“Nhìn lại hành trình đã qua, tôi biết ơn về những trải nghiệm, niềm vui và cả những thất bại. Tôi đã từng khao khát thành công nhanh chóng. Còn bây giờ, tôi có thể đối mặt với mọi thứ một cách bình tĩnh”, Xu Meili chia sẻ.
Bài viết là lời tâm sự của một cô gái trẻ được đăng tải trên MXH Toutiao (Trung Quốc).
Lăn lộn đủ nghề khi còn là sinh viên
Tên tôi là Xu Meili (SN 1990), quê tại Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang. Khi tôi còn nhỏ, gia đình túng thiếu, cha tôi nợ người khác 100.000 NDT, ngày nào cũng có người đòi nợ trước cửa nhà. Để có tiền trả nợ, cha mẹ tôi phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt bằng đủ các ngành nghề, từ bán hàng rong, mở sạp tạp hóa đến làm lao công.
Thấy cha mẹ vất vả mưu sinh nên ngay khi còn đang học đại học, tôi đã tập tành buôn bán và làm bồi bàn nhưng không kiếm được là bao. Mỗi tháng, tôi vẫn phải xin cha mẹ khoảng 3000 – 4000 NDT tiền sinh hoạt phí. Nhiều lúc mẹ nổi cáu, buồn bực với tôi vì không có tiền.
Sống trong cảnh túng thiếu khiến tôi mệt mỏi, nảy ý định bán phụ kiện cho gồm khuyên tai, dây buộc tóc, thắt lưng, mũ nón,… Muốn nhập hàng số lượng lớn để được giá tốt nhưng không có tiền nên tôi nghĩ ngay đến việc vay tiền tại ngân hàng và dùng thẻ tín dụng sinh viên.
Có tiền, tôi nhanh chóng nhập hàng theo ý thích của bản thân rồi bán trong khuôn viên đại học. Tôi tự tin vào gu thẩm mỹ nhưng không ngờ, sản phẩm không bán được vì kiểu dáng bị đánh giá là… quá chững chạc, trưởng thành. Chán nản, tôi mang sản phẩm ra lối vào ga tàu điện ngầm ngồi bán bởi đó là vị trí tấp nập. Tôi ngồi xổm ven đường, lấy sản phẩm đặt trên chiếc va li, cố gắng bố trí gian hàng nhỏ sao cho thật bắt mắt. Tôi tự làm một bảng giá chi tiết: 10 NDT/đôi bông tai, 20 NDT/chiếc vòng tay, 30 NDT/chiếc vòng cổ,… Sạp hàng bán rất chạy, gần như ngày nào tôi cũng bán được hết hàng. Có nhiều khách còn mua vài món trở lên.
Nhưng may mắn chẳng được lâu, một thời gian sau tất cả sạp hàng bán rong bị công an tịch thu, lập biên bản nộp phạt. Tôi gục ngã tại chỗ, khóc lóc hàng tiếng đồng hồ nhưng họ không trả hàng. Nhiều người vây quanh an ủi, động viên tôi. Sau đó, tôi nghỉ bán, quay trở lại việc học tập. Tất cả chỗ hàng bị tịch thu khoảng 1000 NDT (khoảng 3,2 triệu đồng). Việc kinh doanh của tôi thất bại. Tôi không dám kể với cha mẹ vì xấu hổ.
Không nản chí, tôi lại tiếp tục vay mượn bạn bè khắp nơi để kinh doanh hàng gia dụng. Nhận thấy nhu cầu của sinh viên cần sắm các vật dụng như: Bình giữ nhiệt, chiếu, đệm, cốc chén, chậu thau,… nên tôi quyết tâm khởi nghiệp một lần nữa. Ngay tuần đầu tiên, tôi bán được 7 chiếc bình giữ nhiệt, 3 chiếc đệm, 60 cái chổi quét nhà.
Thấy công việc khởi sắc, tôi nhập thêm 100 đôi dép, 100 đôi giầy. Số hàng trên nhanh chóng được bán sạch trong 1 tuần, giúp tôi kiếm được 10.000 NDT (khoảng 32,8 triệu đồng). Công việc giúp tôi có phí sinh hoạt và tích lũy thêm được kinh nghiệm kinh doanh.
Trong thời gian đầu, tôi kiếm 10.000 NDT/tháng (khoảng 32,8 triệu đồng). Nhưng về sau do có nhiều sinh viên bán, cạnh tranh cao nên thu nhập giảm, cuối cùng chỉ kiếm khoảng 1000 NDT/tháng (khoảng 3,2 triệu đồng).
Thấy công việc đi xuống, tôi quay sang làm nghề khác. Bên ngoài trường có một con phố bán đồ ăn, từ ký túc xá đi bộ ra mất từ 15-20 phút nên nhiều người không muốn đi mua. Tôi nảy ra ý định mở dịch vụ giao đồ ăn, kiếm tiền chênh lệch. Tôi trao đổi với từng người bán hàng, ngỏ ý muốn họ giảm giá từ 1-2 NDT/đơn hàng. Sau đó, tôi sẽ đưa các món ăn của họ vào thực đơn cho sinh viên và tôi sẽ là người giúp đặt hàng.
Việc làm không xuể, vì vậy tôi tuyển thêm nhiều sinh viên trong trường làm, chia cho họ từ 0,5-1 NDT/đơn hàng. Mỗi ngày có ít nhất 200 đơn hàng cho bữa trưa và bữa tối. Dù công việc mệt nhọc nhưng tôi vẫn rất vui vì có thể kiếm khoảng 7000 NDT/tháng (gần 23 triệu đồng).
Khi số lượng đơn đặt hàng tăng lên, những người bán hàng bắt đầu ghen tỵ. Họ cũng phát triển mô hình kinh doanh giống tôi, lại giảm giá sản phẩm cho sinh viên khiến công việc của tôi bị trì trệ. Tôi quyết định rút lui do cảm thấy khó cạnh tranh.
Sang năm 3 đại học, tôi thuê một cửa hàng nhỏ trước cổng trường để bán đồ handmade. Cửa hàng rất đắt khách, nhanh chóng nổi tiếng trong trường. Thỉnh thoảng, tôi còn tổ chức một số sự kiện đặc biệt, chẳng hạn như hoạt động gấp hoa hồng, gấp hộp hình trái tim, làm đóa hoa,… Chẳng mấy chốc, không chỉ sinh viên mà nhiều thầy cô giáo biết tới gian hàng nhỏ xinh của tôi.
Lượng người liên tục kéo đến cửa hàng mỗi ngày, giúp tôi kiếm được hơn 10.000 NDT/tháng (khoảng 32,8 triệu/tháng). Dù công việc bận rộn nhưng tôi không bỏ bên việc học. Vào năm cuối, tôi học song song 2 chuyên ngành là Tài chính – Kinh tế quốc tế và Thương mại. Thành tích học tập của tôi luôn nằm trong top 10 của lớp.
Sau khi tốt nghiệp, tôi trúng tuyển vào một ngân hàng và nhanh chóng trở thành trưởng phòng dịch vụ chăm sóc khách hàng với mức lương 1500 NDT/tháng (khoảng 4,9 triệu đồng). Làm một thời gian, thu nhập của tôi tăng lên 7000 NDT/tháng (khoảng 22,9 triệu đồng). Công việc ổn định với mức lương cố định giúp tôi có cuộc sống bình yên nhưng lại làm tiêu tan khát vọng kinh doanh.
Nghỉ việc ngân hàng để sống trọn với đam mê và cú sốc phá sản
Trong buổi họp lớp cấp 2, một người bạn học chuyên ngành Thương mại điện tử chia sẻ anh ấy đã kiếm gần 3 triệu NDT (khoảng 9,8 tỷ đồng) với một nhóm nhỏ 20 người. Và giờ anh ấy sắp mua căn nhà cao cấp tại Nghĩa Ô. Nghe vậy, tôi nghĩ nếu tiếp tục làm việc tại ngân hàng thì không biết đến khi nào mới mua được nhà. Chính vì vậy, tôi quyết định nghỉ việc để tập trung kinh doanh.
Lần này, tôi bán quần áo cho người cao tuổi và trung niên. Sản phẩm này ít người bán nên tính cạnh tranh thấp. Nhờ vậy, mỗi ngày tôi có thể chốt đến vài trăm đơn hàng giá trị lớn. Dần dần, tôi mở thêm 100 cửa hàng khác nhau cùng hệ thống đại lý. Tôi thu lợi nhuận hơn 2 triệu NDT (6,5 tỷ đồng) trong vòng 3 tháng. Và tôi nhận được vô số lời mời hợp tác từ mọi nơi.
Kiếm được nhiều tiền nhưng cuộc sống của tôi khá tẻ nhạt. Tôi gần như không bao giờ bước chân ra khỏi cửa nhà, cũng chẳng buồn trang điểm. Tôi làm việc với máy tính hơn 16 tiếng/ngày. Hàng ngày, tôi dậy sớm hơn gà, ngủ muộn hơn cún, làm việc chăm hơn cả bò. Chính vì thế, sức khỏe giảm sút rõ rệt, tôi thường ốm và phải vào viện thăm khám. Tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục sống như vậy.
Cuối năm 2015, tôi giảm số lượng cửa hàng xuống. Ngoài ra, tôi còn bán thêm mỹ phẩm. Lúc đó, mặt nạ là sản phẩm bán chạy nhất, chỉ sau 6 tháng, tôi kiếm được hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn chưa hài lòng, tiếp tục muốn kinh doanh lớn hơn. Vì vậy, tôi đã thuê một địa điểm tại Hàng Châu để mở văn phòng, thành lập công ty, tuyển nhân viên. Nhưng 2 tháng sau đó, tôi lỗ hơn 10 triệu NDT, dẫn tới phá sản.
Lần đầu tiên mất nhiều tiền khiến tôi rơi vào khủng hoảng, nhốt mình trong phòng cả ngày, cắt đứt liên lạc với gia đình. Tôi trở nên lầm lì, không còn vô tư như trước, cảm thấy sợ hãi, thậm chí muốn trốn chạy. Quá chán nản, tôi bắt đầu tập leo núi một mình, đi vào rừng sâu, tắt mọi thiết bị điện tử. Tôi bị ám ảnh với cuộc sống, chỉ muốn đi tới nơi không người.
Tìm lại ý nghĩa cuộc sống
Một lần tôi đến tỉnh Tứ Xuyên cùng một hướng dẫn viên và 6 người leo núi khác. Chúng tôi cùng nhau chinh phục ngọn núi cao hơn 6000m so với mực nước biển – nơi quanh năm tuyết phủ trắng xóa. Chúng tôi đi bộ ròng rã 5 ngày 5 đêm. Đến khoảng 2 giờ sáng, khi chỉ còn cách đỉnh núi 20-30m, người dẫn đường thông báo một tiếng nữa sẽ xuất hiện bão tuyết và yêu cầu chúng tôi lên đỉnh càng sớm càng tốt.
Nhưng bão tuyết tới sớm hơn dự định, trong khi tôi không có bất kỳ biện pháp an toàn nào. Tôi miệt mài trèo tiếp lên, vô tình dẫm hụt chân, trong nháy mắt bị trượt xuống khoảng 3m, phía sau là vực sâu, tâm trí tôi trở nên trống rỗng.
Đột nhiên có một bàn tay nắm chặt lấy tay tôi và cất tiếng gọi. Một lúc sau, tôi mới thở phào nhẹ nhõm, chính người dẫn đường đã cứu tôi rồi mọi người cùng nhau kéo tôi lên đỉnh. Sau khi trải qua sinh tử, tôi hiểu rằng một người cần phải trải nghiệm rất nhiều trong cuộc sống. Tại sao tôi từng có ý định từ bỏ chính mình vì những thất bại trước đó. Tôi đứng dậy, lấy lại tinh thần và sẵn sàng quay trở lại với cuộc sống thực tại.
Thời gian sau, tôi bán quần áo phụ nữ, tập livestream mỗi ngày. Tôi chủ yếu bán buôn và thu hút rất nhiều người mua. Dần dần, tôi tạo được danh tiếng, sở hữu thương hiệu nhỏ, hợp tác với nhiều nhà máy để giảm giá thành sản phẩm cho khách hàng.
Nhìn lại hành trình đã qua, tôi biết ơn về những trải nghiệm, niềm vui và cả những thất bại. Tôi đã từng khao khát thành công nhanh chóng. Còn bây giờ, tôi có thể đối mặt với mọi thứ một cách bình tĩnh.
Ứng Hà Chi-Theo PNS