Loài cây đặc hữu của Việt Nam không chỉ “gây sốt” bởi mùi thơm đặc biệt, mà còn được xem là “báu vật của rừng” với giá từ vài trăm triệu cho tới cả tỷ đồng.
Trung Quốc ráo riết săn lùng gù hương
Theo ghi nhận của báo Pháp Luật Việt Nam năm 2017, Trung Quốc có một giai đoạn lùng sục rất mạnh gỗ gù hương để mua, bất chấp giá cao. Thời điểm đó, một sập gỗ gù hương có giá dao động trên dưới 100 triệu đồng.
Đây vốn là loài cây gỗ đặc biệt quý hiếm ở Việt Nam. Khi tìm hiểu về các loài thực vật trong chi Quế (Cinnamomum) ở Việt Nam năm 1913, M.H.Lecomte – nhà nghiên cứu thực vật người Pháp đã công bố về loài gù hương. Theo Lecomte, đây là loài đặc hữu của Việt Nam và thế giới chưa biết đến loại cây này.
Ông Lecomte mô tả gù hương (Tên khoa học: Cinnamomum balansae) là loài cây gỗ lớn cao tới 50m, mọc ở núi đất và núi đá. Trong thân và lá có tinh dầu với thành phần chính là long não. Hạt chứa dầu béo, gỗ tốt, không bị mối mọt, có mùi long não nên được ưa chuộng để đóng các đồ đạc trong nhà như tủ, bàn ghế.
Tại Việt Nam, gù hương phân bố rải rác ở khu vực đồi, núi thấp của các tỉnh phía bắc. Hiện nay, gù hương đang nằm trong danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm IIA) theo Nghị định 31/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ.
Tinh dầu gù hương đắt hơn vàng
Tinh dầu gù hương được đánh giá là loại tinh dầu cực kỳ tốt, chất lượng không thua kém so với tinh dầu của cây long não. Cách đây vài chục năm, phong trào nấu tinh dầu gù hương tại tỉnh Yên Bái rất thịnh.
Tinh dầu gù hương được sử dụng rộng rãi trong công nghệ hóa mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm, đồng thời được dùng làm thuốc xoa bóp, chữa thấp khớp, đau nhức.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những lọ tinh dầu gù hương đã được người dân gửi cho bộ đội để chữa đau nhức xương. Thành phẩm này còn được bán ra nước ngoài làm thuốc chữa bệnh. Cách đây trên 10 năm, tinh dầu gù hương được bán tại lò chưng cất với giá 1 triệu đồng/lít, tương đương với 2 chỉ vàng ở thời điểm đó.
Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, thị trường tiêu thụ tinh dầu gù hương mạnh nhất là Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, Trung Quốc mua tinh dầu gù hương về làm thuốc chữa bệnh, nhưng có người lại nói họ mua về để làm hương hiệu.
Về sau, do nghề nấu tinh dầu gù hương phát triển quá mạnh nên loài gỗ quý này đã bị khai thác cạn kiệt, gần như vắng bóng trên nhiều “thánh địa” gù hương.
Báu vật tiền tỷ
Trong khi tinh dầu gù hương đắt hơn vàng thì gỗ gù hương được xem như “báu vật của rừng”, có giá từ vài trăm triệu cho tới cả tỷ đồng. Trên các website bán đồ gỗ trực tuyến, bộ bàn ghế gỗ gù hương trị giá cả trăm triệu đồng.
Đáng nói, đối với dân chơi gỗ lũa thì lũa gù hương có giá trị rất lớn. Năm 2009, theo ghi nhận của VTC News, ông Nguyễn Công Đức ở xã Sơn Lâm (Lương Sơn, Hòa Bình) là người sở hữu bộ lũa gù hương lớn nhất, độc nhất, quý nhất Việt Nam. Ông Đức kể, có những đại gia Việt sẵn lòng trả ông tới 1,8 tỷ đồng nhưng ông không bán.
Thậm chí, một người Mỹ đã tìm đến trang trại của ông rồi trả giá 130.000 USD (tương đương khoảng 2,2 tỷ đồng, theo mệnh giá thời điểm đó) nhưng ông Đức cho biết, có trả giá cao gấp 10 lần như thế ông cũng không bán.
Theo lời giới sành gỗ lũa, bộ lũa của ông Đức đẹp “có một không hai”, hội tụ mọi giá trị, thẩm mỹ, không thể kiếm ra bộ thứ hai ở Việt Nam.
Năm 2014, theo VietnamNet, bộ gỗ lũa gù hương nghìn năm tuổi do anh Nguyễn Xuân Bình (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình) mang về từ Tây Nguyên cũng khiến người xem chỉ biết trầm trồ. Giới sành gỗ lũa cho biết, gốc cây càng có tuổi và đẹp nguyên vẹn thì giá trị càng cao.
Chỉ còn vài cá thể sống sót ngoài tự nhiên
Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng gù hương ngày càng quý hiếm. Kết quả từ “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây gù hương” do Trung tâm Khoa học Lâm Nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ tiến hành trong 60 tháng (từ tháng 7/2010 – tháng 7/2015) nhằm điều tra, đánh giá tình hình phát triển, cũng như sự nguy cấp của cây gù hương trên địa bàn 3 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Ninh Bình cho thấy:
Có tổng cộng 53 cây gù hương được phân bố tại địa bàn 4 tỉnh: Phú Thọ (29 cây), Yên Bái (6 cây), Tuyên Quang (16 cây), Ninh Bình (2 cây).
Đáng nói, các gây gù hương được điều tra chủ yếu là trong vườn các hộ gia đình (45/53 cây), còn ở ngoài tự nhiên số lượng còn rất ít (8/53 cây), trong đó chủ yếu nằm trong hai khu vực cấm khai thác là Khu di tích lịch sử Đền Hùng và vườn quốc gia Cúc Phương.
Khả năng tái sinh tự nhiên của gù hương rất kém. Trong 53 cây đã điều tra thì có 15 cây có tái sinh tự nhiên. Toàn bộ cây tái sinh đều có nguồn gốc từ hạt, mọc xung quanh gốc cây mẹ, sinh trưởng khá tốt, tỷ lệ cây sinh trưởng xấu ít, chủ yếu là những cây mọc quá gần gốc mẹ.
Trước đó, theo “Điều tra đánh giá tình trạng bảo tồn các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc danh mục nghị định 32/2006/NĐ-CP” của Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp Viện Điều tra Quy hoạch Rừng tháng 12/2010, số lượng quần thể và cá thể gù hương trong tự nhiên được ghi nhận như sau:
Vườn Quốc gia Ba Vì: 5 cá thể; Vườn Quốc gia Thần Sa: 100-200 cá thể (chỉ toàn cây tái sinh); Khu bảo tồn Hang Kia-Pà Cò: 2-3 cá thể/50ha (chỉ còn cây tái sinh chồi).
Hiện nay, chính quyền các tỉnh đang đẩy mạnh bảo tồn cây gù hương. Tháng 4 năm ngoái, cổng thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã đăng thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cây gù hương trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, theo báo Sơn La, bản Ít, xã Nặm Păm (tỉnh Sơn La) đang thực hiện trồng thí điểm 10ha cây gù hương xen trong diện tích cây sơn trà. Ghi nhận ban đầu cho thấy toàn bộ diện tích đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo Phụ nữ số