Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Nếu không tỉnh táo ai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Tờ tin tức Aisa One của Singapore đưa tin về một trường hợp bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền khoảng 30.000 SGD (tương đương hơn 500 triệu đồng). Dù có vẻ như phương thức chiếm đoạt tài khoản này không còn mới nhưng vẫn rất nhiều người thiếu tỉnh táo để “sập bẫy” kẻ gian.
Cụ thể, người phụ nữ Singapore tên Zheng nói với tờ tin tức Lianhe Zaobao rằng cô vô tình thấy một quảng cáo trên Instagram cho một ứng dụng bán lẻ.
Quảng cáo này nói rằng những khách hàng thực hiện bất kỳ giao dịch mua nào trên nền tảng của họ sẽ nhận được một máy xay sinh tố miễn phí trị giá 80SGD (tương đương gần 1,4 triệu đồng).
Bị hấp dẫn bởi món quà tặng miễn phí, nhân viên quản trị 30 tuổi đã nhấp vào liên kết để tải xuống ứng dụng trên điện thoại di động. Sau đó, Zheng bị điều hướng chuyển đến WhatsApp, nơi cô được hướng dẫn cách thực hiện.
Zheng đã đặt mua một số loại trái cây và rau quả trên ứng dụng đã tải với giá tổng cộng là 30 SGD (tương đương hơn 500 nghìn đồng). Khi cô chuẩn bị liên kết PayLah! tài khoản vào ứng dụng để thanh toán, thì thấy lỗi.
Cô đã tìm kiếm sự trợ giúp bằng cách liên hệ với “nhân viên” của nền tảng trên WhatsApp và được yêu cầu thử thêm vài lần nữa vì ứng dụng này “thỉnh thoảng có lỗi”.
Ngay khi người phụ nữ chuẩn bị thử lại, điện thoại của cô tự động tắt. Khi thiết bị khởi động lại, cô hoảng hốt nhận ra nó đang được điều khiển từ xa bởi người khác.
“Tôi thấy giao diện của điện thoại cứ tự động trượt sang trái và phải dù không thao tác gì. Tôi đã cố gắng sử dụng điện thoại của mình để gọi cho ngân hàng nhưng cuộc gọi liên tục bị ngắt. Tôi không thể dừng ủy quyền thanh toán hoặc chấm dứt giao dịch”, cô nói với nhật báo Trung Quốc.
Trong 20 phút tiếp theo, Zheng bất lực nhìn những kẻ lừa đảo thực hiện 6 lần chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của cô, mỗi lần lấy khoảng 5.000 SGD.
Zheng mất tổng cộng 29.877,09 SGD (tương đương 522 triệu đồng).
Sau đó, cô tắt điện thoại và sử dụng điện thoại nhà để liên lạc với ngân hàng và cảnh sát.
Cảnh sát xác nhận với tờ tin tức Lianhe Zaobao rằng họ đã nhận được báo cáo về vụ việc.
Vào tháng 2 năm nay, ngân hàng DBS (Singapore) đã đưa ra một lời khuyên để cảnh báo khách hàng về phần mềm độc hại trên hệ điều hành Android. Phần mềm này có thể ẩn trong các ứng dụng trên cửa hàng Google Play hoặc trong các bài đăng trên mạng xã hội.
Phần mềm này sẽ yêu cầu quyền tải xuống các ứng dụng độc hại khác và duyệt qua điện thoại bị nhiễm độc mà không có sự đồng ý của chủ nhân. Sau đó, những kẻ lừa đảo có thể điều khiển thiết bị để đánh cắp thông tin nhạy cảm và phê duyệt chuyển tiền.
Ngân hàng cũng đưa ra khuyến cáo dành cho mọi người rằng:
– Hãy thận trọng với các tệp đính kèm, mã QR hoặc liên kết đến các ứng dụng trong email, tin nhắn hoặc bài đăng trên mạng xã hội.
– Chỉ tải xuống ứng dụng từ Apple App Store và Google Play Store chính thức.
Theo Minh Nhật–Phụ nữ Việt Nam