Đoàn công tác của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, Hội Nông dân huyện Hồng Dân tham quan mô hình nuôi tôm cải tiến của gia đình hội viên, nông dân Võ Văn Tươi, ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc. Mô hinh nuôi tôm đã giúp gia đình ông Việt tăng thu nhập, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức đi tham quan thực tế một số mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả của các hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Hồng Dân.
Tại huyện Hồng Dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức đi tham quan thực tế một số mô hình chăn nuôi như nuôi tôm quảng canh ở xã Vĩnh Lộc; nuôi ong ở thị trấn Ngan Dừa; mô hình trồng cây ăn trái kết hợp nuôi cá ở xã Ninh Quới…
Nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng thu nhập
Đoàn đã đến tham quan mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến của gia đình hội viên, nông dân Võ Văn Tươi, ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc. Gia đình ông Võ Văn Tươi hiện nuôi tôm trên 2,5ha diện tích mặt nước.
Hình thức nuôi tôm của hộ ông Việt áp dụng là nuôi tôm quảng canh cải tiến. Nuôi tôm quảng canh cải tiến là mô hình nuôi tôm dựa vào nền tảng của hình thức nuôi quảng canh, nhưng có bổ sung thêm tôm giống ở mật độ thấp hoặc là thêm thức ăn theo tuần, đôi khi thêm cả thức ăn…
Nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng cần bổ sung thêm chế phẩm vi sinh và áp dụng một số kỹ thuật quản lý và cải thiện môi trường nước nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình ông Việt là hơn 100 triệu đồng.
Tại ấp Xẻo Quao, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, đoàn đã tham quan mô hình nuôi ong mật bông tràm của hộ anh Huỳnh Thanh Nhơn.
Cuối năm 2021, Hội Nông dân huyện Hồng Dân triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật” từ bông tràm tại thị trấn Ngan Dừa – nơi có nhiều diện tích trồng tràm và cây ăn trái, được đánh giá phù hợp để phát triển nghề nuôi ong.
Tổ hợp tác Nuôi ong lấy mật thị trấn Ngan Dừa ra đời ban đầu với 9 thành viên nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình nuôi.
Thông qua nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Hồng Dân đã đầu tư 54 triệu đồng (trung bình mỗi hộ tham gia Dự án được vay 6 triệu đồng) để mua con giống và đóng thùng nuôi ong.
Khi tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn khoa học – kỹ thuật từ khâu thiết kế thùng, kỹ thuật chăm sóc đến cách thu hoạch mật bằng máy quay ly tâm, sơ chế và bảo quản sản phẩm…
Tạo việc làm từ mô hình nuôi ong
Ông Huỳnh Thanh Nhơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi ong lấy mật thị trấn Ngan Dừa – người có nhiều thùng nuôi ong nhất trong Tổ cho biết, nuôi ong tốn ít thời gian và công chăm sóc, lại không cần thức ăn vì ong tự bay đi tìm hoa lấy mật.
Tuy vậy, nghề đòi hỏi người nuôi ong phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn. Để nuôi hiệu quả, người nuôi cần lựa chọn giống tốt, chọn địa điểm đặt đàn ong, có sổ nhật ký ghi chép, theo dõi hằng ngày.
Mô hình nuôi ong làm mật từ phấn bông tràm và phấn từ các loại cây ăn trái khác ở thị trấn Ngan Dừa đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Đoàn Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cũng đã đến tham quan mô hình trồng cây ăn trái kết hợp nuôi cá của gia đình anh Võ Văn Lăng. Anh Lăng là hội viên, nông dân ấp Ngan Kè, xã Ninh Qưới, huyện Hồng Dân. Gia đình anh hiện đang có mô hình trồng cây ăn trái và kết hợp nuôi cá.
Buổi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức nhằm tạo điều kiện cho cán bộ Hội Nông dân các cấp tiếp cận và học tập các mô hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn.
Đồng thời, qua tham quan cũng khuyến khích cán bộ, hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm giảm nghèo, vươn lên khá giả, phát triển bền vững.
Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cũng đã động viên các hộ tiếp tục phát triển mô hình nuôi, trồng của mình để mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Đồng thời, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh đề nghị các cấp Hội Nông dân trong huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Hội tiếp tục động viên hội viên tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng lợi thế, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện.
Nhung Nguyễn (Hội ND Bạc Liêu)