Triết lý ‘nguyên tắc đầu tiên’ đã trở thành một phần không thể thiếu của đế chế kinh doanh Elon Musk.
Linda Yaccarino hiểu mình phải làm gì, hay chí ít, là thuộc lòng bản ghi nhớ đầu tiên với tư cách tân Giám đốc điều hành Twitter tương lai.
Tại đây, bà thấy bản thân đồng điệu với triết lý của Musk: sự chấp nhận tuyệt đối với cái gọi là ‘phương pháp tiếp cận nguyên tắc đầu tiên’. Đây là sự kết hợp giữa lý luận vật lý và triết học nhằm chia nhỏ vấn đề thay vì chỉ đơn giản dựa vào những kinh nghiệm thực tiễn trước đây.
“Chúng ta cần nghĩ lớn. Chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta cần phải làm tất cả cùng nhau”, Yaccarino viết vào thứ Hai, một tuần sau thông báo về vai trò mới tại công ty truyền thông xã hội. “Chúng ta có thể làm tất cả từ những nguyên tắc đầu tiên này — đặt câu hỏi giả định và xây dựng một thứ gì đó mới từ đầu”.
Theo WSJ, phương pháp ‘nguyên tắc đầu tiên’ đã trở thành một phần không thể thiếu của đế chế kinh doanh Elon Musk. Trong suốt sự nghiệp, vị tỷ phú thường xuyên nhắc đến những lý luận này, cho dù đó là tại công ty tên lửa SpaceX, nhà sản xuất ô tô điện Tesla hay thậm chí trong việc giáo dục con cái.
Chẳng hạn, câu chuyện về SpaceX bắt đầu khi Elon Musk phản đối quan điểm tên lửa không thể được tái sử dụng một cách hiệu quả. Ông vạch ra canh bạc triệu USD, chứng minh rằng việc tiến vào không gian là khả thi nếu dựa trên các phép toán cơ bản về cách thức hoạt động tên lửa và chi phí nguyên liệu thô giá rẻ.
Có thể nói SpaceX của Elon Musk đã trải qua hành trình 20 năm đầy nghị lực, từ những nghi ngại chỉ 1% thành công đến công cuộc từng bước chinh phục những cột mốc lịch sử mới. Những hạt giống mà Elon Musk, gã điên hay tên vĩ cuồng tùy người đánh giá gieo cách đây 2 thập kỷ giờ đã thực sự vươn thành cây xanh quả ngọt.
Theo SpaceX, Starship là tên lửa mạnh và độc nhất từ trước đến nay do có thể tái sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí bay vào quỹ đạo sẽ được cắt giảm đáng kể, cụ thể là tiết kiệm được khoảng 10 triệu USD cho mỗi 100 tấn nguyên vật liệu đưa vào vũ trụ. Musk cho rằng điều này là khả thi trong một vài năm tới.
“Chúng tôi sẽ chế tạo rất nhiều tàu và tên lửa đẩy. Giấc mơ trên mặt trăng sẽ sớm được thực hiện thôi”, Elon Musk cho biết.
Trong khi đó, với Tesla, Musk cũng gây dựng nên một nhà máy sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới nhờ niềm tin mãnh liệt rằng chúng có thể được tạo ra với giá thành phải chăng. Lối tư duy như vậy trái ngược hoàn toàn với một quan niệm phổ biến vào thời điểm đó, rằng pin EV quá đắt để có thể biến những ‘giấc mơ xanh’ trở thành hiện thực.
Thực tế, xe điện giá cả phải chăng – thứ Tesla gọi là “nền tảng thế hệ tiếp theo” có thể xoa dịu 2 áp lực mà Tesla đang phải đối mặt. Thứ nhất là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng về một phương tiện năng lượng sạch chi phí thấp. Thứ hai là thuyết phục thành công nhà đầu tư phố Wall để đẩy mạnh sản xuất. Xe điện giá rẻ cũng giúp Tesla trở thành một hiện tượng toàn cầu thực sự, theo BI.
Tuy nhiên, ‘phương pháp tiếp cận nguyên tắc đầu tiên’ đôi khi cũng có nhược điểm. Những người từng làm việc với Musk cho biết chúng có thể dẫn đến nhiều đột phá song đôi khi quá phức tạp.
“Khi bạn muốn làm điều gì đó mới mẻ, hãy áp dụng phương pháp vật lý”, Musk nói, đồng thời cho biết việc soi xét quá khứ có thể dẫn đến nhiều lối mòn. “Chúng tìm ra cách khám phá những thứ mới mẻ, trái ngược hoàn toàn với trực giác, chẳng hạn như cơ học lượng tử”.
Để tạo ra những đột phá, Elon Musk ủng hộ ‘nguyên tắc đầu tiên’. Ông mô tả cách tiếp cận này như sau: “Hãy nghĩ mọi thứ cơ bản và đơn giản nhất, sau đó tìm ra câu trả lời đúng nhất”.
Là một người theo chủ nghĩa ‘nguyên tắc đầu tiên’, bản thân Musk cũng giáo dục các con theo lối tư duy này, thậm chí còn thành lập một ngôi trường có tên Ad Astra vào năm 2014 để phổ cập triết lý. “Đó là nền tảng đối với Elon Musk” Joshua Dahn , đồng sáng lập Ad Astra nói, đồng thời cho biết ngôi trường giáo dục trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 14 tại trụ sở của SpaceX cho đến năm 2020.
‘Nguyên tắc đầu tiên’ chủ yếu hình dung cái nhìn bao quát nhất về thành công, sau đó cởi mở với bất kỳ con đường nào dẫn đến đó. Theo James Clear, tác giả cuốn sách bán chạy nhất về self-help, cho biết “không ai là hiện thân của triết lý này hiệu quả bằng Musk”.
Chẳng hạn, các công ty ô tô từ lâu vẫn tích hợp cảm biến để nhận diện mưa, sau đó tự động bật cần gạt nước. Tuy nhiên, Musk tin rằng camera phía sau cửa sổ phía trước cũng có thể thực hiện chức năng này và giúp công ty không phải thêm một cảm biến bổ sung. Khi triển khai nghiên cứu, các lập trình viên đã gặp rất nhiều thách thức, chẳng hạn như việc phải thiết kế một hệ thống AI có thể phân biệt hạt mưa và đốm bụi.
“Tôi biết mình hay đăng tải những điều kỳ lạ lên mạng xã hội, nhưng đó là cách mà bộ não tôi hoạt động”, Elon Musk chia sẻ. “Đối với bất kỳ ai cảm thấy bị xúc phạm, tôi chỉ muốn nói rằng tôi đã tái định nghĩa ô tô điện và sắp đưa mọi người lên sao Hỏa. Liệu mọi người có nghĩ tôi là một gã bình thường?”.
Một ví dụ khác gần đây là cách Tesla chuyển sang sử dụng một chiếc máy đúc khổng lồ để sản xuất xe thể thao đa dụng Model Y nhằm giảm chi phí và độ phức tạp trong quá trình sản xuất. Musk lấy ý tưởng từ việc sản xuất xe ô tô đồ chơi, song việc áp dụng với kích cỡ thật của một chiếc xe điện không hề đơn giản.
“Bạn có thể chế tạo một chiếc máy đúc lớn như vậy không?”, Musk nhớ lại. “Các nhân viên khi đó kiểu ‘’Chà, chưa ai từng làm như vậy trước đây’.
Theo: WSJ, BI-Vũ Anh-Theo Nhịp sống thị trường