Năm 2015, anh Huỳnh Văn Lo ở phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) thấy chim yến xuất hiện xung quanh khu vực anh ở khá nhiều, nhận thấy tiềm năng phát triển “Mô hình nuôi yến” nên anh mạnh dạn đầu tư kinh phí làm nhà nuôi yến, dẫn dụ yến về ở.
Mấy năm gần đây, phong trào nuôi yến trong nhà phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mang lại nguồn thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho người dân vùng nông thôn nơi đây.
Năm 2015, anh Huỳnh Văn Lo ở phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) thấy chim yến xuất hiện xung quanh khu vực anh ở khá nhiều, nhận thấy tiềm năng phát triển “Mô hình nuôi yến” nên anh mạnh dạn đầu tư kinh phí làm nhà nuôi yến, dẫn dụ yến về ở.
Từ đó, những tổ yến đầu tiên ra đời và sản lượng tăng lên từng ngày. Anh tiếp tục đầu tư thêm 01 nhà nuôi yến tại xã Tam Thái, huyện Phú Ninh và 01 nhà nuôi yến xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, nâng tổng diện tích cả 03 nhà nuôi hơn 645m2.
Anh Lo cho biết, trước khi xây dựng nhà yến, anh bỏ nhiều công sức mày mò nghiên cứu các thông tin liên quan đến loài chim yến, quy trình kỹ thuật nuôi cũng như ghé thăm các nhà nuôi yến khác để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm.
Ngoài việc đầu tư hệ thống nhà nuôi, sưởi và các vật dụng liên quan, anh đặc biệt chú trọng đến môi trường và kỹ thuật nuôi để dẫn dụ yến về làm tổ cũng như đảm bảo sức khoẻ cho chim.
Nghề nuôi chim yến tuy không phải tốn công chăm sóc và thức ăn cho yến nhưng cũng có rất nhiều khó khăn và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Để chim yến làm tổ, gắn bó lâu dài và sinh sản đòi hỏi những quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt trong việc khử mùi, tạo độ ẩm trong nhà.
Mỗi lần người vào thu hoạch hay thăm nom đều phải xử lý, bởi phát hiện có mùi lạ chim yến sẽ bỏ đi. Bên cạnh đó, người nuôi yến đòi hỏi phải có kiến thức, kiên nhẫn và chịu khó gắn bó, theo dõi hiểu tập tính của giống yến cũng như cách phòng thiên địch để dẫn dụ thành công và tạo điều kiện thích hợp nhất để chim yến ở lại làm tổ.
Sản phẩm nước yến đóng hũ của công ty Lê Huỳnh (phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh.
Năm 2021, anh Lo chính thức thành lập Công ty TNHH Xây dựng thương mại phát triển Lê Huỳnh, chuyên sản xuất các sản phẩm từ yến sào thô, yến sào tinh chế và các sản phẩm yến đóng hũ như yến đông trùng hạ thảo, yến sâm, yến dành riêng cho người ăn kiêng… để phục vụ tối đa nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Đến năm 2022, sản phẩm nước yến đóng hũ của anh đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Theo anh Lo, mặc dù yến được dẫn dụ và nuôi trong môi trường nhân tạo nhưng công ty vẫn cố gắng đảm bảo tối đa quá trình phát triển, sinh trưởng tự nhiên của chim yến. Công đoạn thu hoạch, gia công cũng phải đảm bảo giữ được nguyên chất thiên nhiên cũng như giá trị và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ thế nên hương vị, chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng của yến sào Quảng Nam rất tốt, mang tính đặc trưng dễ nhận biết như sợi dai, giữ mùi tanh rất lâu, khi ngâm tổ yến chưng ăn sẽ còn nguyên sợi chứ không nhão ra như yến sào những vùng khác và thời gian chưng chín tổ yến cũng lâu hơn trong khi sợi yến vẫn rất nhiều, không tan…
Hiện nay, nhà nuôi yến của anh cho sản lượng khoảng 150 kg yến thô/năm, giá thị trường khoảng từ 2,2 – 2,3 triệu đồng/lạng yến thô, doanh số bán các sản phẩm từ yến của công ty hơn 3 tỷ đồng/năm.
Khi đã có nguồn cung ổn định từ nhà yến, để nâng cao giá trị sản phẩm, anh Lo mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng và dây chuyền sản xuất nước yến chưng cất với đầy đủ các loại máy móc như máy trộn yến, máy chiết, tiệt trùng…
Không chỉ tạo dựng được thương hiệu sản phẩm yến sào xứ Quảng cho riêng mình, anh còn tạo ra công việc làm ổn định cho 6 lao động làm việc trong cơ sở chế biến sản phẩm yến và nhiều lao động làm việc theo thời vụ.
Ông Trương Quang Luật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), cho biết: “Mô hình nuôi yến và phát triển các sản phẩm khác từ yến của anh Lo đang ổn định và phát triển rất tốt, mang lại thu nhập khá cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi cũng đã cam kết hỗ trợ tối đa các điều kiện để Công ty hoạt động hiệu quả, nhân rộng mô hình trên địa bàn, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân xã nhà…”.
Phan Đăng Danh (TTKN Quảng Nam/TTKN QG)