Sở dĩ gọi là “đếm lá ăn tiền” vì lá tía tô xuất Nhật của doanh nghiệp được niêm yết giá theo đơn vị “lá” thay vì kilogram, tấn, tạ,… như thông thường. Mức giá này lên tới 700 VNĐ/lá.
Tại Hội nghị chuyên đề “Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững”, nằm trong Chương trình Hội Nghị xúc tiến đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội hồi tháng 10/2022, bà Ninh Thị Ty – Chủ tịch tập đoàn Hồ Gươm đã có những chia sẻ về mảng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, một hướng đi mới của doanh nghiệp.
Được biết, tập đoàn Hồ Gươm vốn một cái tên lâu đời trong ngành may mặc, tiền thân từ phân xưởng may 2 thuộc xí nghiệp dịch vụ may Konfetimex, thành lập vào năm 1992.
Năm 2001, Hồ Gươm là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sản phẩm vào thị trường Mỹ và được Bộ Thương mại khen thưởng. Hiện nay, may mặc vẫn là mảng sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn với 10 nhà máy trong cả nước.
So với chiều dài hoạt động của tập đoàn, lĩnh vực nông nghiệp chỉ mới bắt đầu triển khai từ năm 2014. Quyết tâm làm nông nghiệp hình thành sau chuyến đi thực tế của Chủ tịch Ninh Thị Ty tại Israel và nhận được những gợi ý cũng như lời khuyên của một vị Giáo sư ở đây.
Bà Ty kể lại: ” Cuộc trò chuyện đang sôi nổi thì vị Giáo sư có hỏi tôi muốn làm gì? Tôi trả lời, tôi muốn làm cái gì khó nhất. Ông bảo, nếu khó nhất thì bà làm nông nghiệp, vì nông nghiệp là ngành khó nhất của khó nhất! “.
Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ về bí quyết “đếm lá ăn tiền” trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2014, tập đoàn Hồ Gươm bước chân vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với tham vọng trồng và xuất khẩu tía tô xanh để ăn sống sang Nhật Bản, một thị trường khắt khe bậc nhất với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hàng đầu thế giới về thực phẩm.
” Để có sản phẩm lá tía tô mà thị trường Nhật chấp nhận được, điều đầu tiên chúng tôi thực hiện là đặt giống của người Nhật “, Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm cho biết.
“T rong quá trình trồng, chăm sóc chúng tôi phải thuê người Nhật tư vấn. Có nghĩa là để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mà trực tiếp ở đây là lá tía tô chúng tôi phải thuê người Nhật “, bà Ninh Thị Ty nhấn mạnh.
Đến năm 2017, truyền thông đồng loạt đưa tin về sự kiện Tập đoàn Hồ Gươm xuất khẩu thành công lá tía tô xanh sang Nhật Bản với mức giá dao động từ 500 – 700 đồng/lá, cao gấp nhiều lần những loại lá tía tô bình thường (có màu tím) trong nước.
Trong hội nghị “Nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững” năm 2022, Chủ tịch tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ: ” Có thể nói, sản phẩm lá tía tô hiện nay là sản phẩm rất nổi tiếng của Tập đoàn Hồ Gươm. Có một bạn doanh nhân nói với tôi, là lá tía tô của Tập đoàn Hồ Gươm kích thước nhỏ hơn tờ 500 đồng, trong khi đó bán từ 500 đến 700 đồng/ lá, lại có hơn 10ha. Việc xuất khẩu lá tía tô của Tập đoàn Hồ Gươm chẳng khác nào việc “đếm lá ăn tiền”, kinh khủng quá!”
Không chỉ thành công “đếm lá ăn tiền” với cây tía tô, những ngày gần đây, tên tuổi của Hồ Gươm lại được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông gắn với những trái vải thiều không hạt cho thu hoạch vụ đầu tiên, có giá bán lẻ từ 250.000 đồng đến 320.000 đồng/kg.
Ngày 16/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa thông tin, 1 tấn vải không hạt được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm trồng thử nghiệm tại huyện miền núi Ngọc Lặc, vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm (thuộc tập đoàn Hồ Gươm) cho biết thêm, vào ngày 14/6, công ty đã hoàn tất các thủ tục xuất khẩu 6 tạ quả vải không hạt sang Nhật Bản và 5 tạ sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không.
Vải xuất khẩu được công ty tuyển chọn kỹ theo các tiêu chí vỏ mỏng, căng mọng, không sâu đầu, ăn thơm, ngọt đậm, đưa vào dây chuyền xông hơi khử trùng, đóng hộp.
Theo thông tin giới thiệu trên website, tập đoàn Hồ Gươm hiện sở hữu 1 trang trại và 3 nông trường với những loại cây trồng khác nhau, đã cho thu hoạch sản phẩm và có đầu ra xuất khẩu.
Trang trại tía tô xanh xuất khẩu Nhật Bản được xây dựng tại tỉnh Bắc Ninh với diện tích 11,4ha, đầu tư hơn 150 tỷ đồng, được trang bị chuyên nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản, triển khai từ giữa năm 2016.
Để gieo trồng giống tía tô Nhật Bản, công ty đã khảo sát địa điểm, nguồn nước, chất đất kỹ lưỡng. Rau tía tô xanh sau hơn 1 tháng gieo trồng trong nhà màng với nhiệt độ từ 33 – 35% bắt đầu cho thu hoạch. 100% công đoạn thu hái được thực hiện trực tiếp bằng tay.
Ông Nguyễn Văn Bình, GĐ điều hành kỹ thuật trang trại tía tô nhấn mạnh quy trình thực hiện từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch đòi hỏi kỹ thuật rất nghiêm ngặt mà “không phân định khâu nào là quan trọng nhất”.
Cụ thể, hạt giống được nhập hoàn toàn từ Nhật Bản, đất được xới bằng tay, quạt thông gió điều hoà không khí, cây được tưới bằng hệ thống phun sương, trong nhà trồng có lắp đèn chiếu sáng… Đặc biệt, mọi công đoạn chăm bón trong trang trại hơn 11 ha này đều thuận theo tự nhiên, hạn chế tối đa sự can thiệp của hoá chất hay máy móc.
Nông trường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa với diện tích gần 1.000 ha trồng cây bơ Hass, loại bơ có hàm lượng tinh dầu & dinh dưỡng cao bắt đầu cho ra trái để chuẩn bị xuất khẩu đi Israel và Châu Âu, cây vải không hạt và cây thanh long ruột đỏ.
Tháng 6 năm nay, những trái vải không hạt được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, do Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp trồng trên diện tích khoảng 30 ha đã cho thu hoạch lứa đầu tiên để xuất bán ra thị trường.
Theo Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm, sản lượng ước tính khoảng 20 tấn, giá bán buôn tại vườn là 170.000 đồng/kg. Như vậy, có thể ước tính giá trị thu về khoảng 3,4 tỷ đồng.
Hiện nay, Hồ Gươm – Sông Âm đã ươm hơn 20.000 cây vải không hạt để ghép giống vải quý dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng trong những năm tới, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Công ty còn có nông trường Hồ Gươm – Hoàng Lan tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có diện tích gần 600 ha với các loại cây ăn quả có nhiều tiềm năng xuất khẩu cao như dứa, bưởi da xanh, cam và nông trường Hồ Gươm – Hà Giang ở huyện Bắc Mê với diện tích hơn 300 ha trồng các loại cây ăn quả như chuối, bưởi ruby, cam và quế.
Ngoài ra, nhận thấy triển vọng của thị trường nông sản, tập đoàn cũng bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tại huyện Định Quán, Đồng Nai hướng tới đưa xuất khẩu nông sản chất lượng cao trở thành một mũi nhọn của tập đoàn.
Trọng Nghĩa-Theo Nhịp sống thị trường