Một điều thường được nhắc đến ở du học sinh, đó là tính độc lập và tự chủ. Tuy nhiên sinh viên tốt nghiệp trong nước cũng không thiếu người độc lập, tự chủ. Vậy nên điều này không còn là yếu tố thế mạnh.
Để con cái có tương lai tươi sáng hơn, nhiều cha mẹ quyết định đầu tư cho con đi du học với mức chi phí đắt đỏ. Cứ ngỡ rằng với danh xưng du học sinh, khi trở về nước con sẽ có tiền đồ rộng mở, nhiều cơ hội công việc “ngon nghẻ” cùng mức lương cao. Nhưng thực tế lại trái ngược. Không ít du học sinh trở về nước phải loay hoay tìm việc, hoặc nhận công việc với mức lương rất bình thường, thậm chí còn thua cả sinh viên trong nước.
Vậy đâu là nguyên nhân? Theo các chuyên gia giáo dục, có thể do là các yếu tố sau đây:
- Năng lực chuyên môn không cao
Điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến tiền lương của bạn chính là năng lực chuyên môn. Đối với nhà tuyển dụng, họ không cần biết bạn học trong nước hay nước ngoài, điều họ muốn thấy chỉ là năng lực làm việc của bạn. Không ít du học sinh, trong thời gian du học mà mải đi làm thêm để trang trải sinh hoạt phí, hoặc đơn giản là mải chơi nên thiếu kinh nghiệm thực tập, không trau dồi kiến thức chuyên môn. Chính vì vậy khi tham gia thị trường tuyển dụng, dù có bằng tốt nghiệp ở nước ngoài thì họ cũng không được đánh giá cao.
Một điều thường được nhắc đến ở du học sinh, đó là tính độc lập và tự chủ. Tuy nhiên sinh viên tốt nghiệp trong nước cũng không thiếu người độc lập, tự chủ. Vậy nên điều này không còn là yếu tố thế mạnh.
- Ngôi trường du học sinh theo học không quá nổi tiếng
Từng có trường hợp một ứng viên đi du học về bị nhà tuyển dụng hỏi: “Trường bạn có phải đại học chính quy không? Tôi chưa nghe nói tới bao giờ”.
Trừ những ngôi trường đã quá nổi tiếng như Harvard, Oxford, Cambride,… thì với những ngôi trường không mấy tên tuổi, thứ hạng không cao, không được nhiều người biết đến thì phía nhà tuyển dụng có thể sẽ không quá đánh giá cao. Trong trường hợp này, phía nhà tuyển dụng có thể ưu tiên chọn lựa những trường top đầu trong nước hơn.
- Tiếng Anh không còn là lợi thế lớn
Du học sinh khi trở về nước tất nhiên sẽ có vốn tiếng Anh tốt. Tuy nhiên việc dạy ngoại ngữ trong nước tại nhiều quốc gia hiện nay cũng rất phát triển. Không ít em học sinh đạt điểm IELTS cao ngay từ khi còn cấp 2. Thế nên ngoại ngữ của du học sinh không còn là ưu thế lớn nữa. Mặt khác, không ít du học sinh sau khi trở về nước, vì một thời gian ít sử dụng Tiếng Việt nên thành ra khả năng dùng Tiếng Việt lại kém đi. Đó cũng là một trong những lý do có thể gây mất điểm với nhà tuyển dụng.
- Do kỳ vọng quá cao về bản thân
Do được học tập và trải nghiệm ở nước ngoài, du học sinh có thể kỳ vọng cao về giá trị của bản thân và đưa ra yêu cầu “chót vót” về mức lương. Đây cũng là một trong những lý do khiến du học sinh khó tìm việc hơn sinh viên trong nước.
Theo Thanh Hương-Theo PNVN