khi đạt được thành công như hiện tại, Louis Vuitton từng có giai đoạn “không có nhà để về”, làm đủ mọi nghề để kiếm sống.
Là thương hiệu xa xỉ lâu đời thứ hai còn hoạt động cho đến tận ngày nay, không có gì đáng ngạc nhiên khi Louis Vuitton dẫn đầu ngành thời trang thế giới trong nhiều thập kỷ. Câu chuyện về Louis Vuitton bắt đầu vào hai thế kỷ trước, khi người sáng lập thương hiệu được sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở miền đông nước Pháp.
Tuổi trẻ của Louis Vuitton
Louis Vuitton sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động, có cha là một người nông dân và mẹ là một chủ cối xay. Khi Louis 10 tuổi, mẹ ông qua đời và cha sớm tái hôn. Vì bị người mẹ kế đối xử không tốt, Louis mong muốn rời nhà sớm để tự bắt đầu cuộc sống mới.
Vào mùa xuân năm 1835, khi mới 13 tuổi, Louis bắt đầu chuyến hành trình kéo dài hai năm từ quê nhà Jura tới Paris. Ra đi với hai bàn tay trắng, ông đã đi bộ suốt 470 km, đồng thời nhận công việc vặt dọc đường để duy trì cuộc sống. Khi đến Paris, Louis nhanh chóng tìm được cơ hội học việc tại một xưởng gia công hộp gỗ và đóng gói hành lý của Monsieur Maréchal và làm việc ở đây trong 17 năm tiếp theo.
Tài năng của Louis đã giúp ông thu hút nhiều sự chú ý, khách hàng liên tục tìm đến để nhờ Louis làm những chiếc rương theo yêu cầu của họ. Đến năm 1852, Louis được Eugenie de Montijo – Hoàng hậu Pháp lúc bấy giờ – thuê để làm rương riêng cho bà. Đây được xem là một bước tiến bất ngờ, giúp Louis tiếp cận với nhóm khách hàng hoàn toàn mới bao gồm hoàng gia và giới thượng lưu.
Đột phá nhờ tầm nhìn sắc bén
Năm 1854, Louis kết hôn với Clemence-Emilie Parriaux. Cùng năm đó, ông rời Monsieur Maréchal để mở xưởng đóng gói và sản xuất rương ở Paris. Cửa hàng đầu tiên này tọa lạc tại số 4 Rue Neuve-des-Capucines, đánh dấu sự khởi đầu chính thức của Louis Vuitton với tư cách là một doanh nghiệp.
Với xưởng riêng của mình, ông bắt đầu tạo ra những sáng tạo và thiết kế của mang đậm dấu ấn cá nhân. Ví dụ, Louis bắt đầu sử dụng vải bạt thay vì da, giúp tạo ra những chiếc rương chống thấm nước và có độ bền cao.
Năm 1858, công việc kinh doanh của Louis trở nên rực rỡ hơn với sự ra đời của những chiếc rương hình hộp chữ nhật. Đây được xem như một cuộc cách mạng thời trang vào thời điểm đó, vì thiết kế này giúp các rương có thể xếp chồng lên nhau mà không sợ bị đổ như những chiếc riêng có phần nắp bo tròn như trước đó. Biết cách nắm bắt cơ hội, năm 1859, Louis mở rộng công việc kinh doanh của mình với xưởng thứ hai lớn hơn ở Asnieres, một ngôi làng bên ngoài Paris.
Những chiếc rương của Louis không đơn thuần chỉ là vật dụng để đựng đồ khi đi xa, mà nó còn đem đến những cải tiến mới trong phong cách du lịch. Với tiêu chí “Du lịch cũng phải chất”, Louis còn kết hợp những chức năng không ngờ đến trong một chiếc rương tưởng chừng như chỉ là túi đựng hành trang thông thường.
Một trong những thiết kế tiêu biểu của Louis là thiết kế dành cho nhà thám hiểm Pierre Savorgnan de Brazza. Để chuẩn bị cho chuyến thám hiểm, Louis Vuitton đã phát minh ra chiếc giường xếp đựng trong rương tiện lợi. Phát minh này là khởi đầu cho rất nhiều rương đặt riêng (hay còn được gọi là rương bespoke) của nhà Louis Vuitton sau này như rương dành cho giày sneakers, rương dành cho ván trượt, hay thậm chí có cả rương dùng để cắm hoa.
Thành công đi liền với thử thách
Sự nổi tiếng của tất cả các mẫu thiết kế đã đem đến cho Louis Vuitton một thử thách khác: Đối phó với hàng đạo nhái tràn lan. Để khắc phục điều này, Louis bắt đầu sử dụng các sọc màu be và nâu trong thiết kế của mình, một sự thay đổi lớn so với màu xám cũ kỹ quen thuộc.
Ngoài ra, cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870-1872 cũng tạo ra bước thụt lùi trong sự nghiệp của Louis Vuitton. Toàn bộ công việc kinh doanh của ông bị phá huỷ dưới sự tàn phá của chiến tranh. Không bỏ cuộc, ông cố gắng thiết lập lại công việc kinh doanh bằng cách thành lập một xưởng mới tại địa chỉ số 1 đường Rue Scribe, trung tâm Paris. May mắn thay, công việc kinh doanh của xưởng không những được cải thiện mà còn phát triển lớn mạnh hơn so với thời kỳ trước chiến tranh.
Năm 1885, Louis Vuitton mở cửa hàng đầu tiên bên ngoài nước Pháp, trên đường Oxford ở London. Với sự phổ biến ngày càng tăng, nạn đạo nhái cũng một lần nữa trở nên tồi tệ hơn, buộc Louis Vuitton phải tạo ra một thiết kế mang tính thương hiệu. Năm 1888, ông đã tạo ra hoa văn có họa tiết bàn cờ (Damier) bao quanh dòng chữ “marque L. Vuitton déposée”, có nghĩa là Louis Vuitton đã đăng ký thương hiệu.
Trong 20 năm tiếp theo, Louis tiếp tục tạo ra những chiếc vali chất lượng cao cho đến khi ông qua đời ở tuổi 70, để lại công ty cho người con trai duy nhất của mình là Georges Vuitton.
Những sản phẩm vươn tầm thế giới
Trong khi Georges phụ trách công ty, anh luôn đảm bảo tôn trọng cách suy nghĩ của cha mình, đồng thời không ngừng đổi mới để phù hợp với thời đại. Là người đứng đầu Louis Vuitton, George đã thay đổi nhiều khía cạnh của công ty, khiến nó trở thành một công ty xa xỉ thành công mà chúng ta biết đến ngày nay.
Không lâu sau đó, vào năm 1896, Georges Vuitton tiếp tục cho ra đời họa tiết mang tên Monogram, gồm những hoa văn 4 cánh hoa xếp cạnh nhau, đậm nét cổ điển và sang trọng. Cùng với Damier, Monogram có mặt trên mọi sản phẩm của Louis Vuitton, bên cạnh hai chữ L và V được lồng vào nhau một cách khéo léo.
Trong suốt những năm 1900, Louis Vuitton bắt đầu mở rộng quy mô sản phẩm ra khỏi những chiếc rương lớn ban đầu, trong đó nổi bật là những chiếc túi xách. Một trong những chiếc túi đầu tiên được thiết kế là chiếc túi du lịch lớn có tên Keepall (1930), tiếp theo là phiên bản nhỏ hơn mang tên Speedy (1932), đây là chiếc túi xách đầu tiên của Louis Vuitton được thiết kế để sử dụng hàng ngày. Những chiếc túi như Noé, Alma và Papillon theo sau và vẫn là biểu tượng cho đến ngày nay.
Năm 1959, Louis Vuitton đã có thể sản xuất loại vải canvas cổ điển nhờ công nghệ mới. Một phiên bản canvas dẻo dai hơn đã được tạo ra và điều này có nghĩa là nó có thể được sử dụng cho các sản phẩm nhỏ hơn, chi tiết hơn.
Từ năm 1945 đến năm 2000, Louis Vuitton đã mở rộng bộ sưu tập của họ với một số danh mục, sản xuất các sản phẩm như ví tiền và phụ kiện. Vào năm 1987, Louis Vuitton, Moet & Chandon và Hennessy quyết định hợp lực và hợp nhất để thành lập tập đoàn hàng xa xỉ LVMH.
Di sản để lại của Louis Vuitton
Louis Vuitton đã có tác động sâu sắc đến ngành công nghiệp thời trang và xa xỉ. Ông là người không ngừng đổi mới, giới thiệu các phong cách và chất liệu mới, đưa sản phẩm của mình trở thành biểu tượng của địa vị. Ngoài ra, Louis cũng giúp nâng tầm nghề đóng rương và đóng hành lý thành một loại hình nghệ thuật, thiết lập tiêu chuẩn cho các sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao trong ngành.
Di sản của ông tiếp tục được công nhận cho đến tận ngày nay, khi Louis Vuitton vẫn là một trong những thương hiệu xa xỉ uy tín và dễ nhận biết nhất trên thế giới. Thương hiệu tiếp tục đổi mới và thích ứng với sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng, đồng thời vẫn trung thực với di sản và giá trị ban đầu của nó.
Theo Sông Thương-Theo Tổ Quốc