J.K Rowling sinh ngày 31/7/1965, có tên đầy đủ là Joanne Rowling. Bà là nữ nhà văn, nhà biên kịch, nhà từ thiện, nhà sản xuất phim người Anh, tác giả của loạt tiểu thuyết Harry Potter nổi tiếng thế giới.
Nếu cuộc đời của J.K Rowling là một cuốn sách, đó chắc chắn sẽ là câu chuyện về hành trình vượt lên số phận. Thời thơ ấu của bà sống song hành với nỗi sầu muộn, Rowling chưa bao giờ được học đại học, thậm chí còn phải sống nhiều năm dưới sự trợ cấp của chính phủ và bị hàng loạt nhà xuất bản từ chối sách. Thế nhưng chỉ sau một đêm, Rowling đã trở thành một trong những tác giả thành công nhất và sở hữu cuốn sách có nhiều người đọc nhất trên thế giới.
Mơ ước làm nhà văn bộc lộ từ khi còn nhỏ
Tình yêu với việc viết lách của Rowling bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, khi bà vẫn thường kể cho em gái nghe những câu chuyện về thế giới thần thoại, về những con ong khổng lồ và những con thỏ biết nói.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1998, bà kể về thời thơ ấu của mình: “Chắc chắn câu chuyện đầu tiên tôi viết ra khi lên năm hoặc sáu tuổi là câu chuyện về một chú thỏ có tên Rabbit. Chú ta bị bệnh sởi nên được bạn bè đến thăm, trong đó có một con ong khổng lồ tên Miss Bee. Kể từ khi Rabbit và Miss Bee xuất hiện, tôi đã nuôi ước mơ trở thành nhà văn, mặc dù hiếm khi nói với ai điều đó”.
Khi lên 9 tuổi, gia đình Rowling chuyển đến sống gần khu vực Forest of Dean (nước Anh) và dành phần còn lại của tuổi thơ ở đó. Đây cũng là địa danh nổi tiếng được nhắc đến trong cuốn “Harry Potter và Bảo bối Tử thần”.
Về phần cha mẹ của Rowling, cả hai kết hôn khi mới chỉ 20 tuổi và đều không học đại học. Cha bà là kỹ sư tại Roll Royce, trong khi mẹ bà là kỹ thuật viên khoa học tại trường trung học. Chính vì xuất thân từ gia đình nghèo khó, cả hai chưa bao giờ tin vào tiềm năng và ước mơ có phần xa vời của con gái. Họ liên tục bác bỏ và nói rằng bà sẽ không bao giờ tiến xa được trong cuộc sống nếu cứ mãi mơ về thế giới tưởng tượng của mình, vì chẳng có người nghiêm túc nào yêu thích những điều viển vông.
Tuy không đến nỗi tệ như nhân vật Harry Potter trong tiểu thuyết, nhưng cuộc sống thời niên thiếu của Rowling cũng đầy ắp những khó khăn. Chia sẻ với tờ New Yorker, bà cho biết: “Tôi không thấy hạnh phúc. Tôi nghĩ đó là khoảng thời gian khủng khiếp của cuộc đời”.
Khi Rowling được 15 tuổi, mẹ bà bị chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng và qua đời một thập kỷ sau đó, khi chưa kịp nhìn con gái trở thành tác giả nổi tiếng. Căn bệnh của mẹ cũng là lý do chính khiến Rowling quyết định quyên góp 16 triệu USD để thành lập phòng khám thần kinh mang tên Anne Rowling tại Đại học Edinburgh.
Sau khi hoàn thành trung học, Rowling tiếp tục học tiếng Pháp tại Đại học Exeter và tốt nghiệp vào năm 1986. Tiểu sử chính thức có chi tiết viết rằng bà “đã đọc nhiều sách ngoài giáo trình học chuyên ngành đến nỗi bị phạt 50 bảng Anh (khoảng 1,4 triệu đồng) vì quá hạn trả cho thư viện”. Các kiến thức về tiếng Pháp cổ điển về sau cũng được bà sử dụng để làm tên cho các câu thần chú trong tiểu thuyết Harry Potter.
Sau khi tốt nghiệp, Rowling làm việc tại Tổ chức n xá Quốc tế, với công việc chính là dịch thuật. Bà cảm thấy công việc quan trọng, nhưng lại không phù hợp với bản thân mình. “Tôi là một trong những người vô tổ chức nhất trên thế giới, và cũng là thư ký tồi tệ nhất, điều đó đã được chứng minh sau này. Tất cả những gì tôi thích làm tại văn phòng là viết ra những câu chuyện. Tôi chưa bao giờ tập trung trong các cuộc họp, thay vào đó, tôi sẽ ngồi viết nguệch ngoạc những câu chuyện vào tập giấy, hay chọn tên cho nhân vật của mình”.
Bà mẹ đơn thân sống nhờ tiền trợ cấp
Chán ngấy với công việc thư ký văn phòng, Rowling chuyển đến sống tại thành phố Porto (Bồ Đào Nha) và dạy tiếng anh cho học sinh. Ở đây, bà gặp gỡ rồi quyết định kết hôn với nhà báo người Bồ Đào Nha Jorge Arantes. Cả hai nhanh chóng có một cô con gái, tên cô bé là Jessica – được đặt tên theo Jessica Mitford, một trong những tác giả yêu thích của Rowling.
Tuy nhiên, chẳng được bao lâu sau, hai vợ chồng ly thân. Rowling “đâm đầu” vào viết một “cuốn sách kể về một cậu bé phát hiện ra mình là phù thuỷ và được gửi đến học tại trường phù thuỷ”. Khi chuyển về Anh vào cuối năm 1993, bà có “nửa chiếc vali chứa đầy những trang sách về Harry Potter”.
Không tìm được việc làm tại quê nhà, Rowling thường đến nhiều quán cà phê khác nhau và cắm cúi viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình trên chiếc máy đánh chữ. Trong suốt thời gian đó, cô bé Jessica luôn ngoan ngoãn ngủ trong chiếc xe đẩy và đồng hành cùng mẹ khắp mọi nơi.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2022, Rowling chia sẻ về quãng thời gian khó khăn của mình: “Tôi đã không thể viết cuốn sách này nếu không có vài năm nghèo nàn đến mức giống như người vô gia cư. Chúng tôi đã sống nhờ phúc lợi trong một vài năm”.
Hoàn cảnh sống nghèo nàn và sa sút ở độ tuổi 20 đã khiến nữ tác giả mắc bệnh trầm cảm nặng đến mức phải tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý. Trong tất cả những khó khăn đó, cô con gái bé bỏng là động lực lớn nhất để Rowling không từ bỏ cuộc sống. Bà luôn bày tỏ sự tự hào dành cho con gái của mình: “Tôi không thể tưởng tượng một thế giới không có Jessica. Trong tất cả những điều tồi tệ, có một điều tuyệt vời đã xuất hiện và đó chính là con gái tôi”.
Rowling chưa bao giờ cảm thấy tự ti khi nuôi dạy con gái với vai trò là một người mẹ đơn thân. Dù có phần thiệt thòi hơn các gia đình bình thường, nữ tác giả tin rằng con gái đã lớn lên trong hạnh phúc. Bà tin rằng một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình có cha hoặc mẹ đơn thân sẽ tốt hơn một đứa trẻ lớn lên trong cuộc hôn nhân bất hạnh của cha mẹ.
“Jessica luôn là nguồn tự hào, niềm vui và động lực của tôi kể từ ngày con bé chào đời. Nhưng tôi không muốn con phải lớn lên trong một xã hội nói rằng con bé chỉ nhận được sự giáo dục hạng hai, một xã hội mà những đứa trẻ có hoàn cảnh giống con bị mắc kẹt trong sự nghèo đói và bất hạnh vì chứng kiến cha mẹ chia tay nhau”.
Thấu hiểu hoàn cảnh của những gia đình đơn thân, sau khi thành công trong lĩnh vực văn học, Rowling đã có nhiều hoạt động để giúp đỡ những bậc cha mẹ đơn thân. Bà là Chủ tịch hội từ thiện ủng hộ cha mẹ đơn thân Gingerbread – một tổ chức chuyên hỗ trợ các bậc cha mẹ đơn thân và con cái của họ. Ngoài ra, bà còn thường xuyên lên án các chính trị gia đã cố gắng cắt giảm chương trình phúc lợi của chính phủ dành cho gia đình đơn thân.
“Tôi muốn nói với các bà mẹ đơn thân đang cảm thấy sức nặng của khuôn mẫu và sự kỳ thị đè nặng lên người rằng tôi tự hào về những năm tháng làm mẹ đơn thân hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời”.
Về sau, khi đã đạt được thành công trong sự nghiệp, Rowling tái hôn với Neil Murrey, một bác sĩ người Scotland. Cả hai tổ chức hôn lễ riêng tư tại nhà vào năm 2001 và có thêm hai người con là David Gordon Rowling Murray (2003) và Mackenzie Jean Rowling Murray (2005).
Nỗ lực được đền đáp xứng đáng
Vào năm 1995, sau khi hoàn thành cuốn Harry Potter đầu tiên, Rowling đã gửi nó đến cho các nhà xuất bản. Giống như nhiều tác giả tự do khác, tác phẩm của bà bị từ chối thẳng thừng bởi 12 nhà xuất bản. Cuối cùng, cuốn sách của bà được chấp nhận bởi Christopher Little, một “công ty văn học ít người biết đến ở London”, theo The New Yorker.
Sau một năm, Christopher Little đạt được thỏa thuận xuất bản 500 cuốn “Harry Potter và Hòn đá phù thuỷ” với Bloomsbury, một công ty xuất bản còn khá non trẻ. Tuy số lượng sách chưa nhiều, hợp đồng này cũng đảm bảo cho bà khoản tạm ứng 2.500 bảng Anh (khoảng 73 triệu đồng).
Nhà xuất bản đoán trước rằng các cậu bé có thể không muốn đọc sách do phụ nữ viết, vì vậy họ đề nghị bà chọn một bút danh có hai chữ cái đầu. Chữ “J” là viết tắt của Joanne, tên thật của Rowling. Vì không có tên đệm, nên bà đã chọn “K” tượng trưng cho “Kathleen” trong tên của bà nội.
Cuốn sách đạt được thành công vượt xa những gì bà Rowling mong đợi, đến tháng 3/1999, 300.000 bản đã được bán ở Anh. “Harry Potter và Hòn đá phù thuỷ” giành được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Sách Nestlé Smarties do cả người lớn và trẻ em bình chọn. Tại Hoa Kỳ, Rowling đã bán cuốn sách cho nhà xuất bản Scholastic với giá hơn 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng), một số tiền chưa từng có vào thời điểm đó. Khoản nhuận bút khổng lồ này đã đem lại cho Rowling và con gái căn hộ đầu tiên của riêng mình.
Cú bùng nổ của Harry Potter chưa dừng lại ở đó, hai cuốn sách đầu tiên đã được nhà làm phim Warner Bros mua lại bản quyền và chuyển thể thành phim vào năm 2001, các phần truyện tiếp theo cũng có một “bước nhảy vọt về mức độ phổ biến”.
Năm 2004, Forbes đưa tin Rowling là người đầu tiên trở thành tỷ phú nhờ công việc biết sách, dù sau đó bà đã bị loại khỏi danh sách này khi quyên góp nhiều tài sản của mình cho tổ chức từ thiện. Sự nghiệp viết văn của bà vẫn chưa dừng lại ở đó, những năm về sau, Rowling đã liên tục xuất bản các cuốn sách mới như A Casual Vacancy (Khoảng Trống), The Cuckoo’s Calling (Con chim khát tổ)… Sự nghiệp thành công của bà mẹ đơn thân năm nào chắc hẳn sẽ không dừng lại sớm.
Theo Sông Thương-Theo Phụ nữ Việt Nam