Nếu có thể bước vào cỗ máy thời gian và quay trở lại năm 1969, bạn sẽ được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục.
Thác Niagara hay còn được gọi là thác Buffalo từ lâu đã nổi tiếng là “kiệt tác của thiên nhiên” nằm giữa biên giới hai nước Mỹ và Canada. Hàng năm, có hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm đến thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt đẹp ngỡ chốn thiên đường nơi đây.
Với chiều cao gần 60m, tổng chiều dài hơn 1,2km, Niagara được coi là một trong 2 dòng thác lớn nhất thế giới, chỉ sau thác Victoria ở miền Nam châu Phi.
Ba thác nước băng qua biên giới giữa Canada và Mỹ cùng nhau tạo nên một kỳ quan mà chúng ta gọi là Thác Niagara tráng lệ.
Thác Mỹ nằm hoàn toàn ở phía Mỹ, trong khi Thác Móng ngựa chủ yếu ở phía Canada, bị chia cắt bởi Đảo Dê (Goat Island). Thác Bridal Veil – thác nhỏ nhất trong số chúng – nằm ở phía Mỹ nhưng tách biệt với những thác khác bởi Đảo Luna. Tất cả tạo nên đường biên giới vô cùng độc đáo giữa Mỹ và Canada láng giềng.
Thác Niagara lần đầu khô cạn sau 12.000 năm
Năm 1969, có một sự kiện đặc biệt xảy ra với ngọn thác hùng vĩ này.
Ở Niagara, nước liên tục đổ ầm ầm như vó ngựa, làm lay chuyển sông núi khiến người ta liên tưởng đến âm thanh sấm rền, vang xa hàng cây số. Dòng nước chảy mạnh như vậy nên nhiều người không tin rằng các nhà khoa học thực sự có thể ngăn dòng nước chảy điên cuồng ấy.
Người ta phải đắp hẳn một con đập dài 182m, bắc qua sông Niagara khổng lồ để có thể ngăn chặn những dòng nước chảy dữ dội như thế. Điều này có nghĩa là họ phải chuyển hướng 60.000 gallon nước mỗi giây để dòng chảy còn lại đi qua Thác Móng ngựa. Hơn 27.000 tấn đá đã được sử dụng để xây dựng con đập. Và hơn một nghìn xe tải đã chở tảng đá đó vào mùa hè nóng nực năm 1969.
Khi màn đêm buông xuống, hệ thống đèn cao áp với nhiều sắc màu chiếu vào làm khung cảnh của thác trở nên lung linh, huyền ảo.
Ngày 12/6, thác Mỹ ngừng chảy sau hơn 12.000 năm chảy liên tục.
Nhưng người dân địa phương vẫn lo lắng. Họ biết rằng không thể kiểm soát lượng nước như vậy. Họ sợ nước có thể đi theo một con đường khác và gây ra một trận lũ lụt thảm khốc. Họ lo lắng rằng khách du lịch sẽ không đến nữa nếu các nhà chức trách không quản lý để làm cho thác nước chảy trở lại như trước đây.
Nhưng khách du lịch vẫn tiếp tục kéo đến, kể cả mùa hè năm đó. Và họ có một cơ hội duy nhất để nhìn thấy thứ mà trước đây hay sau đó chưa ai từng thấy. Đó là cảnh tượng dưới chân thác, khi mà nước đã không còn đổ xuống, thứ gì sẽ lộ ra?
Thời điểm ấy, thậm chí còn có một lối đi tạm thời được xây dựng cách mép Thác Mỹ chỉ 6m. Nó được mở để giúp các công nhân làm sạch đáy của nơi từng là một con sông lúc nào cũng đầy ắp nước. Khi nước đã cạn kiệt, khách du lịch có thể đến đó và khám phá khung cảnh hoang dã của địa điểm mà suốt 12.000 năm vẫn “ẩn mình”, hoàn toàn không ai dám tiếp cận.
Khi khám phá phần đáy khô của thác, các nhà nghiên cứu tình cờ phát hiện hàng triệu đồng xu khác nhau mà người ta đã ném xuống nước trong nhiều thập kỷ – có thể để thực hiện một điều ước hoặc vì một số mục đích khác.
Họ đã loại bỏ hầu hết những đồng xu đó. Nhưng trong vài thập kỷ qua, ngày càng có nhiều khách du lịch đến đây. Hãy tưởng tượng tất cả những thứ chúng có thể tìm thấy bây giờ, nếu một lần nữa làm cạn kiệt.
Tất nhiên, sẽ có nhiều tiền xu được tìm thấy, nhưng cũng có thể cả máy ảnh, máy bay không người lái, điện thoại di động và những thứ khác mà du khách bất cẩn có thể vô tình làm rơi xuống.
Ý tưởng loại bỏ tất cả nước và biến thác Niagara thành sa mạc đã được chứng minh là có thể thực hiện được. Nhưng nó có thể cần phải được thực hiện lại. Vào năm 2020, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng hai cây cầu dành cho người đi bộ ở Thác Niagara cần được thay thế hoặc sửa chữa. Dễ hiểu thôi, vì chúng đã gần 120 tuổi rồi. Những cây cầu này nằm phía trên ghềnh. Các chuyên gia đã thảo luận xem họ có nên chuyển hướng dòng nước một lần nữa hay không.
Những sự thật bất ngờ
Mọi người đã bàn tán rất nhiều điều thú vị về thác Niagara và một số người tin rằng đây là một trong những thác nước cao nhất thế giới. Nhưng sự thật không phải vậy. Niagara nổi tiếng, quý giá và ngoạn mục, nhưng khi nói về độ cao, có gần 500 thác nước khác trên toàn cầu cao hơn Niagara. Hãy lấy thác Angel ở Venezuela làm ví dụ – nó cao hơn 1.000m.
Nhưng điều làm cho Thác Niagara trở nên đặc biệt so với các thác nước khác là lượng nước chảy. Những thác nước cao thường không có lượng nước lớn. Sự kết hợp giữa lượng nước khổng lồ và độ cao là điều khiến Thác Niagara trở nên ngoạn mục. Ngoài ra, Niagara được coi là thác nước chuyển động nhanh nhất trên hành tinh của chúng ta.
Sông Niagara xuất hiện sau Kỷ băng hà cuối cùng, cùng với toàn bộ lưu vực Great Lakes – sông Niagara là một phần của nó. 18.000 năm trước, thác nước tuyệt vời này không tồn tại. Các tảng băng bao phủ khu vực Nam Ontario.
Khi các tảng băng di chuyển về phía Nam, chúng đã tạo ra các lưu vực của Ngũ Đại Hồ. Sau đó, chúng tan chảy, giải phóng một lượng nước khổng lồ vào các lưu vực.
Nói chung, nước chúng ta uống là “nước hóa thạch”. Chỉ 1% trong số đó tái tạo trong năm, 99% còn lại đến từ các tảng băng. Bán đảo Niagara đã không bị đóng băng trong gần 12.500 năm. Khi băng tan chảy, nước bắt đầu chảy xuống biến thành sông Niagara, hồ Erie và hồ Ontario. Phải mất rất nhiều thời gian, nhưng nước cuối cùng đã làm xói mòn các vách đá và tạo thành những thác nước ngoạn mục này.
Bạn có thể nhận thấy rằng sông Niagara có màu xanh tuyệt vời. Màu sắc này cho chúng ta biết sức mạnh của nước khi bị xói mòn. Mỗi phút, thác Niagara phun ra hơn 60 tấn khoáng chất hòa tan.
Những người dân sống ở Mỹ và Canada sử dụng nước của sông Niagara cho các mục đích khác nhau. Ví dụ, câu cá, lấy nước uống, thực hiện các hoạt động giải trí – bao gồm bơi lội, chèo thuyền và ngắm chim – và sản xuất năng lượng thủy điện…
Nhà máy thủy điện đầu tiên trên thế giới được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, nằm ngay cạnh Niagara. Chẳng mấy chốc, nó bắt đầu mang lại hiệu quả. Nhưng dòng điện này chỉ có thể truyền đi trong phạm vi 100m, vì vậy cần phải cải thiện điều gì đó ở đó. Nhà phát minh Nikola Tesla là người đã đón nhận thử thách và thực hiện những thay đổi cần thiết. Ông phát hiện ra rằng điện có thể truyền đi một quãng đường dài nếu sử dụng dòng điện xoay chiều.
Còn một chuyện thú vị khác từng xảy ra với Niagara. Năm 1969 không phải là lần duy nhất thác Niagara dừng chảy.
Trở lại năm 1848, ngọn thác này đã ngừng hoạt động trong vòng 40 giờ. Thời điểm đó, Niagara đã rất nổi tiếng đối với khách du lịch và là nguồn năng lượng hữu ích cho người dân địa phương, vì vậy họ “phát hoảng” khi nước bỗng dưng ngừng chảy.
Lần này, thiên nhiên chính là “thủ phạm”. Cụ thể, băng đã chặn nguồn chảy của sông Niagara. Một nông dân Mỹ là người đầu tiên phát hiện. Đó là ngày 29 tháng 3, khi anh này đi dạo lúc nửa đêm. Bỗng dưng, người đàn ông nhận ra mình không thể nghe thấy tiếng gầm mạnh mẽ của thác nước. Anh nhanh chóng đi đến mép sông và đứng đó trong sự kinh ngạc – nước đã hoàn toàn biến mất.
Các nhà máy và xí nghiệp phải đóng cửa vì phụ thuộc vào nguồn nước của sông Niagara. Các sinh vật sống dưới nước cũng chết sạch. Một số người đi bộ xuống đáy sông cạn nước, nhặt lấy những thứ mà du khách từng làm rơi.
Nhưng 2 ngày sau, vào ngày 31 tháng 3, người ta lại bỗng dưng nghe thấy tiếng ầm ầm từ phía xa phát ra từ phía thượng nguồn – nó ngày càng gần và to hơn cho đến khi một “bức tường nước” xuất hiện trước mắt họ.
Và rồi một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất thế giới thu hút hàng triệu du khách ghé thăm hàng năm đã hoạt động trở lại – tráng lệ và cuối cùng là bất khả chiến bại. Như nó phải vậy.
Theo Minh Nhật-Phụ nữ Việt Nam