Vào đầu thế kỷ 20, giới khảo cổ xôn xao với việc khai mở lăng mộ Pharaoh Tutankhamun ở Ai Cập và những sự kiện xui xẻo dẫn đến cái chết của nhiều nhà thám hiểm. Bí ẩn còn chưa được giải đáp thì vào những năm 1970, câu chuyện tương tự lại xảy ra với hầm mộ của vua Ba Lan, Casimir IV Andrew Jagiellonian. Và “lời nguyền Jagiellonian” lại được nhắc đến.
Trùng tu lăng mộ sau 500 năm
Casimir IV Andrew Jagiellonian là một trong những nhà cai trị thành công nhất của Ba Lan, ông đã đánh bại các Hiệp sĩ Teutonic trong Chiến tranh Mười ba năm (1454 – 1466), giành lại Pomerania, một trong những thành phố quan trọng nhất của Ba Lan ngoài khơi biển Baltic. Dưới sự cai trị sáng suốt của Casimir, triều đại Jagiellonia đã trở thành một trong những vương triều hàng đầu ở châu Âu.
Sau khi nhà vua qua đời vào năm 1492, hoàng hậu Elizabeth đã ủy quyền cho nhà điêu khắc nổi tiếng người Đức, Veit Stoss, thiết kế, xây dựng nơi an nghỉ cho ông. Đến năm 1496, Stoss hoàn thành lăng mộ trong nhà nguyện Holy Cross của nhà thờ Wawel. Bản thân hoàng hậu Elizabeth cũng được an táng trong hầm mộ bên cạnh nhà vua khi bà qua đời vào năm 1505.
Lăng mộ của vua Casimir IV là một trong những tác phẩm ngoạn mục nhất của nghệ thuật Gothic. Quan tài của ông được trang trí công phu, chủ yếu từ đá cẩm thạch đỏ ở Adnet, gần Salzburg.
Bên trên là một hình nộm điêu khắc toàn thân của nhà vua đang trong cơn hấp hối, mặc một chiếc áo choàng giáo sĩ chỉ được sử dụng trong lễ đăng quang. Các mặt của chiếc quan tài mang huy hiệu của các vương quốc và vùng lãnh thổ của Casimir.
Năm 1973, Tổng giám mục Krakow, người sau này trở thành Giáo hoàng John Paul II, đã cho phép mở hầm mộ của Casimir và Elizabeth. Ngay sau đó, một toán gồm 12 nhà khoa học lần đầu tiên bước vào hầm mộ của hoàng gia sau gần 500 năm với mục đích kiểm tra bên trong của ngôi mộ, đánh giá giải pháp tốt nhất để khôi phục và bảo tồn di tích này.
Họ tìm thấy những chiếc quan tài bằng gỗ mục nát cùng hài cốt của Casimir và Elizabeth. Công việc trùng tu được tiến hành khẩn trương và sau khi hoàn tất, Casimir và Elizabeth được an táng lại trong một buổi lễ được tổ chức long trọng tại Nhà thờ lớn vào ngày 18/9/1973.
Những cái chết bí ẩn
Vài tháng sau khi lăng mộ được mở, một căn bệnh bí ẩn bắt đầu hoành hành các nhà nghiên cứu đã vào ngôi mộ làm chết từng người một. Nạn nhân đầu tiên là một kiến trúc sư đến từ Wawel, chết vì đột quỵ vào mùa Xuân năm 1974.
Ngay sau đó, chuyên gia chính trong công tác bảo tồn cũng qua đời với căn bệnh tương tự. Những cái chết khác đến ngay sau đó và trong vòng vài tháng, toán kiểm tra gồm 12 người thì có 10 người qua đời vì căn bệnh lạ. Ngoài ra, còn có 15 công nhân vào lăng mộ làm công việc phục hồi gặp các vấn đề về sức khỏe và chết một cách bí ẩn.
Những cái chết khó hiểu tại Wawel được liên hệ với “lời nguyền Tutankhamen” nổi tiếng của Ai Cập từ đầu thế kỷ 20, khi một số người mạo phạm lăng mộ của Pharaoh chết trong vòng vài năm.
Tuy nhiên, bất chấp tin đồn về “lời nguyền Jagiellonian”, các nhà nghiên cứu cho rằng những cái chết này có thể do một loại nấm có tên Aspergillus flavus, phát triển mạnh trong các tòa nhà thường xuyên ẩm ướt.
Aspergillus flavus tiết ra các hóa chất độc hại được gọi là aflatoxin có thể dẫn đến viêm gan cấp tính, ức chế miễn dịch, ung thư và giảm bạch cầu trung tính. Các thành viên trong nhóm bảo tồn đã hít phải bào tử độc hại của nấm khi họ vào lăng mộ và bị nhiễm bệnh.
Theo các nhà khoa học, nấm Aspergillus phát triển trên xác chết và vật chất đang phân hủy từng được phát hiện trên các xác ướp Ai Cập cổ đại. Bác sĩ Ezzeddin Taha, người Ai Cập, tuyên bố hồ sơ sức khỏe của nhiều công nhân tiếp xúc với “lời nguyền của xác ướp” tương thích với việc nhiễm Aspergillus.
Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu đã gặp khó khăn trong việc truy tìm những cái chết có liên quan đến vi sinh vật đến từ xác ướp hoặc lăng mộ. Nếu những công nhân đã tiếp xúc với liều lượng chất độc gây chết người, thì cái chết của họ sẽ đến nhanh chóng, chứ không xảy ra sau hàng tháng hoặc hàng năm như các nạn nhân của “lời nguyền Tutankhamen” được báo cáo.
F.DeWolfe Miller, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hawaii cho biết, “Với điều kiện vệ sinh thời đó nói chung và ở Ai Cập nói riêng, Lord Carnarvon có thể sẽ an toàn hơn bên trong lăng mộ so với bên ngoài”.
Nhà quý tộc Carnarvon đã tài trợ cho việc khai quật lăng mộ của Tutankhamun và cũng là người đầu tiên chết sau khi xâm phạm lăng mộ của Pharaoh.
Các nhà nghiên cứu tin rằng bằng chứng kết nối những cái chết với nấm Aspergillus là rất mong manh. Các triệu chứng lâm sàng ở những người bị ảnh hưởng thường mơ hồ và ít hồ sơ lưu lại.
Không ai trong số những người này được khám nghiệm tử thi và không có bằng chứng bệnh lý nào có thể chứng minh sự xâm nhập của Aspergillus vào mô. Mặc dù thiếu bằng chứng, thuyết nấm vẫn được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ.
Theo Amusingplanet-Theo GD&TĐ