Kể lại cuộc đời mình, giọng điệu của Phổ Nghi “man mác ngậm ngùi, xem lẫn ý cười thương thay cho quãng đời đã qua”.
Là Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh và cũng là vị Hoàng đế cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, tiếng “cuối cùng” bị gắn lên người của Phổ Nghi nghe có gì đó thật chua chát, chứ không hề hào hùng như những cách gọi mà hậu nhân dùng cho ông. Nửa đời sau, Phổ Nghi từ giã tấm áo long bào để trở thành người bình thường, tận hưởng cuộc sống và cố gắng hòa nhập với thế giới hiện đại.
Những người hiểu biết về lịch sử Trung Quốc đều biết rằng sau cách mạng Tân Hợi năm 1911, Phổ Nghi chuyển ra khỏi Tử Cấm Thành (sau này gọi là Cố cung) và sống ở Thiên Tân.
Khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, Phổ Nghi trở thành Hoàng đế bù nhìn của chế độ Ngụy Mãn. Sau đó, cuộc kháng chiến kết thúc, Phổ Nghi ngồi tù thêm 5 năm nữa. Sau khi tân Trung Hoa được thành lập, Phổ Nghi đã trải qua 10 năm học tập và cải tạo, cuối cùng được ân xá ra tù, thân phận cũng từ Hoàng đế phong kiến trở thành công dân bình thường.
Tuy nói trở thành người bình thường, nhưng Phổ Nghi lại có phần vui mừng khôn tả, dù sao trước đây, mặc dù sở hữu thân phận là Hoàng đế, nhưng ông sống hoàn toàn dưới sự khống chế của người khác, hiện tại không còn địa vị cao quý kia nhưng có thể làm chủ cuộc đời, muốn làm gì cũng không cần hỏi ý kiến bất cứ ai.
Khi Phổ Nghi làm Hoàng đế, việc vặt hàng ngày đều do thái giám, cung nữ làm, cho nên ông thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Cho đến khi trở thành một cư dân bình thường, xung quanh cuộc sống của Phổ Nghi xảy ra rất nhiều chuyện thú vị.
Kể lại cuộc đời mình, giọng điệu của Phổ Nghi “man mác ngậm ngùi, xen lẫn ý cười thương thay cho quãng đời đã qua”.
Một lần Phổ Nghi ra ngoài dạo chơi, nhìn thấy quầy bánh nướng bên đường, thèm ăn nên đã mua một cái. Khi cầm cái bánh trên tay, ông mới phát hiện bánh nướng nóng hôi hổi. Độ nóng cách túi giấy chân thực đến mức khiến ông không khỏi nhớ lại chuyện đã xảy ra khi còn là Hoàng đế sống trong Tử Cấm Thành.
Cắn một miếng bánh, Phổ Nghi càng kinh ngạc hơn: “Hóa ra, bánh nướng lại có hương vị này. Tôi đã bị thái giám lừa hơn 20 năm”.
Thì ra, khi còn là Hoàng đế, trong cung căn bản không có loại thức ăn bình dân như bánh nướng. Phổ Nghi tò mò về các món mà dân chúng thường ăn, nên bảo thái giám xuất cung mua vài món trở về. Từ ngoài vào cung cấm cũng mất quãng đường và thời gian khá dài, khi thái giám mang về cung thì bánh nướng đều đã nguội lạnh nên hương vị ăn vào đương nhiên không ngon lắm.
Phổ Nghi chưa từng thấy bánh nướng, cũng không biết bánh nướng phải ăn lúc còn nóng, nên đã đinh ninh loại bánh này: Nguội, hương vị bình thường, dân chúng tầm thường nên đồ ăn của họ cũng chẳng có gì hay ho.
Thái giám cũng không dám nói thật với Phổ Nghi, cứ như vậy lừa gạt ông hơn 20 năm.
Ngoài ra, cuộc sống bình dân của Phổ Nghi còn rất nhiều tình huống thú vị khác.
Ví dụ như khi tham quan Cố cung, không còn là chủ của cung cấm nguy nga nên Phổ Nghi phải xếp hàng mua vé. Mặc dù lúc ấy Cố cung đã từng có chính sách miễn phí vé vào cổng đối với thân thích nhà Thanh, nhưng Phổ Nghi vẫn kiên trì với việc mua vé. Có người nhận ra Phổ Nghi là vị Hoàng đế cuối cùng của Thanh triều nên đã trêu: “Về nhà mình mà còn phải mua vé”.
Câu nói nghe bình thường nhưng đã khiến lòng Phổ Nghi chua chát khôn nguôi. Đứng trước Ngọ môn sừng sững, ông không khỏi nhớ lại thuở mọi thứ bên trong đều thuộc về mình, đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ, giờ đây cũng là đi vào nhìn ngắm nhưng cảm giác tư vị lại khác hẳn.
Chưa hết, khi du ngoạn Cố cung, nhìn thấy một bức chân dung được giới thiệu là Hoàng đế Quang Tự, Phổ Nghi đã tìm cho bằng được nhân viên quản lý khu vực đó để nói: “Đây không phải Hoàng đế Quang Tự”.
Nhân viên cười khinh Phổ Nghi và chắc nịch nói bức tranh này đã được chuyên gia lịch sử thẩm định, không thể sai lầm. Đôi bên giằng co lời qua tiếng lại. Cuối cùng, Phổ Nghi đành phải bất đắc dĩ nói: “Tôi đây mặc dù chưa từng thấy Hoàng đế Quang Tự, nhưng bức tranh kia… chính là bố của tôi”.
Thì ra, nhân viên trong Cố cung đã nhầm lẫn ảnh cha của Phổ Nghi là Thuần Thân vương Tái Phong thành Hoàng đế Quang Tự.
Nguồn: Sohu-Trung Hạ-Theo PNS