Thứ quyết định một người tốt, một vị quan tốt không phải bởi học thức hay tài năng mà là ở tâm thiện hay ác của con người. Người có thiện tâm thì học thức sẽ trợ giúp người đó trừng trị kẻ gian ác, tạo phúc cho bách tính. Người có ác tâm thì học thức sẽ trở thành công cụ trợ giúp kẻ đó nhận hối lộ và làm việc trái pháp luật, ức hiếp bách tính.
Dưới đây là một câu chuyện dân gian kể lại, người có thiện tâm đắc được phúc báo đáng để chúng ta suy ngẫm.
Tương truyền, thuở đầu lập quốc, hoàng đế Chu Nguyên Chương đã mặc thường phục đi vi tuần. Lúc đi ngang qua một ngôi miếu đổ thì hoàng đế cảm thấy vô cùng khát nước, ông nhìn xung quanh thấy bên cạnh có một người nông dân đang làm việc, vì vậy ông đã sai tùy tùng đến hỏi xin bát nước.
Thời tiết nóng bức, người nông dân làm việc cũng đến lúc vừa mệt vừa khát, dù là như vậy nhưng ông vẫn chủ động bưng nước đến trước mặt Chu Nguyên Chương để mời.
Sau khi Chu Nguyên Chương uống xong bát nước, trong lòng rất vui vẻ nhẹ nhõm, người nông dân còn nói với ông: “Khách quan, chỗ của chúng ta tương đối hẻo lánh, cách mấy dặm mới có một cái giếng, ngài đi cùng ta về nhà để đổ đầy nước vào siêu, nó sẽ giúp mọi người không lo thiếu nước trên đường đi nữa”.
Sau khi nghe xong, Chu Nguyên Chương cùng người nông dân trở về nhà, lấy đầy hai bình nước, uống thêm chén trà và nghỉ ngơi một lúc, cùng nhau nói chuyện trên trời dưới đất. Ông phát hiện gia đình lão nông có 3 người, hai vợ chồng và một cậu con trai, họ vô cùng thật thà phúc hậu, thần thái toát ra bản tính thiện lương giản dị một cách rất tự nhiên.
Chu Nguyên Chương nhắc tùy tùng đi cùng ghi nhớ, đây là nơi nào, người nông dân có họ gì, sau đó mọi người rời đi.
Không lâu sau khi trở về kinh đô, Chu Nguyên Chương đã trực tiếp thăng chức cho người nông dân lên làm quan huyện địa phương. Sau khi nghe xong tin này, một số tú tài nổi tiếng ở địa phương đã bảo nhau không cần phải học hành chăm chỉ nữa, 10 năm khổ công học tập cũng không bằng một chén nước của người nông dân.
Mệnh của người nông dân sao lại tốt như vậy, chỉ có một bát nước mà lại được thăng chức rất nhanh. Một vị tú tài còn đến ngôi miếu hoang mà Chu Nguyên Chương từng dừng chân để viết hai câu thơ: “Mười năm gian khổ học tập không bằng một chén trà”.
Kết quả là chuyện này đã truyền đến tai Chu Nguyên Chương. Một năm sau hoàng đế lại tới nơi này, nhìn câu thơ trên tường thì không khỏi vừa giận vừa cười, viết: “Tài của hắn không bằng ngươi nhưng mệnh của ngươi lại không bằng hắn”.
Chu Nguyên Chương vừa viết xong, không ngờ vị thư sinh kia cũng tình cờ vừa đến ngôi miếu đổ nát đó. Thấy Chu Nguyên Chương viết vậy, thư sinh liền hỏi: “Ta học rộng như vậy, sao lại không bằng lão nông kia?”
Chu Nguyên Chương liếc nhìn thư sinh một cái rồi nói: “Tài năng của hắn không bằng ngươi, cách đối đãi của ngươi không bằng hắn, ngươi không biết sau lưng người nông phu kia đã làm biết bao việc thiện, còn ngươi chỉ biết ôm oán hận trong lòng, dùng ánh mắt oán hận như ghét cái ác để nhìn thành quả của người khác. Triều đại Minh ta không thiếu người có trình độ học vấn nhưng lại thiếu người biết cảm ân”.
Chu Nguyên Chương nói xong, ánh mắt giận dữ nhìn thư sinh khiến y sợ hãi run rẩy không dám nói thêm lời nào nữa.
***
Sau khi đọc xong câu chuyện này, một số người có thể sẽ nói rằng vận may của người nông dân thật quá tốt. Thế nhưng khi ngẫm lại, chúng ta sẽ tự hỏi, vận khí tốt của ông từ đâu mà có?
Vận khí tốt của một người không phải ngẫu nhiên mà có được, nó đến từ tấm lòng thiện lương. Bởi vì thiện là gốc rễ của phúc, cây muốn phát triển trước tiên cần có bộ rễ tốt, người muốn lập nhân thì trước tiên cần lập đức. Nếu như nói bộ rễ là nền tảng phát triển của cây thì đức hạnh lại chính là gốc rễ của làm người.
Rất nhiều người khi làm việc thì đều là toan tính lợi ích trước mắt mà không suy nghĩ cẩn thận, tỉ mỉ, nhìn vấn đề một cách thấu đáo. Chu Nguyên Chương muốn xin người nông dân một chén nước để giải khát, thế nhưng lão nông này chẳng những mời Chu Nguyên Chương nước mà còn nghĩ đến việc đường đi trước mắt còn dài, cần phải tích trữ nước mang theo bên mình thì mới có thể đi xa, thế là lão nông đã mời Chu Nguyên Chương về nhà nghỉ chân và đổ đầy hai bình để nước mang theo trên đường đi, như vậy thì không lo thiếu nước nữa.
Chu Nguyên Chương thấy người nông dân này rất lương thiện, hơn nữa còn rất cẩn thận chu đáo, nếu làm quan tri huyện, nhất định ông ấy có thể vì bách tính mà tạo phúc, giúp dân an cư lạc nghiệp. Vì thế mà ông đã ban cho ông chức quan huyện lệnh địa phương.
Theo Vision Times-San San biên dịch