Bài học chàng trai tự đúc kết sau nhiều năm trải nghiệm thị trường.
Năm 2017, Jack Kellogg bắt đầu chơi chứng khoán ở tuổi 19. Mục tiêu đặt ra là có thể kiếm đủ tiền chi tiêu mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào công việc toàn thời gian.
Trong hơn 5 năm, Jack có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại thị trường khác nhau, bao gồm cả lần “sập” chứng khoán vào năm 2020. Bài học anh chàng này rút ra, là hãy giữ mọi thứ đơn giản và linh hoat.
“Có một từ viết tắt này: KISS (Keep it simple, stupid), tạm dịch “Cứ giữ cho nó đơn giản và ngu ngốc đi”. Tôi không cần đến các chỉ báo siêu phàm để kiếm tiền. Tôi chỉ sử dụng các đường xu hướng cơ bản, xem xét mốc hỗ trợ, kháng cự và khối lượng giao dịch”, Kellogg nói. “Việc phức tạp hóa các chỉ số sẽ thực sự làm hỏng chuyện bởi bạn không mua bán dựa trên xu hướng giá thực tế”.
Cách “đánh” này giúp Jack linh hoạt giao dịch, ngay cả khi thị trường đang trong downtrend (xu hướng xuống) hồi năm 2022. Theo BI, anh chàng này đã lãi hơn 8 triệu USD (gần 200 tỷ đồng) từ các giao dịch trong ngày vào năm 2020 và 2021. Lợi nhuận tăng vọt giúp tổng thu nhập của Jack chạm mốc 6,5 triệu USD.
Chia sẻ với Insider, Jack Kellogg nhấn mạnh tầm quan trọng của 4 chỉ số anh thường xuyên soi chiếu để chơi chứng khoán:
- VWAP (Volume Weighted Average Price)
Đây là một chỉ báo đặc biệt khi kết hợp cả 2 yếu tố giá và khối lượng giao dịch, từ đó cung cấp cho trader rất nhiều thông tin hữu ích về vận động giá trên thị trường, chẳng hạn như giá trung bình tốt nhất.
Nhờ VWAP, Jack Kellogg không bị mua đuổi – thuật ngữ chỉ những người vào thị trường chậm chân và không đạt vị thế mua đẹp do cổ phiếu tăng giá quá cao.
Nếu mục tiêu là mua thấp và bán cao, bạn chắc chắn sẽ muốn mua cổ phiếu có mức giá chiết khấu hấp dẫn. Kellogg tuyệt đối không mua nếu giá cao hơn đường VWAP và ngược lại, không bán nếu giá thấp hơn VWAP.
Cũng có lúc, Kellogg dùng chỉ số này để xác định thời điểm thoát hàng bởi đôi khi nó dự báo xu hướng giảm của cổ phiếu.
- Hồi quy tuyến tính
Hồi quy tuyến tính cho biết xu hướng giá của cổ phiếu. 2 đường dưới và trên chỉ phạm vi biến động của giá, trong khi đường trung tâm chỉ mức giá trung bình. Giá chạm đường trên cho thấy cổ phiếu đó đang được mua quá mức, trong khi đường dưới cho thấy cổ phiếu đó đang bị bán quá mức.
“Một cổ phiếu có vận động tuân thủ kênh hồi quy tuyến tính thì càng dễ dự đoán”, Kellogg nói và cho biết chỉ dấu này mang lại cho anh cảm giác yên tâm.
- Khối lượng
Khối lượng thể hiện số lượng cổ phiếu được giao dịch tại một thời điểm nào đó trong phiên. Kellogg thường sử dụng nó như một chỉ báo tiềm năng.
“Khi khối lượng giao dịch lớn, tăng đột biến trong ngày, rất có thể nhiều người đang mua đuổi cổ phiếu”, Kellogg nói.
- Hỗ trợ – Kháng cự
Hỗ trợ và kháng cự là thuật ngữ chỉ các vùng giá trong quá khứ, được hình thành khi giá đảo chiều hoặc di chuyển chậm lại nhằm tạo ra các đỉnh, đáy. Trong đó, hỗ trợ là vùng giá mà ở đó xu hướng giảm được kỳ vọng sẽ đảo chiều tăng lên. Tại vùng này, đa số các nhà đầu tư sẽ thực hiện nhiều lực mua hơn là lực bán.
Ngược lại với hỗ trợ, kháng cự là vùng giá mà ở đó đang có xu hướng tăng được dự đoán sẽ đảo chiều giảm. Đây cũng là vùng giá mà các nhà đầu tư dự đoán giá sẽ giảm thấp hơn.
Chia sẻ với BI, Kellogg cũng chú ý đến số lần và thời gian giữ giá của một cổ phiếu để xác định độ mạnh/yếu. Chiến lược này hiệu quả từ 60% đến 80% vào năm 2021, song sang đến năm nay, anh bắt đầu chuyển sang theo dõi rổ chỉ số S&P 500 để đánh giá xem điểm breakout (thời điểm giá cổ phiếu vượt mức kháng cự) đó có phải là thời điểm tốt để tăng vị thế.
Trước đây, Jack thường xuyên đọc tin tức để xem tại sao giá cổ phiếu có thể đi lên, đi xuống, tuy nhiên, cách đánh này dường như không còn phát huy tác dụng trong những đợt tăng giá ngắn hạn. Jack vì vậy ít tập trung vào việc theo dõi lý do tại sao một cổ phiếu tăng/giảm giá. Với anh, thời điểm lý tưởng nhất để giao dịch là trong giờ mở cửa đầu tiên của thị trường, khi mức độ biến động đạt đỉnh điểm.
Dẫu vậy, trong 2 năm qua, không phải ai cũng có thể kiếm lời từ chứng khoán như Jack. Nhiều nhà đầu tư nghiệp dư đã phải trả cái giá quá đắt, sau khi tiền tiết kiệm suốt nhiều năm “không cánh mà bay”. Những người đặt niềm tin vào các cổ phiếu meme như GameStop lại càng thêm khổ sở. Nạn nhân có thể là bất kỳ ai, ngay cả những chuyên gia có nền tảng về tài chính.
Theo: BI-Vũ Anh-Theo Nhịp sống thị trường