịch).
Tương truyền khi xây dựng cung điện Potala, Vua Tùng Tán Cán Bố đã phải chi ra một khoản tiền khổng lồ. Và theo con số thống kê cho thấy hơn 30 tấn vàng đã được sử dụng để xây dựng nơi này. Số lượng vàng khổng lồ như vậy khiến nhiều người thắc mắc, đặt câu hỏi là vàng lấy từ đâu để xây dựng Cung điện Potala.
Thực tế, số vàng này xuất phát từ hai nguyên nhân. Một là vào thời bấy giờ, triều đình có những chính sách nhất định trong việc ra ngân lượng, vàng, đá quý,… để hỗ trợ xây dựng Cung điện Potala hoàn hảo hơn.
Hai là số vàng đó cũng đến từ sự đóng góp của người dân Tây Tạng. Tuy lúc đó, cuộc sống của họ không quá giàu có, nhưng họ sẵn sàng đóng góp vàng để xây dựng cung điện, phục vụ niềm tin tín ngưỡng của mình.
Số vàng khổng lồ được đưa vào kiến trúc theo thiết kế hoàn hảo tại cung điện. Phần mái của cung điện Potala luôn lấp lánh ánh hoàng kim, đây không phải hiệu ứng màu sơn mà nó được làm tất cả bằng vàng thật.
Bên trong hội trường của cung điện cũng được trang trí bằng vàng với hoa văn đẹp mắt, thu hút ánh nhìn của mọi người.
Hơn nữa, cung điện Potala cũng có 3 bảo tháp cùng rất nhiều tượng Phật làm bằng vàng nguyên khối. Theo nghiên cứu, các bảo tháp này cao tới 11m và tiêu tốn khoảng 4.000 cân vàng để đúc thành.
Vậy nên, người dân tại nơi đây luôn tin rằng: Một nửa số vàng trên thế giới nằm trong cung điện Potala.
Mặc dù chưa có kết luận chính xác về điều này, nhưng không thể phủ nhận sự tráng lệ của cung điện Potala. Nó không chỉ đẹp, xa xỉ ở vẻ bề ngoài mà còn chứa đựng ý nghĩa lịch sử và giá trị kinh tế to lớn.
Không ai tới trộm tại cung điện Potala
Nhiều người thắc mắc rằng ẩn chứa nhiều vàng như vậy, không biết cung điện Potala có bao giờ bị trộm?
Trong lịch sử, cung điện Potala được canh giữ rất nghiêm ngặt với quân đội và ngày nay là nhân viên bảo an cùng hệ thống an ninh giám sát tiên tiến. Vì vậy, rất khó có thể vào đây và trộm đi đồ vật.
Hơn nữa, cung điện Potala cũng nằm ở vị trí rất cao và vàng cũng được dát kiên cố vào tường. Vậy nên, muốn trộm đồ sẽ cần nhiều thời gian mà vị trí cung điện leo lên khá khó khăn, chứ đừng nói là ăn trộm và vận chuyển xuống dưới.
Ngoài ra, theo đức tin của nhiều người thì cung điện Potala là nơi tâm linh mà con người khi đến đây không được chạm vào bất kỳ đồ vật nào. Bởi đây là nơi thờ và truyền bá tư tưởng Phật giáo, vậy nên mọi người có ý thức tự giác rất cao, giữ tâm hồn mình được thanh thản.
Theo Ứng Hà Chi-Theo Phụ nữ số