Trong nhiều thập kỷ, thế giới cà phê chỉ có một ngôi sao: hạt cà phê arabica. Nhưng một xu hướng đang làm thay đổi vận may.
Loại cà phê arabica rất nhạy cảm với sự dao động của nhiệt độ và phải đối mặt với viễn cảnh khó khăn khi xu hướng biến đổi khí hậu khiến thế giới nóng lên. Hạt cà phê robusta – phát triển mạnh mẽ trong điều kiện khắc nghiệt – đang vươn lên.
Thời điểm cho cà phê Robusta
Cà phê robusta được trồng trên những ngọn đồi thoai thoải ở Tây Nguyên, Việt Nam có khả năng phục hồi tốt hơn và cho năng suất cao hơn hầu như bất kỳ nơi nào khác, với một số giống cho năng suất đậu gấp 2 hoặc 3 lần so với các giống ở những nơi khác trên thế giới.
Các nhà nông nghiệp cho rằng cây cà phê robusta đã tiến hóa để có khả năng chịu đựng biến động nhiệt độ tốt hơn cà phê arabica.
Việt Nam đang cung cấp hơn một nửa nguồn cung cà phê robusta toàn cầu và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực giải cứu cà phê khỏi tác động của biến đổi khí hậu.
Phần lớn sự chuyển hướng sang robusta là cần thiết. Vào năm 2021, một đợt sương giá nghiêm trọng ở Brazil đã làm thiệt hại tới 200.000 ha cây trồng chủ yếu là cà phê arabica. Bên cạnh đó, những cơn bão liên tiếp đã tàn phá những cánh đồng cà phê arabica ở Honduras, trong khi những thay đổi khó lường về lượng mưa đã ảnh hưởng đến những người nông dân trồng cà phê ở Colombia.
Vanusia Nogueira, giám đốc điều hành của Tổ chức Cà phê Quốc tế, một hiệp hội liên chính phủ của các nước sản xuất cà phê có trụ sở tại London, cho biết: “Biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều vấn đề, chủ yếu là đối với các nước sản xuất cà phê arabica”.
Năm ngoái, Brazil đã chứng kiến mức sản lượng thấp, trong khi xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt mức kỷ lục 4 tỷ USD, cao hơn 30% so với năm trước, theo các quan chức Việt Nam. Hơn 93% cà phê Việt Nam sản xuất là cà phê robusta.
“Arabica không còn đủ để đáp ứng”, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, cho biết.
“Còn cà phê robusta của Việt Nam thì ai cũng biết là số một thế giới”, ông nói thêm.
Các “ông lớn” muốn học Việt Nam
Tại Bảo Lộc, một thị trấn nông nghiệp yên tĩnh cách thành phố du lịch Đà Lạt hai giờ lái xe, các nhà nghiên cứu Việt Nam và châu Âu đang thử nghiệm các cách để nhân rộng các giống cà phê vối bản địa đã chứng tỏ khả năng chống chịu sâu bệnh và nắng nóng đặc biệt.
Toi Nguyen, một nông dân địa phương, cho rằng tương lai của cà phê “là ở đây”.
Sử dụng các kỹ thuật canh tác và chế biến mới, Nguyen, 48 tuổi, đã sản xuất được một số loại cà phê Robusta đầu tiên được các giám khảo quốc tế công nhận là có chất lượng cao.
Anh nói cà phê của anh được bán với giá cao gấp 3 lần so với giá thị trường của cà phê robusta thông thường.
Sahra Nguyen, nhà sáng lập người Mỹ gốc Việt của Nguyen Coffee Supply, cho rằng, nông dân và các nhà rang xay ở Việt Nam là những người “siêu” và sáng tạo nhất khi nói đến cà phê robusta,
“Họ đã tinh chỉnh các phương pháp chế biến bằng các chất tự nhiên và đi tiên phong trong cách lên men yếm khí để tạo ra hương vị mới”, Sahra nói.
Nogueira, Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết, các nhà sản xuất ở những nơi khác ngày càng quan tâm đến việc học hỏi những kỹ thuật này, bao gồm cả ở Mỹ Latinh, nơi các quốc gia từ lâu tập trung vào cà phê arabica đang bắt đầu thử nghiệm khả năng trồng cà phê robusta.
Các nhà nghiên cứu tự tin rằng ở Việt Nam còn có nhiều giống cà phê robusta khác với những phẩm chất đáng để nghiên cứu. Nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo, nông dân không nên khai thác quá mức đất đai.
Canh tác hữu cơ không chỉ tốt cho đất đai, anh Toi Nguyen nói. Trong 5 năm qua, anh đã khôi phục trang trại cà phê về trạng thái tự nhiên hơn. Canh tác theo cách này làm cho cà phê robusta mạnh hơn và cuối cùng, theo Nguyen, cà phê ngon hơn.
Tại nhà kho của mình, anh mở bao tải cà phê mùa trước, có màu đỏ sẫm. Anh vốc một nắm đưa lên mũi.
“Mùi như kẹo”, anh nói.
Là con út của một nông dân trồng lúa, Nguyen lớn lên trong nghèo khó và cách đây không lâu, anh kiếm sống bằng nghề bán ngô bên đường. Việc bước vào lĩnh vực cà phê đặc sản khiến anh không ngờ tới. Nhưng điều đó chỉ mới bắt đầu, anh ấy nói.
“Tôi muốn đi sâu hơn, cao hơn vào chất lượng”, Toi Nguyen nói.
Vài ngày nữa, anh ấy sẽ đến Portland, Mỹ, nơi anh ấy sẽ giới thiệu những hạt cà phê của mình tại sự kiện cà phê lớn nhất ở Bắc Mỹ. Anh ấy lo lắng về chuyến bay dài và về việc hầu như không nói được tiếng Anh. Nhưng về cà phê, anh ấy không lo lắng chút nào.
Theo Tổ quốc