Người hiện đại thông thường coi hiện tượng sấm sét và mưa là tình trạng thời tiết tự nhiên, nhưng ở Trung Quốc cổ đại, có rất nhiều đạo sĩ, dị nhân có thể dùng pháp thuật siêu phàm để chiêu sấm cầu mưa.
Mãi đến thời nhà Minh, trong các tư liệu lịch sử vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại về việc các đạo sĩ kết tinh đức hành, thành tâm, bí thuật lập đàn tế Trời, khiến Trời giáng mưa dầm, cứu giúp bách tính đang hạn hán.
“Thất vũ đạo nhân” bảy lần cầu mưa
Theo “Lâm Giang phủ chí”, thời Minh sơ tại Giang Tây, huyện Tân Dụ có một vị đạo sĩ tên là Hoàng Minh Học, ngụ ở Diễn Chân Đạo quán. Ông khi còn bé, cầu học không thành, 19 tuổi sống trong một Đạo quán, bái đạo sĩ ở đó là Hoàng Kiến Cực làm sư phụ. Năm ông 40 tuổi, ông gặp một vị dị nhân, người này đã truyền cấp cho ông “Tiên thiên ngũ lôi Pháp”, từ đó về sau ông có thể cầu mưa.
Vào năm Hồng Võ thứ mười chín (năm 1386), trong vùng cả hai mùa xuân hè đều không có một hạt mưa. Đạo trưởng Giang Hồ Thiên tiến cử Hoàng Minh Học với huyện lệnh, vì vậy huyện lệnh gửi một phong thư thỉnh ông thiết đàn cầu mưa. Hoàng Minh Học cầu nguyện với Trời, bầu trời lập tức sấm vang chớp giật, mưa rơi liên tục trong ba ngày.
Đến năm Hồng Võ thứ hai (1387) và năm thứ ba (1388), hạn hán vẫn còn nghiêm trọng, nhưng chỉ cần mời Hoàng Minh Học đến cầu mưa, đương địa lập tức trời giáng mưa. Để biểu dương công đức của ông, huyện lệnh muốn tặng ông một ít vải bố. Nhưng Hoàng Minh Học đã nghiêm khắc cự tuyệt, ông nói: “Không phải là vì tôi có Đạo thuật, mà là bắt nguồn từ lòng thương tiếc của Thượng Thiên đối với tất cả chúng sinh”.
Hai năm sau, huyện Tân Dụ lại trải qua ba đợt hạn hán nghiêm trọng, may mắn nhờ có Hoàng Minh Học cầu mưa, thu hoạch của bách tính không tệ, năm nào cũng không đói. Lại tám năm sau, trong huyện xảy ra đại hạn, theo thỉnh cầu của các trưởng lão trong tộc, Hoàng Minh Học được quan huyện tìm đến cầu mưa. Đạo thuật của ông vẫn linh nghiệm như trước, mưa sẽ rơi ngay khi ông làm phép.
Quan huyện hỏi mọi người, Hoàng Minh Học đã gọi mưa bao nhiêu lần. Mọi người đáp: “Từ năm Hồng Vũ thứ mười chín đến nay, trong huyện đã trải qua bảy đợt đại hạn, đều là nhờ Hoàng Minh Học đến cầu mưa”. Nghe xong lời này, quan huyện không khỏi cảm khái: “Nếu trời giáng mưa một hoặc hai lần, có lẽ chỉ là may mắn, nhưng ông ấy đã làm cho trời mưa bảy lần liên tiếp, đó không phải là điều mà một đạo sĩ bình thường có thể làm được!” Kể từ đó, Hoàng Minh Học trở thành “Thất vũ Đạo nhân” nổi tiếng xa gần.
Vào năm Vĩnh Lạc thứ năm (1407), triều đình hạ lệnh biên soạn kinh thư Đạo giáo, và Vương Nhược Khư, đồ tôn của Hoàng Minh Học, đã đến núi Long Hổ để bái phóng truyền nhân của Trương Thiên Sư. Ông sau khi nghe xong chuyện Hoàng Minh Học cầu mưa, liền khắc một ấn chương “Thất vũ Đạo sĩ” tặng cho ông, còn làm thơ tán tụng công đức của ông.
“Thủ Pháp chân nhân” cầu mưa cho hoàng đế
Theo ghi chép từ “Tục văn hiến thông khảo”, “Thủ Pháp chân nhân” tự Hạo Nhiên, là người Gia Định. Khi ông mới sinh ra, cốt tướng đã không giống người bình thường. Sau khi thành Nho sinh, ông liền bắt đầu nghiên cứu “Kinh Dịch”. Một năm nọ, ông mắc bệnh nặng. Lúc này, một đạo sĩ đến thăm ông và nói: “Cậu hãy tu Đạo đi, không chỉ bệnh được chữa khỏi, mà giáo phái của chúng ta cũng sẽ được chấn hưng!” Ông đồng ý, và nhanh chóng khỏi bệnh.
Không lâu sau, ông cùng Tôn chân nhân và Thiệu chân nhân học pháp thuật, tận đắc được chân truyền. Trương chân nhân núi Long Hổ đã tiến cử ông lên triều đình, để ông phụ trách quản lý miếu Đông Nhạc. Dưới sự tiến cử của thượng thư Bộ Lễ, ông được thăng chức làm thần nhạc quán đề điểm, đạo lục ti tả diễn pháp, kiêm nhiệm chủ trì Triêu Thiên Cung. Cuối cùng, trong những năm Thành Hoa, ông được hoàng đế phong tặng danh hiệu “Nguyên chí thủ tĩnh thanh hư cao sĩ”, được ban lệnh hoàng gia, ấn bạc, truy phong cho cha mẹ ông.
“Thủ Pháp chân nhân” tính tình chính trực, nghiêm trang túc mục và đôn hậu. Mặc dù tinh thông Đạo thuật, nhưng ông thường coi trọng việc ước thúc nội tâm, phản tỉnh hành vi của tự thân. Vì ông dụng tâm thuần thiện, mỗi khi thi triển pháp thuật đều rất linh nghiệm. Một năm đại hạn, hoàng đế lệnh cho ông cầu mưa, mưa rất nhanh rơi xuống. Mùa thu năm sau lại gặp đại hạn, ông lại lần nữa thi triển pháp thuật, thỉnh mưa đến.
Vào năm thứ ba, lúc đầu nó không linh nghiệm. Nhưng “Thủ Pháp chân nhân” đã lấy một khối sắt chế tạo thành một phù ấn, bảo cận thần thân tín nhất của hoàng đế ném nó xuống đầm Long Đàm của hồ Tây. Phù ấn vừa rơi xuống, trên bầu trời phía Tây Nam bỗng nổi lên một đám mây đen, nhìn từ xa giống như một đàn chim tụ tập trên bầu trời đầm Long Đàm. Lúc này, trên trời đột nhiên xuất hiện một con rồng xanh dài vài trượng, không ngừng uốn lượn. Cận thần của hoàng đế còn chưa kịp trở lại cung điện, thì mưa bắt đầu đổ xuống.
Hoàng đế rất vui mừng và ban cho ông một dinh thự. Sau đó, hoàng đế gọi ông vào cung và hỏi: “Thiên nhân cảm ứng rốt cuộc là tuân tòng đạo lý gì?” Ông trả lời: “Có thể cảm động thiên địa là nhờ vào đức hành cao thượng; Có thể cảm động thần linh là nhờ vào tâm chí thành; Ngoài những thứ đó ra, thì không có biện pháp nào khác nữa”. Hoàng đế nghe xong rất tín phục, những người có mặt ở đó cũng bội phục.
“Quảng Minh chân nhân” có thể khống chế lượng mưa
Theo “Nhạc An huyện chí”, có một đạo sĩ tên là Trương Tất Trinh ở Long Cương, Giang Tây. Năm Vĩnh Lạc thứ mười ba, trên đường đưa lương thực đến Nam Kinh, ông gặp một cơn mưa rất lớn. Khi trú mưa trong một ngôi miếu Lão Quân, ông phát hiện bức Thần tượng bên trong bị nước mưa làm ướt, nên đã nhanh chóng lấy ô của mình che mưa cho tượng, còn bản thân ông thì đầu trần như vậy mà rời đi trong mưa. Đêm đó, ông mơ thấy một vị tiên đưa cho mình một cuốn sách tiên và một thanh kiếm hộ mệnh. Hôm sau, trên đường đi, ông nhặt được một chiếc rương đá trong đó có chứa hai bảo vật này.
Chẳng bao lâu, Nam Kinh bị hạn hán nghiêm trọng, kéo dài tới ba tháng. Ông tại khu phố thị đã đăng một bảng yết thị, nói với quan phủ rằng mình biết chiêu sấm cầu mưa. Các viên quan huyện sau khi nhìn thấy, bèn mời ông đến đăng đàn làm phép cầu mưa. Ông hướng Trời cầu nguyện, và không bao lâu, bầu trời nổi đầy sấm sét, bắt đầu mưa to. Một lúc sau, lượng mưa vừa đủ nhiều, ông lại hướng Trời cầu nguyện, cơn mưa lớn lập tức tạnh ngay.
Sau đó, hoàng đế nghe nói về sự việc này, đã phong cho ông danh hiệu “Quảng Minh chân nhân”, mời ông vào cung, ban cho ông bốn bức tượng Thần sấm bằng đồng.
Người dân địa phương đều biết, Trương Tất Trinh có kỹ năng Đạo thuật bất phàm, ông không chỉ có thể cầu mưa mà còn có thể dùng nước bùa chữa bệnh. Mỗi lần xuất hiện dịch bệnh, chỉ cần mời ông đến, những người nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe, không có người nào tử vong.
Đạo sĩ Vương Chí Mân có thể quét mây ngừng mưa
Theo ghi chép của “Hòa Châu chí”, vào những năm Vĩnh Lạc triều Minh, Vương Chí Mân (còn được gọi là Vương Giáo Đệ) luôn trụ ở Bảo Đài Đạo quán. Ông có pháp thuật, có thể dùng bùa chú chiêu sấm hô mưa, nhưng không nhiều người biết ông.
Một năm nọ, đương địa xảy ra đại hạn, huyện lệnh mời một đạo sĩ có thể dùng bùa chú cầu mưa từ quận ngoài đến. Khi ông ấy lập đàn làm phép, mây đen nhanh chóng kéo đến. Nhưng sau một lúc, mây đen lại tản đi.
Tình huống này xuất hiện lặp lại bốn lần, ông trầm tư một lát, sau đó nói với mọi người: “Ở phía đông nam cách đây không xa, khẳng định có người đang phá pháp thuật của ta”. Khi ông lại làm phép lần nữa, liền phái người đi hướng đông nam quan sát, kết quả phát hiện ở đó chính là nơi sở tại của Bảo Đài Đạo quán. Người đó bước vào, nhìn thấy Vương Chí Mân đang ngồi trong rừng trúc. Ông vừa ngước nhìn bầu trời, lại vừa dùng cây chổi trong tay xua đi những đám mây đen đang tụ lại trên bầu trời. Bằng cách này, những đám mây dày đặc nhanh chóng tiêu biến.
Thấy vậy, quan huyện đã mời Vương Chí Mân cầu mưa. Quả nhiên, ông vừa đăng đàn làm phép thì cơn mưa to liền trút xuống. Những cánh đồng của cả huyện đều được uống nước mưa.
“Đồng Nguyên chân nhân” cầu tuyết cho hoàng đế
Theo “Giang Tây thông chí”, Phó Đồng Nguyên, danh Lý Đạo, khi sinh ra đã có dị tượng; Hơi lớn lên một chút, ông bắt đầu học tập bí thuật đầu tiên của Đạo gia: “Trường sinh quyết”. Ông quanh năm du ngoạn, đặc biệt thích cư ngụ ở bờ sông bờ hồ. Sau đó, khi trở về gia hương, ông không còn sống cùng gia đình nữa, mà kết lư độc tu trên sườn núi Thiên Thu.
Ông từng gặp một cao nhân ngoài thế giới, đã truyền cấp cho ông một số bí thuật. Sau khi học được, ông đã có thể sử dụng đạo thuật để trị bệnh giúp người, và còn rất giỏi trong việc sử dụng bùa chú để xua đuổi hổ và châu chấu.
Vào năm Thành Hóa thứ mười lăm của triều Minh, kinh thành bị hạn hán, ông được đề cử đến Bắc Kinh để cầu mưa. Khi trời mưa to, hoàng đế vui mừng khôn xiết, muốn phong quan cho ông, nhưng ông chỉ cảm tạ rồi trực ngôn cự tuyệt. Khi quan thượng thư thuyết phục ông lưu lại, ông nói: “Làm sao một người tu Đạo có thể tham vinh hoa phú quý của thế gian?”
Khi đó là tháng sáu, hoàng đế hiếu kỳ tự hỏi liệu ông có thể làm tuyết rơi vào mùa hè hay không. Vì vậy, ông đăng đàn thi pháp, chỉ một lúc sau, tuyết rơi dày cả mét. Lúc này ngoài trời lạnh như mùa đông, các quan đều thỉnh ông ngừng tuyết lại. Rất nhanh sau đó, Mặt Trời lại ló rạng.
Hoàng đế trao cho ông một thanh kiếm vàng và một bản đồ bằng bạc, nói với ông rằng thanh kiếm này có thể trừ quỷ. Trên bản đồ bằng bạc, có bốn chữ “Bỉnh Tâm Đoan Túc”. Sau đó, hoàng đế tiễn ông trở lại núi, ban cho ông danh hiệu “Đồng Nguyên chân nhân”.
Đạo sĩ Diệp Xương Linh có thể làm mưa theo khu vực
Theo “Ôn Châu phủ chí”, Diệp Xương Linh là một đạo sĩ của Ngọc Thanh quán. Ông từ nhỏ đã tư chất thông minh, sau này trong núi gặp một vị lão nhân, người sau này đã truyền cho ông bí thuật “Ngũ lôi pháp” của Đạo gia.
Trong những năm Chính Đức, trong quận gặp đại hạn, có người tiến cử ông với trưởng quận. Khi trưởng quận mời ông đến, ông hỏi: “Ngài có muốn trời chỉ mưa trong thành không?” Quận trưởng trả lời: “Nước mưa là được dùng để tưới ruộng. Tốt hơn là ngài nên để mưa lớn ở ngoại thành!”
Diệp Xương Linh sau khi nghe điều này, dùng bút lông vẽ một vòng tròn trên giấy, chấm bên ngoài vòng tròn bằng những chấm mực giống như những giọt mưa, rồi ném cây bút lên không trung. Lúc này, một khối khí màu trắng phóng lên trời, ngay sau đó sấm sét nổi lên. Trận mưa lớn không sai không lệch, chỉ rơi xuống những cánh đồng ở ngoại thành, trong khi trong thành thì chỉ có mưa lất phất.
Tài liệu tham khảo: “Khâm Định cổ kim đồ thư tập thành”
Tác giả: Nhan Văn, Epoch Times-Hương Thảo biên dịch