Ở thời điểm bắt đầu, vợ chồng cô cũng loay hoay. Người thân xung quanh nói rằng gia đình cô nên trở lại thành phố bởi chuyện khởi nghiệp ở quê không phải ai cũng có thể làm được.
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Dương Nguyên Đào là con út trong gia đình 7 anh chị em. Bố mẹ cô đều là người làm nông nên kinh tế không dư dả.
Năm 1994, cô theo người họ hàng lên Chiết Giang, Trung Quốc làm việc. Đây cũng là lần đầu tiên cô bước chân ra khỏi làng quê nghèo để đến với chân trời mới. Làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ chơi không lâu, cô gặp được bạn đời và nhanh chóng kết hôn ngay sau đó.
Đến năm 2008, cả hai tích luỹ được hơn 200.000 NDT (664 triệu đồng) và dự định sẽ mua nhà ở thành phố. Tuy nhiên, một cuộc điện thoại của mẹ báo bố đang ốm nặng đã khiến cô từ bỏ ý định này.
Người con hiếu thảo mong muốn trở về quê để sống gần gia đình nhằm có thời gian phụng dưỡng và báo đáp bố mẹ. Ngay khi chia sẻ ý tưởng này với chồng, anh đồng ý với quyết định này của vợ.
Về quê khởi nghiệp
Sau khi hai vợ chồng trở về quê, họ không mất nhiều thời gian để bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên. Vợ chồng Dương Nguyên Đào đã sử dụng tất cả số tiền tiết kiệm và vay thêm của người thân để mở một nhà máy đóng gạch.
Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm vận hành, ngay ngày thứ 3 mở cửa, nhà máy của hai vợ chồng đã phải bồi thường 1 triệu NDT cho khách hàng. Khi đó, cô phải tiếp tục vay tiền đề đền bù cho đối tác.
Kinh doanh không có lãi, cô nhanh chóng chuyển nhượng nhà máy để tìm hướng đi mới. Thấy gia đình mãi loay hoay, nhiều người thân khuyên cô nên quay trở lại thành phố làm việc. Bởi chuyện lập nghiệp ở nông thôn có lẽ không phải ai cũng có thể làm được.
Tuy nhiên Dương Nguyên Đào hiểu rằng gia đình đang có quá nhiều khoản nợ phải trả. Nếu chỉ dựa vào công việc văn phòng như trước đây, cô khó có thể trả hết.
Sau một thời gian khảo sát, năm 2011, cô nhận ra không có gì tốt hơn là việc làm nông nghiệp. Vì thế cô đã vay tiền để thuê 2,6ha đất để trồng hoa màu. Ngay cuối năm đó, sau khi thu hoạch và bán, vợ chồng cô để dư ra được 160.000 NDT.
Nhận thấy có tiềm năng phát triển, năm 2013, vợ chồng Dương Nguyên Đào mở rộng diện tích gieo trồng lên 5,3ha. Có thể nói công việc kinh doanh ngày càng suôn sẻ.
Tuy nhiên không ai ngờ rằng vào ngày 4/7/2016, một trận lũ quét lớn xảy ra khiến toàn bộ vườn rau của vợ chồng cô bị ngâm trong nước lũ. “Lúc đó tôi chỉ trực trào nước mắt. Nước tràn vào rất nhanh. Chúng tôi không thể làm được gì”, cô kể lại.
Vào thời khắc đó, một câu hỏi luôn thường trực trong cô là tại sao khởi nghiệp lại khó đến vậy? Cô liên tục tự vấn phải chăng bản thân không thích hợp để khởi nghiệp?
Suy nghĩ vài ngày, Dương Nguyên Đào lấy lại bình tĩnh. Cô tin rằng mình không chọn sai đường, thiên tai là chuyện không thể tránh khỏi. Để ngăn ảnh hưởng của lũ lụt trong tương lai, lần này cô đã chuyển thuê 9ha đất trên vùng có địa thế cao hơn.
Tình cờ thời điểm đó, chính quyền thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhà kính và hỗ trợ cho nông dân. Không ngần ngại, cô cũng xây nhà kính trên diện tích đất đã thuê.
Ưu điểm lớn nhất của việc trồng rau trong nhà kính là có thể chủ động về nhiệt độ và hạn chế được thiên tai, dịch bệnh. Sau vài tháng đưa hạt giống vào nhà kính gieo trồng chất lượng hoa màu được cải thiện rất nhiều, đặc biệt góp phần nâng cao năng suất.
Gieo trồng thuận lợi, vợ chồng cô tiếp tục mở rộng cơ sở trồng trọt lên 20ha với doanh thu đạt 6 triệu NDT/năm. Nhờ thế, gia đình Dương Nguyên Đào cũng trả hết toàn bộ tiền nợ.
Hướng đi mới phát triển nông nghiệp
Đến năm 2020, diện tích trồng rau ở địa phương gia tăng. Điều này đồng nghĩa giá rau sẽ không còn được cao như trước do số lượng người bán nhiều hơn số lượng người mua. Đây cũng là lúc Dương Nguyên Đào nhận ra cần phải có hướng đi mới.
Thời điểm đó cô mong muốn có thể mở rộng đơn vị phân phối rau, đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng ở nhiều địa phương hơn. Với đề bài này, cô đã nghĩ ra một cách là đưa những vườn rau của mình lên mạng xã hội.
Cô thuê MC chuyên nghiệp về livestream trực tiếp tại vườn rau của gia đình. Nhờ chất lượng rau tươi ngon lại được mua tận vườn, tháng đó, vợ chồng Dương Nguyên Đào bán được hơn 2.000kg rau.
Để giữ chân người mua hàng, cô tạo thẻ tích điểm cho những khách hàng đặt mua trên 5 lần có thể tham gia chương trình bốc thăm. Người trúng thưởng sẽ có cơ hội tham quan cơ sở và hái rau miễn phí.
Khách hàng tham quan thường chụp hình, quay video về trải nghiệm của mình và đăng tải lên trang cá nhân. Cứ như vậy, nông trại của vợ chồng Dương Nguyên Đào lại càng được nhiều người biết đến và đặt mua rau.
Đến năm 2020, doanh thu từ nông trại trồng rau đạt mức 17 triệu NDT (56 tỷ đồng). Không chỉ làm giàu cho bản thân mình, Dương Nguyên Đào còn dẫn dắt người dân trong làng làm theo mô hình này để gia tăng thu nhập.
Theo Toutiao-Đinh Anh–Nhịp sống thị trường