Đều là cựu sinh viên Trường ĐH FPT, cùng chọn cách lập nghiệp ở nước ngoài nhưng mỗi gia đình 9X này lại có trải nghiệm thú vị khác biệt về cách cách sống, hành trình phát triển bản thân và những dự định tương lai.
Những “gia đình ĐH FPT” ở nước ngoài
Minh Trang và Mạnh Cầm cùng là sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH FPT. Sau khi tốt nghiệp ra trường, làm việc chung tại một công ty, hai cựu sinh viên Trường ĐH FPT tình cờ quen biết. “Mình sang Nhật theo chương trình Kỹ sư cầu nối của công ty vào tháng 7/2017 thì tháng 1/2018, chồng mình – khi đó đang là người yêu quyết định sang cùng”, Trang kể.
Trang và Cầm hiện đang làm việc trong lĩnh vực phần mềm. Cả hai đã có một em bé đáng yêu với cuộc sống gia đình nhiều trải nghiệm mới ở Nhật Bản. Trang chia sẻ: “Vợ chồng mình không đặt mục tiêu ‘màu hồng’ khi bắt đầu cuộc sống tại Nhật nên nhìn chung mọi việc vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch”. Để cân bằng giữa cuộc sống, công việc, hoà nhập với văn hoá nước bạn, Trang và chồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều việc.
Tiến Mạnh là cựu sinh viên khoá 7. Tốt nghiệp, Mạnh sớm tìm được cơ hội việc làm tại Singapore. “Sang đây mình mới quen bạn gái – nay là vợ. Tình cờ cô ấy cũng là cựu sinh viên Trường ĐH FPT. Chúng mình quyết tâm xây dựng sự nghiệp, gia đình ở Singapore vì cảm nhận được sự phù hợp về cách sống, có cơ hội việc làm tốt và môi trường học tập cho con cái học hành sau này”, Tiến Mạnh nói.
Khi vừa có con đầu lòng, gia đình nhỏ của Tiến Mạnh phải đối diện với thử thách lớn. “Đó là giai đoạn giãn cách do Covid-19. Mình vừa làm việc online vừa hỗ trợ vợ chăm con mới sinh, tự lo lắng cuộc sống gia đình. Nội ngoại hai bên ở Việt Nam không có cách nào hỗ trợ được. Đó là quãng thời gian vất vả nhưng cực kỳ đáng nhớ”, Mạnh nói.
Học môi trường trải nghiệm, dễ sống ở toàn cầu
Với những gia đình cựu sinh viên Trường ĐH FPT, tự lập ở nước ngoài bao giờ cũng có những khó khăn, nhất định nhưng nhìn chung việc học tập ở một môi trường đại học giàu trải nghiệm giúp họ có nền tảng để thích ứng.
Quãng thời gian học tập tại Trường ĐH FPT, được học tiếng Nhật, tiếp xúc với văn hoá đất nước này qua các chương trình, sự kiện, hoạt động CLB sinh viên hay là làm việc trong chương trình Kỹ sư cầu nối Nhật Bản sau khi tốt nghiệp đã cho Trang những hiểu biết, kỹ năng nền tảng để thích nghi với cuộc sống gia đình tự lập ở Nhật. “Văn hoá Nhật Bản có những nét đặc trưng và khác biệt với văn hoá Việt Nam, them vào đó vì là đất nước công nghiệp phát triển nên họ sống kỷ luật hơn, cũng có nhiều áp lực hơn. Tuy nhiên, nhờ quá trình tự lập, tự trải nghiệm khi còn là sinh viên Trường ĐH FPT mình cũng có những kỹ năng nhất định để tìm cách thích nghi nhanh với cuộc sống ở nước ngoài”, Trang chia sẻ.
Còn với Tiến Mạnh, việc được trang bị những kiến thức chuyên ngành tại Trường ĐH FPT đã giúp anh có nền tảng để nắm bắt cơ hội việc làm ở nước ngoài ngay sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, môi trường đại học giàu trải nghiệm cũng khiến Mạnh có nhìn nhận thực tế và tâm lý sẵn sàng giải quyết mọi khó khăn khi bắt đầu cuộc sống gia đình mới ở một đất nước mới.
Với chương trình đào tạo bài bản cả ngoại ngữ, chuyên môn và trải nghiệm toàn cầu cùng lợi thế của tập đoàn có trụ sở tại nhiều nước trên toàn cầu, Trường ĐH FPT đã thành công trong việc đào tạo ra những sinh viên có khả năng sinh sống và làm việc toàn cầu.
Không chỉ có gia đình của Trang hay Mạnh, rất nhiều cựu sinh viên Trường ĐH FPT hiện đang làm việc tại các quốc gia trên thế giới đã tạo nên những hội cựu sinh viên đông đảo với nhiều gia đình nhỏ có cả hai vợ chồng là cựu sinh viên của Trường. “Ở Nhật Bản, chúng mình có hội cựu sinh viên Trường ĐH FPT, thỉnh thoảng giao lưu với nhau rất vui. Ngay tại khu nhà mình đang sống cũng có “xóm” gồm toàn các gia đình cựu sinh viên Trường ĐH FPT. Chúng mình hay trò chuyện, hỗ trợ nhau trong cuộc sống thường ngày”, Trang vui vẻ kể.
Ánh Dương–Tổ Quốc