Đây là loài cây gỗ đặc biệt quý hiếm, từng được thương lái hỏi mua với giá lên tới 40 triệu đồng/cây.
Hoàng đàn là dòng gỗ cực kỳ quý hiếm, được mệnh danh là vua của các dòng gỗ thơm tại Việt Nam. Nó được xếp vào nhóm IA – nhóm thực vật có giá trị đặc biệt về khoa học và môi trường, có giá trị cao về kinh tế, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Còn được biết đến với tên gọi Bách xoắn, Tùng có ngấn, Ngọc am, Bách mộc, gỗ Hoàng đàn từ thời vua chúa đã được sử dụng để chế tác tượng, bài vị, làm đồ thờ tế…, thể hiện rõ sự quyền quý và hoàng tộc.
Hoàng đàn chủ yếu phân bổ ở các dải núi đá vôi cao chót vót thuộc các huyện phía nam của tỉnh Lạng Sơn như Hữu Lũng, Bắc Sơn, trong đó tập trung nhiều nhất ở các bản Lân Cốc, Nà Nọc (xã Hữu Liên, Hữu Lũng).
Theo website cơ sở dữ liệu về thực vật conifers.org, Hoàng đàn trưởng thành cao trung bình từ 15-25m, một số cây có thể cao tới 45m, đường kính thân khoảng 40-60cm (thậm chí lên tới 90cm). Vỏ cây dày, màu nâu xám hoặc nâu, có các dải nứt dọc nhìn như vết gân. Cây được phân thành nhiều nhánh nhỏ, lá có hình vảy nhọn, mọc áp sát vào cành, trong khi hạt hoàng đàn có hình cầu bẹt.
Dựa trên màu sắc, gỗ Hoàng đàn được phân làm 4 loại khác nhau, bao gồm Hoàng đàn tuyết, Hoàng đàn vàng, Hoàng đàn đỏ và Hoàng đàn trắng.
Loài vương mộc quý đắt như vàng
Gỗ Hoàng đàn quý không kém gì trầm hương, bạch đàn, huyết rồng, mang mùi thơm đặc trưng. Vật phẩm nội thất làm từ Hoàng đàn được nhiều người lựa chọn bởi độ bền cao, ít mối mọt và ít cong vênh.
Do tính chất quý hiếm nên giá gỗ Hoàng đàn thường rất đắt đỏ. Thông thường, Hoàng đàn nguyên sinh được bán với giá từ 18-35 triệu đồng/kg, tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ thô, mịn khác nhau của gỗ.
Theo ghi nhận của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2010, có những cây gỗ Hoàng đàn được thương lái hỏi mua với giá 40 triệu đồng/cây, loại cây giống nảy mầm từ hạt có giá 1,5 triệu đồng/cây.
Nếu cây hoàng đàn còn non (đặc biệt từ 10-20 năm tuổi) thì gỗ hoàng đàn lúc này được gọi là gỗ tươi, có giá cao nhất. Bên cạnh đó, thời điểm mua và mức độ khan hiếm cũng là một trong những yếu tố tác động tới mức giá của hoàng đàn trên thị trường.
Ngoài ứng dụng trong việc chế tác đồ nội thất mỹ nghệ hoặc các tác phẩm nghệ thuật, theo Trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu quốc gia, cành, lá, tinh dầu, quả, vỏ cây và rễ cây hoàng đàn còn được ứng dụng để làm thuốc.
Lá và cành Hoàng đàn có vị cay, đắng, hơi chát, tính ôn nên thường được dùng để sinh cơ, chỉ huyết. Hai bộ phận này của cây thường được sắc thành nước đặc bôi bên ngoài để trị bỏng da. Bên cạnh đó, vị thuốc còn có tác dụng điều trị nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy, chữa bệnh trĩ.
Quả Hoàng đàn dùng để điều trị phong hàn, cảm mạo, đau dạ dày, nhức đầu và thổ huyết, trong khi tinh dầu Hoàng đàn có thể được sử dụng làm thuốc xoa bóp điều trị ứ huyết, trật khớp, sưng tấy, phong tê thấp.
Đặc biệt, tinh dầu Hoàng đàn còn được ứng dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm để bào chế xà phong thơm, nước hoa.
Hiếm đến độ cả rừng chỉ còn 7 cây ngoài tự nhiên
Do có giá trị kinh tế cao, Hoàng đàn bị khai thác gần như tận diệt. Đến những năm 90, số lượng Hoàng đàn ở Khu rừng đặc dụng Hữu Liên chỉ còn rải rác trên vách đá cheo leo. Tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm, nhiều người vẫn trèo lên các vách đá dựng đứng để đào rễ Hoàng đàn đem bán.
Năm 2010, theo thống kê của báo điện tử Chính phủ, Hoàng đàn mọc trong tự nhiên được xác định còn 27 cây (trong đó 2 cây có dấu hiệu bị chết). Tổng số cây Hoàng đàn ở tỉnh Lạng Sơn là 82 cây (tính cả cây trồng của 44 hộ gia đình và Ban quản lý Khu rừng đặc dụng Hữu Liên trồng từ năm 1990).
Tuy nhiên, tới năm 2019, theo ghi nhận của báo Lạng Sơn, trên diện tích hơn 8.200 ha của Khu rừng đặc dụng Hữu Liên chỉ còn 7 cây Hoàng đàn mọc trong tự nhiên đang sinh trưởng và phát triển.
Trước tình hình trên, Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã tích cực nghiên cứu gây tạo cây con nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm.
Theo số liệu cập nhật từ cổng thông tin điện tử Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn năm 2021, nhờ sự nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát triển cây Hoàng đàn của Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên và người dân trên địa bàn, đến nay, loài cây quý này đang dần phục hồi về số lượng cá thể.
Từ hơn 80 cây ban đầu (năm 2010), đến nay toàn xã Hữu Liên đã triển khai trồng được gần 700 cây tại khuôn viên Ban Quản lý rừng đặc dụng, tại các trường học và vườn cây của các hộ dân…
Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tiếp tục nuôi trồng thêm hơn 500 cây Hoàng đàn nữa để phát triển loài cây này theo hướng bền vững, lâu dài và hướng đến các giá trị gia tăng từ việc khai thác, tạo sản phẩm phục vụ cho du lịch, y học…
Theo Tùng Chi–phunuso.baophunuthudo