Rượu cần men lá là một loại đặc sản của người Bru Vân Kiều. Khôi phục nghề nấu rượu cần men lá là một ý tưởng khởi nghiệp hay, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Bru Vân Kiều.
Trong chuyến ngược nguồn về xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) lần này, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên – Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn cho biết, đến với bà con Bru Vân Kiều nơi đây vào mùa lễ hội hoặc có dịp ngồi bên nhau, người dân trong bản thường đưa rượu cần ra để đãi khách phương xa. Tuy nhiên, hàng chục năm nay, những hũ rượu cần men lá truyền thống đã vắng bóng, thay vào đó là các loại rượu được ủ với các loại men có sẵn trên thị trường. Thứ men này vừa nhanh lại vừa tốn ít công sức nhưng chất lượng rượu thì không thể bằng men từ vỏ cây của ông bà tổ tiên để lại.
“Sở dĩ người dân không còn mặn mà làm ra loại rượu cần men lá bởi muốn làm được loại men này thì phải đi vào rừng sâu kiếm rễ cây. Để làm được một mẻ men phải có 20 loại rễ cây rừng, cách làm cũng phức tạp, cầu kỳ nên ít người còn mặn mà để làm, dần dần bị mai một”, chị Duyên chia sẻ.
Để loại rượu “đặc sản” của núi rừng không bị mai một, bà Hồ Thị Con (trú tại bản Bến Đường) đã nung nấu ý định khôi phục lại cách làm loại rượu này. Hiện rượu cần men lá Trường Sơn của bà Con đang tham gia chương trình phụ nữ khởi nghiệp. Bước đầu, ý tưởng khởi nghiệp từ rượu cần men lá của o Con đang được đánh giá cao.
Mặc dù đã hơn 60 tuổi nhưng bà Con vẫn rất minh mẫn, tranh thủ mấy ngày nắng ráo, bà Con mang gùi vào tận rừng sâu đào lấy rễ cây để ủ mấy ché rượu cần. Theo bà Hồ Thị Con, lớp người lớn tuổi ở đây hầu hết đều biết công thức làm men rượu cần nhưng hàng chục năm nay chẳng còn ai làm nữa vì chỉ cần chạy ra chợ, tốn 20.000 – 30.000 đồng là mua được mấy viên men được làm sẵn đem về ủ rượu.
“Hồi nhỏ tôi được mẹ chỉ cho các loại cây, lá dùng để làm men rượu cần. Ngày trước, phụ nữ, con gái trong bản ai cũng biết làm loại men này. Người ta làm men không chỉ để ủ rượu cần cho các dịp lễ, cúng, đón khách quý, mà còn để đổi gạo, đổi muối mà giờ thì ít lắm, gần như không ai làm nữa. Mình thấy tiếc thứ rượu cổ của cha ông truyền lại nên muốn khôi phục lại thôi”, bà Hồ Thị Con nói.
Theo bà Con, rượu cần men lá Trường Sơn làm đúng cách thì sẽ thơm, ngon, mùi vị đặc trưng, uống say chếnh choáng nhưng không đau đầu, không giận dữ nên bà muốn giữ cách làm men rượu cần và mong muốn con mình, nhiều người làng mình cùng gìn giữ.
Muốn có hũ rượu ngon thì men là điều hết sức quan trọng, và muốn có men ngon thì phải tốn nhiều công sức. Theo bà Con để làm được một mẻ men thì trước tiên phải lên rừng lấy nguyên liệu, thường thì sẽ có 20 loại rễ cây rừng, trong đó có một số loại như: Rễ cây giác luốc, rếp ran…những loại rễ cây này thường mọc ở rừng sâu hoặc dọc các con suối.
Sau khi đi lấy rễ cây về rửa sạch rồi đem bào lấy vỏ cây nghiền thành bột, gạo cũng nghiền thành bột, riêng rễ cây đã tách vỏ nấu lấy nước. Nước rễ cây đun sôi để nguội thì đem trộn với hỗn hợp bột cây, bột gạo vắt thành từng nắm, bên ngoài có một lớp vỏ trấu rồi ủ 3 ngày để lên men, khi men ủ được 3 ngày thì đem phơi khô rồi dùng dần.
Nếu làm men rượu cần tốn nhiều công sức và kỹ thuật, thì ủ ché rượu cần cũng kỹ lưỡng không kém. Bà Con cho biết, cơm ủ rượu được nấu từ loại gạo lúa mới; xoong phải là loại chuyên dùng nấu cơm, trước đó không dùng để nấu canh hay chiên, xào; bếp lửa nấu cơm phải là lửa mới đầu ngày, tức ngọn lửa chưa nấu nướng món gì khác trước đó.
“Ông bà truyền dạy sao thì mình làm vậy, có lẽ là để nồi cơm ủ rượu này thật tinh khiết, không trộn lẫn mùi vị gì khác cả”- bà Con cho biết.
Để có được chén rượu ngon phải ủ ít nhất 10 ngày, còn để rượu ngon nhất, nồng đượm nhất phải ủ cỡ một năm.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên- Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn cho biết, o Con là một người cương quyết, mạnh mẽ, trước đây O Con nổi tiếng với hành động chặt đứt hủ tục nối dây (luật tục nối dây nghĩa là nếu chồng chết thì phải làm vợ của anh trai hoặc em trai chồng). O Con luôn là người tiên phong trong các phong trào chung của xã, là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền bà con trong xã, trong bản thực hiện tốt các phong trào địa phương. Đặc biệt, o Con là một trong số ít người lớn tuổi trong xã còn lưu giữ công thức làm rượu cần men lá.
Theo PNVN