Không đối xử tốt với bản thân từ sớm, nam giới sẽ phải hối hận khi tuổi trung niên cận kề, tuổi thọ hao hụt không còn bao nhiêu.
Hầu hết, tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới đang không ngừng tăng lên. Vào năm 2019, WHO công bố báo cáo “Thống kê y tế thế giới” và chỉ ra: tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới đã tăng thêm 5,5 năm trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019. Tuổi thọ trung bình của người phụ nữ trên toàn cầu là 74,2 trong khi con số này ở nam giới chỉ là 69,8. Điều đó có nghĩa tuổi thọ trung bình của một người phụ nữ nhiều hơn nam giới là 4,4 tuổi.
Giai đoạn 2016-2020, riêng tại Việt Nam, mỗi năm tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân tăng 0,1 năm; từ 73,4 năm 2016 tăng lên 73,7 năm 2020. Tuổi thọ trung bình của nữ và nam đều tăng, nhưng tuổi thọ của nữ vẫn cao hơn nam 5,4 năm.
Lý giải nguyên nhân cho tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, phụ nữ mang hai nhiễm sắc thể XX, cấu trúc cơ thể nhỏ trong khi nam giới chỉ một nhiễm sắc thể X và Y, nên dễ bệnh tật. Điều này có nghĩa là phụ nữ giữ hai bản sao của mỗi gen mà họ có, trong khi đàn ông chỉ giữ một bản. Nếu một gen bị lỗi hoặc trục trặc với tuổi tác, phụ nữ có một gen khác để quay trở lại. Đàn ông thì không, vì vậy họ có nguy cơ mắc các bệnh như ung thư cao hơn.
Ở Anh, người ta ước tính rằng, so với phụ nữ thì đàn ông có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 40% và mắc bệnh cao hơn 16%. Mức estrogen (hormone sinh dục nữ) cao hơn và sự hiện diện của nhiễm sắc thể X thứ hai đồng nghĩa phụ nữ có nhiều chất béo dưới da, trong khi đó, đàn ông có nhiều chất béo xung quanh các cơ quan (mỡ nội tạng) – yếu tố nguy cơ của bệnh tim.
Theo Ranker, estrogen ở nữ có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch trong khi testosterone ở nam giới ức chế khả năng miễn dịch. Điều này khiến nam giới có nguy cơ tử vong cao liên quan đến cúm và dễ bị biến chứng do các bệnh hô hấp nghiêm trọng.
Vì thế, nhiều nhà khoa học cho rằng phụ nữ thường sống lâu hơn đàn ông vì nhiễm sắc thể X kép của họ bảo vệ chống lại bệnh tật khi các tế bào bắt đầu gặp trục trặc theo tuổi tác.
Tất nhiên, bên cạnh những ưu điểm bẩm sinh, sự khác biệt trong lối sống cũng sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ. Một nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Ung thư của Bệnh viện Renji trực thuộc Đại học Y khoa Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc, đã phát hiện ra rằng: Lối sống không lành mạnh có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, tử vong do bệnh tim mạch và tử vong do ung thư ở nam giới.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu sức khỏe của 61.480 nam giới tuổi từ 40 đến 74, theo dõi trong thời gian trung bình 9,29 năm, trong đó có 4952 nam giới tử vong (1637 người chết vì bệnh tim mạch và 2122 người chết vì ung thư).
Dựa trên những dữ liệu trên, nhóm nghiên cứu đã phân tích và đúc kết ra 4 thói quen không lành mạnh nhưng rất phổ biến ở nam giới.
Đó là:
1. Hút thuốc
2. Nghiện rượu
3. Chế độ ăn uống không lành mạnh
4. Lười vận động
Những thói quen không lành mạnh này có liên quan đến 41% ca tử vong ở nam giới, 40% ca tử vong do bệnh tim mạch và 38% ca tử vong do ung thư. Những người sở hữu các thói quen này cũng có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao gần gấp đôi, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao gấp đôi và nguy cơ tử vong do ung thư cao gấp đôi, so với người thường. Trong số đó, hút thuốc lá và lạm dụng rượu có tác động lớn nhất đến tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.
Nam giới muốn trường thọ, 4 “bí quyết” này cần nằm lòng
Chúng ta có thể không thay đổi được một số yếu tố bẩm sinh ảnh hưởng đến tuổi thọ, nhưng chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ thông qua một số nỗ lực có được.
1. Thói quen sinh hoạt tốt
Tránh chế độ ăn nhiều đường, nhiều dầu và nhiều muối, thay vào đó nên ăn nhiều trái cây và rau quả tươi, ăn một số thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt một cách thích hợp. Cố gắng bỏ hút thuốc, uống rượu, thức khuya và các thói quen sinh hoạt không tốt khác càng sớm càng tốt. Nếu không thể thay đổi hoàn toàn trong thời gian ngắn, bạn có thể thực hiện từng bước một, nhưng phải kiên trì.
2. Quan tâm đến sức khỏe và khám định kỳ
Ung thư coi trọng “phát hiện sớm, điều trị sớm”. Nếu các dấu hiệu bệnh bị bỏ qua, người bệnh dễ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất. Do đó, các bạn nam nên chú ý đến tình trạng cơ thể của mình, đi thăm khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện các triệu chứng bất thường càng sớm càng tốt.
3. Phát triển thói quen tập thể dục
Áp lực công việc và cuộc sống có thể khiến con người ngày càng lười vận động, nhưng nếu lười vận động trong thời gian dài, con người cũng dễ bị tăng cân. Béo phì có thể dẫn đến sự xuất hiện của nhiều bệnh mãn tính, ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ.
Do đó, điều quan trọng là phát triển thói quen tập thể dục thường xuyên. Bạn có thể bắt đầu bằng đi bộ nhanh hoặc bơi lội. Người có thói quen tập thể dục có thể duy trì tập aerobic 3-5 ngày/tuần.
4. Không thức khuya và ngủ đủ giấc
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ ít hơn 6 tiếng hoặc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày có nguy cơ tử vong và mắc bệnh tim mạch cao hơn những người ngủ từ 6-8 tiếng.
Muốn cải thiện giấc ngủ, bạn có thể ngâm chân trong 20 phút trước khi đi ngủ, đồng thời tránh xa điện thoại di động, máy tính và các sản phẩm điện tử khác. Bạn cũng có thể tận dụng khoảng thời gian ngắn trước khi đi ngủ để duỗi chân tay, thả lỏng cơ thể, nghe một vài bản nhạc nhẹ nhàng trước khi đi ngủ và chuẩn bị đầy đủ cho việc đi vào giấc ngủ.
*Nguồn: Aboluowang-Phương Mộc–Phụ nữ số