Động thái nhằm giúp TikTok đẩy mạnh cạnh tranh với các nền tảng mua sắm nổi tiếng là Shein và Temu.
TikTok đang ra mắt dịch vụ thương mại điện tử ở Mỹ nhằm bán các loại hàng hóa ‘Made in China’ cho người tiêu dùng, qua đó đẩy mạnh cạnh tranh với các nền tảng mua sắm nổi tiếng là Shein và Temu.
Tương tự chiến dịch “Sold by Amazon” của Amazon.com, TikTok sẽ giữ và vận chuyển các mặt hàng — bao gồm quần áo, đồ điện tử và đồ dùng nhà bếp — thay mặt các nhà sản xuất và thương nhân Trung Quốc. TikTok cũng sẽ là bên quản lý hoạt động marketing, mua bán, logistics và hậu mãi.
Động thái trên đánh dấu chiến lược mở rộng thương mại điện tử của TikTok – ứng dụng vốn đã phải vật lộn để phát triển nền tảng dành cho người bán bên thứ ba ở Mỹ. Căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung là một trong những nguyên nhân khiến kế hoạch chưa được hiện thực hóa.
Theo WSJ, TikTok hiện đang xây dựng một thị trường tương tự như Amazon, đồng thời tích hợp nhiều kênh khác nhau để người dùng có thể xem và mua hàng trên một trang duy nhất. Bước đột phá mới nhằm mục đích mở rộng hệ sinh thái người bán, qua đó giúp TikTok kiếm thêm tiền từ ứng dụng video phổ biến và đa dạng doanh số bán quảng cáo.
Động thái này diễn ra sau sự trỗi dậy của PĐ Holding, Temu và hãng bán lẻ thời trang nhanh Shein. TikTok hiện đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần tổng giá trị hàng hóa lên 20 tỷ USD trong năm nay từ mức dưới 5 tỷ USD hồi năm ngoái.
Được biết, Temu, AliExpress và Shopee (thuộc sở hữu của Sea có trụ sở tại Singapore) đều đã triển khai các chương trình tương tự trên khắp thế giới kể từ năm ngoái nhằm tận dụng vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc. “Bối cảnh thương mại điện tử năm nay chỉ đơn giản là tất cả các nền tảng đều đang cùng áp dụng mô hình mới”, đại diện TikTok cho biết. “Lợi thế của TikTok so với các nền tảng ngang hàng là chúng tôi có 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu”.
Chia sẻ với WSJ, giám đốc điều hành TikTok cho biết họ đã giao nhiệm vụ cho nhóm thương mại điện tử vào tháng 3 nhằm phân tích mô hình kinh doanh của đối thủ. Ứng dụng cũng tìm cách tăng cường kiểm soát đối với hàng hóa và dịch vụ được cung cấp trên nền tảng sau một loạt các khiếu nại về hàng giả và lừa đảo.
Theo cái gọi là “mô hình dịch vụ đầy đủ”, TikTok sẽ chỉ chi tiền cho các nhà cung cấp Trung Quốc nếu tìm được người mua ở Mỹ. Những mặt hàng không được ưa chuộng rộng rãi sẽ bị trả lại để tránh tình trạng tồn kho.
Theo các chuyên gia, ngoài áp lực liên quan đến căng thẳng địa chính trị, TikTok đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chuyên môn và tư duy kinh doanh. Ứng dụng sẽ cần đầu tư mạnh vào kho bãi, quản lý chuỗi cung ứng và dịch vụ hậu mãi.
Để thu hút các nhà sản xuất, TikTok tổ chức hàng chục buổi roadshow kể từ tháng 5 trên cả tài khoản mạng xã hội WeChat và livestream trực tiếp. Hãng cũng nới lỏng các yêu cầu đầu vào và trợ thuế cho các nhà cung cấp.
Sau khi tham dự một buổi roadshow vào tháng này, Xie Shufa, chủ một nhà máy sản xuất đồ trang trí nhà cửa, đã đăng ký tham gia chương trình. Chia sẻ với WSJ, người đàn ông này cho biết sẽ cân nhắc giảm giá dựa vào các thuật toán của TikTok để thu hút nhiều khách hàng hơn. “Đây là thử nghiệm cho cả TikTok và các nhà máy. Hãy cùng xem ứng dụng này có hoạt động tốt hay không”, Xie Shufa nói.
Theo: WSJ-Vũ Anh-Theo Nhịp sống thị trường