Mỗi một chút tích lũy và thay đổi trong cuộc sống hàng ngày sẽ khiến cuộc sống của chúng ta khác đi rất nhiều.
4 ý tưởng trong bài viết này có thể giúp chúng ta làm rõ phương hướng, làm việc hiệu quả hơn và sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn. Bài viết được dịch từ bài viết “4 Things I Stole From People More Productive Than Me” của tác giả Corey Fradin, mong rằng sẽ truyền cảm hứng cho bạn.
***
Tôi luôn khao khát được học, học những điều sâu sắc, học những điều có thể thay đổi cuộc đời mình. Tôi thích học hỏi và tôi luôn tìm kiếm điều gì đó để học hỏi, từ các cuộc trò chuyện với người khác, từ những cuốn sách tôi đọc, từ các podcast tôi nghe… Đó là hoạt động thú vị và bổ ích. Tôi gần như có thể cảm thấy bộ não của mình phản ứng. Tôi không nỗ lực vì một mục đích cụ thể nào, việc học vừa là phương tiện vừa là mục đích đối với tôi. Nó giống như việc có người chạy vì họ thích chạy.
Nhưng chỉ học thôi sẽ không giúp chúng ta tiến xa được, chúng ta phải có khả năng áp dụng những kinh nghiệm đó vào thực tế.
4 ý tưởng dưới đây đã giúp tôi sống có mục đích hơn, vượt qua những trở ngại, cải thiện sự tập trung và năng suất, đồng thời làm phong phú thêm cuộc sống của tôi.
- Tích cực học hỏi từ sai lầm
Một buổi sáng, khi đang định gửi email, bạn vô tình bấm gửi trước khi viết xong. Nhưng không có cách nào, không thể rút lại được. Bạn cảm thấy mình như một kẻ ngốc. Vậy bạn sẽ làm gì tiếp theo? Thông thường người ta sẽ gửi một email khác để giải thích tình hình.
Một tuần sau, điều tương tự lại xảy ra và bạn lại nhấn gửi trước khi hoàn tất việc chỉnh sửa. Lần này, bạn đã quên đưa vào một số chi tiết cần thiết cho dự án trong email của mình. Tệ hơn, đó là email gửi cho sếp của sếp bạn.
Trong cuốn sách “Failing Forward” của John C. Maxwell, tác giả giải thích giá trị của việc tích cực học hỏi từ những sai lầm. Khi mọi thứ không diễn ra như bạn dự định, bạn nên viết ra những điều đã xảy ra, chẳng hạn như thất bại hoặc thiếu sót, bạn học được gì từ đó và cách bạn có thể làm tốt hơn vào lần sau. Đặc biệt, nếu bạn “tắm hai lần trên một dòng sông”, điều đó có nghĩa là bạn chưa biết rút kinh nghiệm.
Sử dụng các bài học của Maxwell, tôi tạo một folder dành riêng để ghi lại các bài học mà tôi đã học được từ những sai lầm của mình. Tôi gọi đó là nhật ký học tập, và khi mắc lỗi, tôi viết ra:
Điều tôi muốn xảy ra.
Điều thực sự đã xảy ra.
Tại sao mọi thứ không diễn ra như kế hoạch?
Tôi sẽ làm gì khác đi vào lần tới?
Bằng cách này, tôi sẽ nhận ra sai lầm của mình. Tôi sẽ tích cực chịu trách nhiệm và nghĩ về một cách giải quyết tốt hơn trong tương lai. Sau đó, lần tới khi gặp một tình huống tương tự, hãy làm theo những gì đã được rút kinh nghiệm.
Học hỏi từ quá khứ sẽ làm cho tương lai của bạn hứa hẹn hơn.
- Đơn giản hóa những gì bạn làm
Một tối chủ nhật, bạn mặc chiếc quần thể thao, tấp vào một nhà hàng đồ ăn nhanh, dự định sẽ ăn một bữa thật no nê. Nhưng khi đã sẵn sàng để gọi món, đối mặt với menu phức tạp, bạn chần chừ. Não của bạn ngừng quay, và bạn cảm thấy như mình không thể nghĩ ra bất cứ điều gì. Sau đó, bạn quay lại và đi đến nhà hàng In-N-Out Burger.
Trong cuốn sách “In-N-Out Burger” của Stacy Perman, tác giả đã thuật lại con đường thành công của chuỗi cửa hàng burger này. Không giống như các chuỗi nhà hàng khác, thực đơn của In-N-Out rất đơn giản và bạn chỉ có một sự lựa chọn: hamburger. Thêm pho mát nếu bạn thích, hoặc thêm một miếng thịt hoặc một phần khoai tây chiên. Nhưng dù sao đi nữa, ở cấp độ cơ bản nhất, nó bán bánh mì kẹp thịt. Vậy thôi.
Chuỗi cửa hàng In-N-Out Burger được thành lập bởi cặp vợ chồng Harry Snyder và Esther Snyder với phương châm: Làm một việc và làm thật tốt. Họ luôn giữ cho thực đơn của mình ở trạng thái đơn giản và hợp lý một cách có chủ đích, họ không nghĩ việc thêm các tùy chọn mới hoặc thay đổi công thức nấu ăn là có ích. Ngày nay, trong khi các chuỗi nhà hàng khác gặp khó khăn, In-N-Out vẫn tự hào về lượng khách xếp hàng mỗi ngày của mình. Thực đơn đơn giản của In-N-Out giúp họ làm việc hiệu quả vì họ không phải xử lý thêm các món phụ khác. Và nó cũng cho phép họ chi nhiều tiền hơn cho sản phẩm thay vì tốn tiền nghiên cứu các món ăn mới.
Mỗi khi làm việc, tôi thường nghĩ về nguyên tắc đơn giản hóa của In-N-Out. Tôi tìm cách để đơn giản hóa những gì mình, cải thiện tốt hơn chất lượng của những gì tôi có thể mang lại và loại bỏ sự phức tạp. Đây là một phương pháp bạn có thể áp dụng với bất cứ công việc gì để có thể gia tăng hiệu quả.
- Đặt các mục tiêu khác nhau theo mong muốn của bạn
Ngôn ngữ là một điều thú vị. Một khái niệm có thể rất mơ hồ cho đến khi bạn tìm thấy một từ phù hợp cho nó. Và rồi khi nó xuất hiện, mọi thứ bỗng nhiên trở nên suôn sẻ. Điều này xảy ra với tôi sau khi đọc cuốn “Free To Focus” của tác giả Michael Hyatt. Trong cuốn sách của mình, ông chia mỗi mục tiêu thành hai “phe” rõ ràng:
Mục tiêu thói quen
Mục tiêu thành tựu
“Mục tiêu thói quen” là những mục tiêu định kỳ, là thói quen bạn muốn phát triển như một phần trong lối sống của mình. Ví dụ, những mục tiêu như đọc hai cuốn sách mỗi tháng hoặc chạy 5 dặm một tuần là những mục tiêu theo thói quen. Những thói quen này được lặp đi lặp lại nhiều lần, không có thời điểm kết thúc rõ ràng. Tất cả những gì bạn phải làm là duy trì những thói quen này cho đến khi bạn cảm thấy chúng đã trở thành một phần cuộc sống của mình.
“Mục tiêu thành tựu” là những mục tiêu có thời điểm kết thúc xác định. Những mục tiêu này thường chỉ được thực hiện một lần. Ví dụ: các mục tiêu như đọc hai cuốn sách trước ngày 1/12 hay tham gia chạy ma-ra-tông trước ngày 15/10, đó là những mục tiêu thành tựu. Chúng có thời hạn và một khi thời hạn trôi qua, mục tiêu sẽ hoàn thành. Bạn đã thực hiện nó hoặc bạn đã không.
Hiểu được cả hai loại mục tiêu đã giúp tôi đặt mục tiêu tốt hơn cho bản thân. Nó giúp tôi xác định những mục tiêu mà tôi muốn là một phần trong lối sống của mình và những mục tiêu tôi chỉ muốn thực hiện một lần. Nó giúp tôi giải tỏa tâm trí và khiến tôi tỉnh táo hơn khi đặt mục tiêu. Tôi tin rằng quan điểm này cũng có thể giúp bạn.
- Thiết lập các nguyên tắc để xác định rõ hơn nơi bạn cần tập trung
Gần đây có người hỏi tôi: “Cậu có nghĩ rằng mình nên sử dụng Facebook không?” Câu trả lời của tôi là: “Không.” Trong một thế giới mà đâu đâu cũng thấy người, có lẽ bạn sẽ chẳng thấy tôi ở bất cứ đâu trên mạng xã hội. Tôi làm điều này có mục đích, bạn sẽ không tìm thấy tôi trên Instagram, Snapchat, Facebook hay TikTok, cũng như trên Twitter hay LinkedIn.
Trong một tập của chương trình “Tim Ferriss Show”, khách mời Seth Godin giải thích sức mạnh của sự kiềm chế. Bạn nên đặt mục tiêu cho bản thân như thế nào để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn? Nếu không biết cách, bạn có nguy cơ bị lạc trong vô số lựa chọn. Chẳng hạn, bạn có thể quyết định ứng dụng mình sử dụng và không sử dụng, nghĩa là đặt giới hạn về ứng dụng truy cập trực tuyến của bản thân. Tìm ra lý do tại sao bạn đặt ra những giới hạn này và tuân theo chúng.
Bằng cách hiểu rõ những gì bạn không nên làm, bạn có thể tập trung năng lượng của mình vào nơi bạn muốn. Cá nhân tôi, việc không sử dụng mạng xã hội cho phép tôi sử dụng thời gian của mình tốt hơn và hiệu quả hơn. Về mặt chuyên môn, nó cho phép tôi tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh mà tôi muốn phát triển. Thay vì phân tán sự chú ý của mình trên 20 nền tảng khác nhau, tôi có thể tập trung vào một hoặc hai nền tảng mà tôi cho là có tiềm năng nhất. Bạn cũng có thể làm điều này bằng cách đặt ra nguyên tắc cho chính mình.
Lời kết,
Tôi đã học được những điều này từ những người khác và nếu bạn cảm thấy cộng hưởng với những trải nghiệm này, bạn cũng có thể áp dụng những điều này này để giúp tăng hiệu quả làm việc của mình, từ đó tạo ra một cuộc sống có mục đích hơn cho chính mình. Và nhắc lại, chúng là:
- Tích cực học hỏi từ những sai lầm.
- Đơn giản hóa những gì bạn làm.
- Đặt các mục tiêu khác nhau theo mong muốn của bạn.
- Thiết lập các nguyên tắc để xác định rõ hơn nơi bạn cần tập trung
Diệu Đan–Theo PNS