Đa phần chúng ta đều tin rằng mỗi người khi sinh ra thì số phận đã được định sẵn. Những vui buồn, vinh nhục, hung cát, sướng khổ trong cuộc đời chính là đang thể hiện ra nhân quả nghiệp báo. Vậy thì, tại sao người xưa lại nói ‘nhân định thắng thiên’?
‘Nhân định thắng thiên’ thực tế là một câu thành ngữ khuyến thiện của người xưa. Trước khi câu thành ngữ này ra đời cũng có nhiều cách nói khác nhau như ‘nhân cường thắng thiên’, ‘nhân huề giả thắng thiên’, ‘nhân chúng giả thắng thiên’… Như vậy có thể thấy được ‘định’, ‘cường’, ‘huề’, ‘chúng’ đều là điều kiện giúp con người thắng thiên. Cho nên ‘định’ trong thành ngữ này không phải mang ý tứ ‘nhất định’ mà là mang nghĩa ‘yên ổn’, ‘kiên định’.
Còn ‘thắng thiên’ cũng không có nghĩa là muốn chiến thắng ý Trời. Người xưa vô cùng coi trọng đạo lý thiên nhân hợp nhất, thuận theo ý Trời mà hành, vậy thì sao họ muốn đánh bại Trời chứ?
Câu ‘nhân định thắng thiên’ được ghi chép sớm nhất là trong sách ‘Dật Chu’. Lúc đó Chu Văn Vương dạy Thái tử đạo lý trị quốc. Con người cần thuận theo đạo lý tự nhiên của trời đất. Có như vậy thì khi đối diện với thiên tai, con người mới có đủ lương thực dự trữ để duy trì sự sống.
Ví như việc chặt cây trong rừng, muốn thuận theo sự phát triển tự nhiên thì cây không phù hợp với nhu cầu sử dụng của con người thì không chặt. Khi bắt cá cũng cần thuận theo mùa, không được tát cạn bắt sạch mà để cá nhỏ có cơ hội sống sót trưởng thành. Khi săn bắn chim muông cũng chừa lại không giết những con non. Nếu có 10 con thú mà chúng ta chỉ giết 1 con thì tương lai vẫn sẽ có hơn 10 con dự trữ. Nếu như có 10 con mà đem giết sạch thì tương lai sẽ lấy gì để ăn đây?
Người có lượng đồ ăn gấp 10 lần sẽ trở thành vương giả. Nhưng nếu như vì muốn có nhiều đồ ăn mà giết hại bừa bãi, không có chừng mực thì kết quả sẽ dẫn đến toàn bộ bị diệt sạch. Bởi vậy Chu Văn Vương mới nói: “binh cường thắng nhân, nhân cường thắng thiên”. Nói cách khác, bậc vương giả thuận theo đạo lý tự nhiên của trời đất mới có thể giúp cho binh lực và nhân lực quốc gia hùng mạnh. Do đó, mục đích việc đạt được binh lực lớn mạnh là để có thể chống đỡ được quân địch, nhân lực lớn mạnh là để có thể chống đỡ được thiên tai. Vậy thì, ý tứ của nhân cường thắng thiên ở câu chuyện này là chỉ chiến thắng thiên tai.
Tiếp đến là ‘nhân định thắng thiên’ chủ yếu nói về ý nghĩa của thiên mệnh. Như vậy thì có thể giải thích rằng, nếu như con người có đầy đủ lòng tin và kiên định để làm một việc nào đó thì cũng có thể thay đổi được vận mệnh mà ông Trời đã an bài. Làm việc thiện thì vận mệnh chuyển hướng sang tốt, làm việc ác thì vận mệnh cũng chuyển hướng sang xấu.
Câu chuyện thay đổi vận mệnh của Bùi Độ vì hoàn trả ngọc báu
Vào thời nhà Đường có một người tên là Bùi Độ. Ông sinh ra ở vùng nông thôn, lúc còn trẻ thì kiếm sống bằng nghề dạy học nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo túng. Tài học của ông tuy được xếp vào hàng uyên bác nhưng vận mệnh lại đen đủi, thi cử bao phen mà không có đỗ đạt gì.
Có lần, Bùi Độ gặp được vị thầy tướng số. Người này xem tướng mặt của ông rồi phán rằng: “Số của anh thuộc loại bạc mệnh, phúc phận mỏng manh không thể thành danh được. Hơn nữa, anh có ‘nhãn quang ngoại phù’ (mắt lồi ra ngoài), trên má lại có ‘xà nhập khẩu’ (đường thẳng như kẻ chỉ chạy thẳng vào khoang miệng). Ta rất tiếc nhưng vẫn phải nói với anh rằng kiếp này chỉ có thể đi ăn xin, lại phải chịu họa chết đói chết khát ở đầu đường xó chợ!”
Bùi Độ nghe xong không khỏi buồn rầu, thương cho phận mình hẩm hiu, bạc bẽo. Thế nhưng, một ngày nọ, ông lang thang đến chùa Hương Sơn, trông thấy có cô nương đang quỳ gối cầu nguyện trước hương án thờ Phật, xong rồi vội vàng rời đi. Ông tiến lại gần thì thấy trên bàn có một chiếc túi, bên trong là miếng ngọc Phỉ Thúy rất đẹp, còn có dây da để đeo. Ông nghĩ: “Vật này nhất định là của cô nương vừa rồi cầu nguyện ở đây”. Vậy nên ông bèn ngồi lại chờ đợi người tới tìm túi đồ.
Ông đợi mãi đợi mãi, cho đến tận xế chiều thì thấy một cô nương hớt hải chạy đến, vừa thở hổn hển vừa bước vào, mắt nhìn khắp xung quanh một lượt, sau đó lại òa khóc tức tưởi. Thấy vậy Bùi Độ liền tiến lại gần hỏi han, cô nương này đã nghẹn ngào nói: “Cha tôi lâm bệnh nặng, vì chạy chữa cho cha mà gia sản kiệt quệ. Hôm qua tôi gặp được vị danh y, nói rằng cha tôi vẫn còn có hy vọng, nên sáng sớm nay tôi đến nhà người bà con mượn chút tiền chữa bệnh cho cha. Họ đã đưa cho tôi miếng ngọc Phỉ Thúy để đem đi cầm cố lấy tiền thuốc men. Khi đi ngang qua chùa Hương Sơn, tôi bèn vào niệm Phật, xin trời Phật phù hộ độ trì cho cha tôi được tai qua nạn khỏi… Trong lúc cầu nguyện, vì mải suy nghĩ viển vông nên tôi đã quên mất túi đồ mình mang theo, tới tiệm cầm đồ tôi mới nhớ ra là đã bỏ quên miếng ngọc trên bàn hương án của ngôi chùa này. Nhưng giờ đã không còn thấy đâu nữa! Tôi lấy đâu ra tiền để mua thuốc chữa bệnh cho cha đây? Nhà còn có mẹ già và hai em nhỏ, không ai nuôi dưỡng, tôi thật sự không biết phải làm thế nào”.
Bùi Độ nghe xong liền đem ngọc quý trả lại cho cô nương kia. Người này mừng rỡ gạt nước mắt, chắp tay bái tạ Bùi Độ rồi vội vã rời đi. Lúc này ông mới cất bước trở về nhà.
Mấy ngày qua đi, một hôm Bùi Độ tình cờ gặp lại vị thầy tướng số xem cho mình hôm trước. Vừa nhìn thấy ông, thầy tướng số vô cùng kinh ngạc, sửng sốt hỏi: “Tướng mặt của ông đã thay đổi hoàn toàn. Thời gian gần đây ông đã làm được việc tốt gì vậy?”.
Bùi độ đã kể cho người xem tướng việc ông trả lại bảo vật. Vị này mừng rỡ nói với ông rằng, nhờ làm được việc đại thiện, lại cũng cứu được mạng người nên đã tích được công đức rồi. Tương lai thư sinh nghèo nhà ngươi không chỉ không chết đói mà còn phú quý đủ đầy.
Kết quả là, về sau Bùi Độ đã thi đậu tiến sĩ, cuối cùng làm quan tới chức Tể tướng, tiếng thơm tỏa khắp bốn phương, sống thọ tới 89 tuổi và qua đời tại phủ của mình. Điều này so với kết luận lúc trước của thầy tướng số quả là khác biệt một trời một vực.
Có thể thấy mệnh của Bùi Độ đã được đặt định từ trước, nhưng vì biết hành thiện nên đã có thể thay đổi số phận của mình. Như vậy thì đây chẳng phải ‘nhân định thắng thiên’ rồi hay sao?
Và đây cũng là hàm ý thực sự của câu ‘nhân định thắng thiên’ mà người xưa muốn nói đến. Số phận một người tuy đã được an bài từ trước nhưng nếu biết tu tâm dưỡng tính; biết làm việc thiện cứu giúp người khác thì có thể cải biến vận mệnh của mình.
Cho nên Phùng Mộng Long mới nói, tướng mạo không bằng tướng tâm. Chính là một người có tướng mạo phú quý nhưng lại làm những việc bại hoại thì sẽ tổn hao phúc đức, cuối cùng cũng không có kết quả tốt. Còn người ban đầu có tướng mạo không tốt, sống cuộc đời long đong khốn khổ, thế nhưng khi làm bất cứ sự việc gì họ cũng dùng tâm địa đoan chính, nguyện ý tích đức hành thiện, cuối cùng cũng đắc được phúc báo, vận mệnh cũng được cải biến thành tốt. Đây là đạo lý ‘nhân định thắng thiên’.
Thương Vương Vũ Ất khinh nhờn Trời cao bị sét đánh chết
Tổ tiên của chúng ta đều rất sùng kính Thần minh và thiên mệnh. Bởi vì con người là do Thần tạo ra, cho nên con người làm sao có năng lực đối đầu với Thượng Thiên. Chúng ta chỉ có thể hết lòng nghe thiên mệnh mà thôi. Tuy nhiên, thực tế vẫn có người dám coi thường Trời cao, tưởng rằng bản thân to lớn mà đấu với Trời, cuối cùng đã phải chịu nhận kết cục bi thảm.
Trong Kinh Thư có ghi chép một câu chuyện về một vị hoàng đế thời nhà Thương tên là Vũ Ất (1152-1122 TCN). Ông ta có những việc làm rất bệnh hoạn và hoang tưởng. Ông sai quân lính làm bức tượng gỗ và gọi đó là Thần tiên, sau đó đánh bạc cùng thần tiên. Khi đánh bạc thì Thần tiên luôn thua, sau đó Vũ Ất tuốt gươm chặt đầu rồi đẽo gọt tượng gỗ để làm nhục Thần.
Vũ Ất còn cho khâu túi da rồi đổ đầy máu vào và treo lên thật cao. Sau đó ông ta dùng cung tên để bắn vào khiến cho máu trong túi phun ra và coi đó là bắn Trời, hơn nữa còn phỉ báng Thần Sấm Sét là chẳng ra gì cả.
Niềm tin vào Trời đất thuận theo tự nhiên như bén rễ trong lòng mọi người, nhưng Vũ Ất đã thách thức các vị Thần và bắn chết Trời. Kết quả là trong một lần đi săn gặp mưa to, ông đã bị sấm sét đánh chết.
Trời là có đạo, vũ trụ là có pháp lý. Làm sao con người có thể thoát khỏi đạo trời hay pháp lý của vũ trụ? Vũ trụ vô cùng rộng lớn và có vô số các thiên thể. Đứng trên một Trái đất nhỏ bé, bất kể bạn là ai, ngay cả hoàng đế của một nước, vua của một nước thì cũng chỉ được gọi là con Trời. Người được làm vua có nghĩa là ông ta được lệnh của Thượng Đế để cai trị dân chúng của một nước. Nếu một ngày nào đó ngay cả vua của đất nước đó cũng dám khinh nhờn Trời cao, thì vương triều đó nhất định sẽ bị diệt vong.
San San