Dòng tiền ‘nguội lạnh’ khiến các ‘kỳ lân’ điêu đứng.
Theo Nikkei, số lượng các kỳ lân (công ty chưa niêm yết được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) đang giảm mạnh trên toàn cầu trong bối cảnh giới nhà đầu tư quan ngại rủi ro suy thoái kinh tế. Với nguồn vốn cạn kiệt, số lượng kỳ lân mới trung bình hàng tháng đã giảm xuống chỉ còn hơn 7 công ty trong nửa đầu năm, giảm 80% so với mức đỉnh hồi 2021, theo dữ liệu từ PitchBook.
Tại Mỹ, các nhà đầu tư mạo hiểm đang chuyển hướng sang những doanh nghiệp bền vững, có triển vọng lâu dài hơn là những startup mới nổi nhằm thu lợi nhanh chóng.
Cuối tháng 6, IRL, startup ứng dụng nhắn tin của Mỹ, đã chính thức sụp đổ trước tin đồn làm giả số liệu người dùng. IRL bị cáo buộc vi phạm luật chứng khoán bởi không thể hoàn toàn các mục tiêu hoạt động.
Được định giá 1,17 tỷ USD vào năm 2021 sau khi được SoftBank rót vốn, IRL từng được coi là ‘mỏ vàng’ khi có tới 20 triệu người dùng đang hoạt động. Tuy nhiên, vào tháng trước, đại diện công ty đã thừa nhận rằng 95% trong số đó chỉ là ảo.
Tương lai Zume, startup sản xuất pizza bằng robot, cũng không khá hơn là bao dù được SoftBank hậu thuẫn. Từng được định giá 2,25 tỷ USD vào năm 2018, Zume giờ đây không thể đạt mục tiêu doanh thu và cuối cùng phải đóng cửa vì cạn vốn.
Điều này trái ngược hoàn toàn với năm 2021 – thời điểm trung bình mỗi tháng thế giới chứng kiến sự ra đời của 50 kỳ lân, chủ yếu ở Mỹ và Trung Quốc. Số lượng kỳ lân tăng mạnh khi quỹ Vision của SoftBank và các nhà đầu tư khác đổ tiền vào các startup “giai đoạn sau”.
Trước đây, lãi suất thấp đã thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ cùng làn sóng của các kỳ lân mới. Ví dụ điển hình có thể kể đến như Airbnb và Uber, với mức định giá lần lượt là 47 tỷ USD và 82 tỷ USD trong lần IPO đầu tiên.
Tuy nhiên, sau thời kỳ bùng nổ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tăng lãi suất vào đầu năm ngoái. Theo dữ liệu từ Dealogic, các đợt IPO trong năm 2022 chỉ huy động được tổng cộng 22 tỷ USD tại Mỹ, giảm 90% so với một năm trước đó.
Năm nay, hoạt động đầu tư vẫn trì trệ do các nhà đầu tư không muốn chấp nhận rủi ro. Các kỳ lân lên sàn trước đó cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Dữ liệu từ PitchBook cho thấy trong quý II/2023, các nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ chỉ chi tổng cộng 39,8 tỷ USD, giảm 48% so với cùng kỳ.
Dẫu vậy, một số nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon vẫn lạc quan về các startup.
“Vốn và cơ hội đang phân hoá. Các công ty hoạt động hiệu quả nhất đang nhận được nhiều vốn hơn năm ngoái”, bà Lu Zhang, sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Fusion Fund (Mỹ), nói đồng thời cho biết rất nhiều nhà sáng lập liên tiếp ra mắt các công ty mới. “Họ là một trong những tinh hoa ở Thung lũng Silicon. Họ quan sát thị trường trong một thời gian dài và bây giờ mới rót vốn”.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang vô cùng lạc quan với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Inflection AI, một công ty khởi nghiệp được thành lập vào năm ngoái bởi người đồng sáng lập LinkedIn đã huy động được 1,5 tỷ USD kể từ khi thành lập.
“Tôi đang thấy rất nhiều điều mới mẻ và thú vị từ AI. Chúng ta phải loại bỏ những cái cũ để xây dựng những cái mới hơn”, Martin Pichinson, sáng lập kiêm Chủ tịch Sherwood Partners, nói.
Dữ liệu từ CB Insights cho thấy các công ty khởi nghiệp ở Bắc Mỹ đang thống trị bảng xếp hạng định giá các kỳ lân AI hàng đầu. Các startup Trung Quốc không góp mặt trong danh sách.
“Bữa tiệc này không thể kéo dài mãi. Chúng tôi đang cố trở lại bình thường sau cuộc chạy đua mà ở đó, mọi thứ đã thay đổi”, Margaret O’Mara, giáo sư tại Đại học Washington nhận định.
Theo Layoffs.fyi, một trang web theo dõi việc làm trong ngành công nghệ, trong năm 2022, các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Mỹ đã sa thải hơn 35.000 nhân viên. Một số tạm phải gác lại các kế hoạch kinh doanh, trong khi số khác thì “đóng băng” ngày ra mắt các sản phẩm mới.
“Có quá nhiều điều không chắc chắn, sự sợ hãi và nghi ngờ trên thị trường”, Evan Walden, CEO Getro – công ty phần mềm chuyên hỗ trợ các startup tuyển dụng, nói.
Theo các chuyên gia, đối tác dài hạn chuyên rót vốn vào các công ty đầu tư mạo hiểm đang ghi nhận lợi nhuận không mấy khả quan kể từ ít nhất năm 2006. Miguel Luiña, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Hamilton Lane, cho biết sự thiếu hụt này, kết hợp với các khoản lỗ đầu tư vào cổ phiếu đại chúng và một số tài sản khác, khiến họ không còn nhiều tiền mặt để tiếp tục đầu tư.
“Chúng tôi ở trong ngành công nghiệp tiền số đã lâu nên đã từng chứng kiến những thăng trầm như thế này. Chúng tôi đã dự đoán trước mức độ biến động trong suốt năm”, Céline Dufétel, Giám đốc tài chính của Checkout, chia sẻ với Financial Times.
Theo WSJ, tính đến cuối năm 2022, khoảng 2.750 công ty khởi nghiệp huy động được tiền vào năm 2021 chưa nhận thêm bất kỳ khoản vốn đầu tư mạo hiểm nào kể từ đó. Nhiều công ty khởi nghiệp, hầu hết còn non trẻ và chưa có lãi, đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trong năm tới. Mô hình kinh doanh của Thung lũng Silicon theo đó không còn là miền đất hứa cho những nhân tài công nghệ chỉ biết chạy theo xu hướng.
“Sẽ rất áp lực nếu muốn kiếm tiền bằng mọi giá”, Mark Peter Davis, đối tác quản lý tại Interplay, một công ty mạo hiểm kiêm vườn ươm khởi nghiệp, cho biết. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều nỗi đau như thế này”.
Theo: Nikkei, FT-Vũ Anh-Theo Nhịp sống thị trường