Đó là chia sẻ thẳng thắn của ông Nguyễn Thành Nam – Founder của Funix trong một cuộc trao đổi về “Make in Vietnam”
Ông Nguyễn Thành Nam – Founder của Funix nói thêm: “Bài toán của mình giải không ra thì nói gì đến bài toán thế giới!”, nhưng TGĐ VinBrain – ông Trương Quốc Hùng thì tự tin Việt Nam vẫn có thể giải quyết được những bài toán lớn.
Theo ông Trương Quốc Hùng – 25 năm là kỹ sư và lãnh đạo chiến lược sáng tạo sản phẩm của Microsoft thì: Tương lai thì mình không thể biết được, vì thế hôm nay phải có những giấc mơ to lớn. Với giấc mơ làm ra một sản phẩm mới, cần phải “biết, hiểu và cảm”.
Trong môi trường đào tạo đại học, ông Hùng cho rằng các bạn sinh viên cần tự học để biết, thầy cô dạy để hiểu sâu hơn, còn cảm là làm ra sản phẩm, không chỉ trong Việt Nam mà phải có tính toàn cầu. Phải làm ra sản phẩm sao cho có thể tận dụng và sử dụng lại. Khi giải quyết bài toán để đưa ra sản phẩm, đưa ra công nghệ mới thì phải nhìn xa.
Ông Hùng chia sẻ thêm: “30% những kinh nghiệm của tôi là từ startup. Trước khi làm cho Microsoft tôi đã từng làm cho một công ty phần cứng. Nên trải nghiệm mà tôi muốn chia sẻ là, thứ nhất, khi làm startup, cần phải có hướng đi và tầm nhìn. Mục tiêu đặt ra phải có sự đo lường và cần mang được tính ứng dụng đến người dùng, phải tìm ra cơ hội một cách toàn diện chặt chẽ: mình có bao nhiêu người dùng, mục đích của họ là gì và chất lượng dịch vụ mình có thể mang lại là thế nào.
Thật ra các bạn trẻ mới ra trường có rất nhiều ước mơ, nhưng cái quan trọng là làm sao để thực hiện ý tưởng đó thì nhiều bạn lại chưa nghĩ tới. Các bạn trẻ không thể chỉ dựa vào đam mê và niềm tin, dù điều đó rất quan trọng, mà còn cần phải nghiên cứu rất kỹ thị trường, thông tin từ các tập đoàn lớn”.
Ngược lại, ông Nguyễn Thành Nam – Founder của Funix, cựu CEO FPT nhấn mạnh, các startup cần phải xác định xem vấn đề mà mình gặp phải là gì trước: “Các vấn đề các bạn gặp phải, thật ra là tự các bạn nghĩ ra là chính. Chứ các bạn bỏ rất ít thời gian để quan sát xem thực tế liệu có vấn đề hay không. Khi mà bạn đã sai ở đó thì tất cả các nỗ lực phía sau sẽ rất mất thì giờ. Cái mà chúng ta đang yếu nhất trong Make in Vietnam là chúng ta không biết chúng ta có vấn đề gì. Những câu chung chung như chúng ta có vấn đề về đô thị, về giao thông, nhưng vấn đề thật sự là gì?”.
Ông Nam phân tích, mọi hành động chúng ta bắt đầu từ mong muốn cá nhân, bài toán đơn giản nhất là bài toán đói nghèo của bản thân: “Bài toán của mình giải không ra thì nói gì đến bài toán thế giới! Rất nhiều bạn không dám nói ra những thứ mà chúng ta nghĩ là nhỏ bé, thực ra tôi không thấy đó là tầm thường. Đừng đặt mục tiêu quá vĩ đại! Nhà nước và kể cả các doanh nghiệp đã hỗ trợ không hề ít về nguồn lực tổng thể cũng như hướng dẫn cho các bạn, nhưng các bạn lại không biết vấn đề của mình là gì. Các bạn vẫn chưa tìm ra mình trước khi muốn thay đổi thế giới. Có những người không học hành gì mấy như đã tìm ra lời giải rất sáng tạo cho những vấn đề của riêng họ”.
Ông Trương Quốc Hùng nói: “Nhiều khi các bạn mới ra trường có quyết tâm và ý chí nhưng cũng phải đến 25, 26 tuổi mới làm ra được sản phẩm mình muốn làm. Cái các bạn thiếu là trải nghiệm, khi trải nghiệm học hỏi thì sẽ rút ngắn được sự phát triển. Những khó khăn các bạn phải coi đó là cơ hội, để thay đổi. Ví dụ như làm AI cho đội ngũ bác sỹ, bởi vì bài toán đó là chưa ai trên thế giới giải được. 4,7 tỷ người trên thế giới chưa có bác sỹ khám chữa bệnh, 10% người bệnh chết vì chẩn đoán sai. Đó là cơ hội chúng ta nhìn thấy rất rõ, Việt Nam vẫn có thể làm những bài toán như vậy.
Vì người Việt Nam cũng không khác nhiều so với người nước ngoài về mặt sinh học, giải quyết được Việt Nam cũng có thể giải quyết được vấn đề ở nước ngoài. Thứ hai, dân số Việt Nam không phải nhỏ, gần 100 triệu người, dữ liệu y tế là có thể khai thác được. Thứ ba là Việt Nam cũng có rất nhiều tài năng ra nước ngoài, để kết hợp với người tài trong nước có tinh thần tự học cần có các tập đoàn lớn hỗ trợ.
Tôi hi vọng mình đã có quyết tâm thì phải có mục đích và mục đích phải đo được. Mình chỉ cần làm cho thế giới tốt hơn một chút thôi cũng là một điều hay rồi. Đặt ra bài toán thì cần phải biết có thực hiện được hay không. Có 3 tiêu chí rất quan trọng: mục đích rõ ràng, thực hiện khả thi và làm sao đo lường sự thành công đó. Bài toán lớn hay nhỏ cũng phải có cách đo lường và quyết tâm, nghị lực, tầm nhìn thì mới giải quyết được. Không có bài toán hay hay dở mà chỉ là mình quyết tâm giải quyết như thế nào”.
Thái Trang – Theo Trí thức trẻ