Chu Dịch viết: “Địa thế khôn, người quân tử lấy đức dày mà chở muôn vật”. Đức hạnh của một người giống như mặt đất vậy. Nếu đất không dày thì không thể nâng đỡ vạn vật trên đời, làm người nếu không có đức thì không được lòng người che chở.
Như có câu: “Đức giả tài chi chủ, tài giả đức chi nô”, tạm hiểu là: Đạo đức là chủ của tài năng, và tài năng là cấp dưới của đạo đức.
Trong đối nhân xử thế, đức hạnh luôn được ưu tiên, người có đức được mọi người yêu quý, người không có đức đều bị mọi người chán ghét.
Đức hạnh không chỉ ẩn chứa sự tu dưỡng của một người, mà còn thể hiện phúc khí của người đó.
Thắng nhỏ nhờ trí, thắng lớn nhờ đức
Trong “Thế Thuyết Tân Ngữ” có giảng: “Thắng nhỏ nhờ trí, thắng lớn nhờ đức”.
Một đời này của con người ta, dựa vào chút khôn vặt có thể đạt được thắng lợi nhất thời, nhưng để gặt hái được thành công thật sự còn phải nhờ vào đức hạnh nữa.
Nếu một người đánh mất phẩm hạnh, bại hoại đạo đức, thì dù người đó có bao nhiêu của cải và danh vọng, cuối cùng cái được chẳng bù cho cái mất.
Trước đây, có một người đàn ông giàu có, trước khi chết ông chia tài sản của mình cho hai người con trai của mình. Cậu con trai lớn bẩm sinh đã thông minh lanh lợi, anh quyết định dùng số tiền này mở tiệm gạo, việc làm ăn rất phát đạt. Người con trai út thật thà chất phác, với tay nghề khéo léo của mình, anh đã mở được quán bún phở, thực khách ra vào không ngớt.
Nhưng trời có giông bão không đoán trước. Một năm nọ, cả vùng xảy ra nạn đói, việc làm ăn của hai cửa hàng bỗng chốc trở nên ế ẩm. Người anh nảy ra sáng kiến, tung tin thiếu lương thực, đẩy giá gạo lên cao, nhờ vậy anh đã kiếm được rất nhiều tiền. Còn người em thì chuyển sang mở quán cháo từ thiện, hàng ngày phát cháo cứu trợ người dân đói khổ trong vùng.
Sau nạn đói, danh tiếng của người anh ngày càng xấu đi, mọi người đồng lòng tẩy chay không mua gạo của anh nữa, không lâu sau cửa hàng gạo buộc phải đóng cửa. Còn người em nhờ tích được duyên lành, tiếng thơm vang xa, được người dân trong vùng yêu quý, vậy nên việc làm ăn ngày càng phát đạt.
Sách Thái Căn Đàm có nói: “Bí quyết tích đại phúc chỉ ở một niệm thiện lành”.
Một người biết giữ thiện ý trong tâm, trao tặng thiện lương, làm nhiều việc thiện, chính là đang tích lũy phúc báo và may mắn cho bản thân mình.
Nhìn chung trong cuộc sống, có nhiều người tối mắt vì lợi, bất chấp thủ đoạn chỉ vì cái lợi trước mắt, cuối cùng lại chẳng được gì. Trong khi đó, một số người nhờ vào đức hạnh sâu dày đã không ngừng tích lũy phúc khí cho bản thân.
Chúng ta nên biết rằng, người sống ở đời, dựa vào chút khôn vặt có thể đạt được cái lợi nhất thời, trong khi đạo đức tốt mới là tấm bảng vàng để lập thân ở đời.
Tích đức, tu thiện ắt có phúc báo
Trong cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói: “Mệnh tự mình tạo, phúc tự mình cầu”.
Phúc khí của một người không phải ông trời định trước, mà là do bản thân không ngừng tích lũy đức hạnh, nỗ lực tu xuất lai được. Người càng có đức hạnh, sẽ càng có phúc.
Vào thời nhà Minh, có một thư sinh tên là Trương Úy Nham, là người có học vấn uyên bác và nổi tiếng trong giới nho sinh. Một lần đi thi hương, khi biết mình không có tên trong danh sách yết bảng, Trương Úy Nham liền tức giận mắng quan giám khảo không có mắt, không biết phân biệt nhân tài.
Lúc này, một người qua đường, mỉm cười với ông. Trương Úy Nham nhìn thấy rất tức giận, lập tức trút giận lên người này. Ai ngờ, người này không tức cũng không giận, nói rằng: “Văn chương hay, quan trọng là nằm ở tâm bình khí hoà. Công tử nóng giận như vậy thì làm sao viết được bài văn hay? Ngoài ra, có được công danh hay không hoàn toàn nằm ở trong số mệnh, trong mệnh không có phúc, thì văn chương dẫu hay đến mấy cũng có ích gì?”.
Trương Úy Nham vội vàng hỏi: “Tiểu sinh phải làm sao để thay đổi vận mệnh đây?”. Người kia nói: “Tạo mệnh do Trời, lập mệnh ở ta; nỗ lực hành thiện, tích nhiều âm đức, lo gì không cầu được phúc?”.
Trương Uý Nham nghe xong liền tỉnh ngộ, từ đó trong tâm luôn giữ thiện tâm, giữ mình khiêm tốn, hành thiện tích đức, sau ba năm cuối cùng cũng đỗ đạt công danh.
Trong “Thái Căn Đàm” viết: “Thiên bạc ngã dĩ phúc, ngô hậu ngô đức dĩ nhạ chi”, tạm hiểu là: Nếu ông trời cho ta phúc khí mỏng manh, thì hãy cố gắng thay đổi nó, kiên nhẫn tu dưỡng phẩm đức, chủ động chào đón phúc khí đến bên ta.
Không ngừng tích đức hành thiện chính là gieo trồng phúc báo cho bản thân, vì người đức hạnh sâu dày, lòng giữ thiện niệm, đối tốt với người, thì phúc khí sẽ tự nhiên tìm đến.
Người xưa đã từng nói: “Để lại đạo đức cho con cháu, con cháu hưng thịnh hơn mười đời; để lại giàu sang cho con cháu, con cháu giàu sang không quá ba đời”. Người tài đức không chỉ có thể thay đổi vận mệnh của mình, mà còn có thể tạo phúc cho con cháu đời sau.
Người có đức ắt có phúc, đức dày mới có thể chở muôn vật
Như có câu: “Người có đức, ắt có phúc; người không có đức, ắt có tai họa”.
Người có đức, đối tốt với người, đến đâu cũng được hoan nghênh. Người không có đức, không chú ý tu thân dưỡng tính, dù đi đến đâu cũng bị coi thường.
Tương truyền rằng, vào những năm Vĩnh Lạc triều Minh, có một thầy bói, nhờ chút hiểu biết về toán số Chu Dịch, thường làm đủ mọi điều ác.
Một ngày nọ, ông ta phát hiện ra một mảnh bảo địa phong thủy, nơi đây phong thủy cực tốt, nếu sau khi chết có thể an táng ở đây thì con cháu đời sau hưởng phúc muôn đời. Dù đã bói ra đức hạnh của mình không xứng với phong thủy của mảnh đất này, nhưng ông vẫn nhất quyết muốn con cháu chôn cất mình tại đây.
Nhiều năm sau, con cháu của thầy bói phát hiện ra rằng, bảo địa phong thủy nơi này đã hoàn toàn thay đổi, một vùng bảo địa không chỉ biến thành sát địa, hơn nữa dù có thay đổi thế nào cũng không trở lại phong thủy ban đầu được. Bất đắc dĩ người nhà đành đào ngôi mộ của ông lên và chuyển đi nơi khác.
Như có câu: “Đất có phúc thì người có phúc ở, người có phúc thì ở nơi đất có phúc”. Người có phúc dù có ở nơi đâu thì nơi đó cũng đều là bảo địa phong thuỷ, người vô phúc dù sống ở bảo địa phong thủy thì cuối cùng cũng sẽ không được hưởng phúc lộc nào.
Suy cho cùng, phúc khí của một người cũng không thể xa rời đức hạnh.
Có thể thấy, tự thân mỗi người chính là một thể năng lượng, phúc báo chính là năng lượng, đức hạnh sâu dày chính là tích lũy năng lượng cho bản thân mình.
Có câu rằng: “Mệnh trời vô thường, nhưng thường ở bên người có đức”. Trên đời vạn vật biến hóa khôn lường, chỉ có đức dày mới có thể dung chứa vạn vật, cũng chỉ có người có đức hạnh sâu dày mới có thể thực sự đi đến cuối cùng!
Người xưa nói: “Lòng giữ thiện niệm, không đẹp thì cũng xinh, không giàu thì cũng sang”. Người sống ở đời, có thể không có dung mạo xinh đẹp, có thể không có lắm tiền nhiều bạc, nhưng tuyệt đối không thể không có phẩm hạnh.
Sinh mệnh vốn là một trường tu hành, chúng ta cần tu ra một tấm lòng thiện lương, thực hành đức tính tốt trong suốt một đời, sưởi ấm người khác bằng tấm lòng nhân hậu, và dùng đức hạnh giúp đỡ người khác.
Bởi người luôn giữ thiện niệm trong tâm, ắt sẽ được mọi người che chở. Người mà sống có đạo đức thì nhất định được nhiều ân phúc.
Theo Aboluowang-Vũ Dương biên dịch