Thương trường là chiến trường, doanh nhân muốn tồn tại phải biết dùng đầu óc.
Vương Triết sinh năm 1980 tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Anh kiếm được hơn 20.000 NDT (tương đương 66 triệu đồng) mỗi tháng nhờ bán đồ ăn vỉa hè. Thậm chí anh đã tích góp đủ tiền để xây nhà, mua xe. Khi nhìn vào công việc của người đàn ông này, nhiều người thắc mắc rốt cuộc anh làm thế nào để có được số tiền lớn như vậy?
Ban đầu, Vương Triết làm công ăn lương như bao người khác. Ở thời điểm đó, anh kiếm được hơn 2.000 NDT (tương đương 6,6 triệu đồng) mỗi tháng. Dù mức lương không cao nhưng chàng trai họ Vương đã hài lòng với số tiền như vậy.
Sau đó, thông qua bạn bè giới thiệu, Vương Triết kết hôn với cô gái trên Lưu Lý. Tiền lương của cả hai tổng cộng là hơn 5.000 NDT (tương đương 16 triệu đồng), mặc dù không nhiều nhưng họ có thể sống qua ngày. Cho đến khi cặp đôi có cô con gái đầu lòng, mức thu nhập của hai vợ chồng bắt đầu không đủ chi tiêu.
Để giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn, Vương Triết nghĩ cách để xoay sở. Lúc đó, những món ăn xiên que bán ở vỉa hè được cho là tiềm năng nhất vì không kén thực khách, vốn ít, lại không mất phí mặt bằng. Sau nhiều ngày đắn đo, người đàn ông sinh năm 1980 cũng bắt tay vào thực hiện.
Ban đầu mọi việc không suôn sẻ như họ tưởng tượng. Anh bán những món ăn đường phố, chủ yếu là xiên que với giá 1 NDT (tương đương 3000 đồng). Dù đã cố gắng hết sức để chào mời nhưng gần như quầy đồ ăn của họ chẳng mấy người ngó ngàng đến. Dầu vậy, Vương Triết không bỏ cuộc. Anh thay đổi cách thức vận hành, và rồi chỉ sau 8 tháng, quầy hàng xiên que của anh đã mang về thu nhập hàng tháng hơn 20.000 NDT.
Khi đã có số tiền nhất định, cặp đôi tậu xe, mua nhà. Bên cạnh đó, họ cũng thuê địa điểm để thu hút nhiều khách hơn, mở rộng phạm vi kinh doanh.
Để “lật ngược ván cờ” từ quầy hàng ăn vắng khách đến cửa hàng kinh doanh phát đạt, Vương Triết có những bí quyết sau:
Luôn niềm nở với khách
Dù là mô hình kinh doanh nào, thì việc quảng cáo sản phẩm và dịch vụ nhất định không được bỏ qua. Nếu muốn gánh hàng rong của bạn khởi sắc, hãy khiến cho người mua hàng cảm thấy thoải mái nhất có thể. Điều này sẽ đến từ nụ cười thân thiện và một tính cách phóng khoáng.
Ví dụ, nếu bạn đang bán một gánh ngô, hãy trưng bày thật đẹp để mọi người xem. Sau đó, khiến gánh hàng rong trở nên đáng nhớ với nụ cười sảng khoái. Điều này sẽ khiến nhiều khách hàng quay trở lại với gánh ngô của bạn thay vì đối thủ cạnh tranh.
Lựa chọn địa điểm phù hợp
Đây là yếu tố quyết định số lượng giao dịch trong ngày của bất cứ gánh hàng nào. Một người bán có vị trí tốt có thể dễ dàng phục vụ 100 – 300 người/ngày. Hầu hết, những gánh hàng rong thực phẩm thường nhắm vào mục tiêu: dân công sở, đi làm và cần ăn sáng, ăn trưa.
Gánh hàng bán đồ ăn nhanh thì nhắm vào giới trẻ, sinh viên. Không khó để bắt gặp các xe bánh kếp ở xung quanh cổng trường đại học. Hay có những gánh hàng chỉ chuyên phục vụ vào đêm khuya, dành cho những người trẻ đi chơi khuya…
Điều quan trọng ở đây, là xác định khách hàng mục tiêu và địa điểm phù hợp!
Áp dụng hình thức “khuyến mãi” thêm
Rõ ràng bất cứ ai khi mua được món đồ với giá hời đều sẽ rất vui vẻ. Vì vậy, muốn kinh doanh tốt thì phải chiếm được cảm tình của khách hàng. Có nhiều ông chủ bán hàng rất chặt chẽ, tính đúng đến từng xu. Việc này tưởng như có lợi nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn.
Có một câu chuyện như sau: Tại quầy rau nọ, một bó rau xanh nhỏ giá 3,28 NDT. Khách nói vét sạch tiền lẻ chỉ có 3,2 NDT liệu có được không? Ông chủ trực tiếp từ chối. Vị khách này không hài lòng và cảm thấy ông chủ keo kiệt, đương nhiên sẽ không có lần sau nữa.
Từ câu chuyện có thể thấy, trước áp lực cạnh tranh trong thị trường, muốn sản phẩm của mình nổi bật, bạn phải nỗ lực thay đổi cách thức hoạt động. Việc dành cho khách hàng những ưu đãi nhỏ sẽ khiến đối phương quay lại vào lần sau. Đây mới là cách kinh doanh khôn ngoan nhất.
Nếu ông chủ thoải mái, khách hàng cũ tự nhiên sẽ giới thiệu khách hàng mới. Dùng một nắm hẹ và chút đồng lẻ đã có thể mở rộng thị trường, đó mới là đỉnh cao.
Theo Sina, Sohu-Thùy Anh–Nhịp sống thị trường