Nhật Bản có thể đang thực hiện thương vụ đặt cược táo bạo nhất trong ngành công nghiệp chip.
Tesuro Higashi là người đang đảm nhiệm một công việc dường như không thể: Tạo ra một nhà sản xuất chất bán dẫn có khả năng cạnh tranh toàn cầu cho Nhật Bản, từ con số 0 và trong vòng 4 năm.
Nhưng người đàn ông 73 tuổi không hề nản lỏng. Ông nói rằng công ty Rapidus Corp mà ông mới thành lập có thể nhanh chóng bứt tốc để đối đầu những công ty sừng sỏ trong lĩnh vực chip như TSMC và Samsung Electronics với sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản và các nhà sản xuất thiết bị nội địa.
Rapidus đang nỗ lực làm điều mà các chuyên gia cho rằng Nhật Bản đáng ra nên làm từ nhiều thập kỷ trước khi họ bắt đầu đánh mất lợi thế trong ngành chất bán dẫn. Rapidus được hỗ trợ bởi chính phủ, thành lập vào tháng 8 năm ngoái hiện đang chi hàng tỷ USD vào việc tạo ra một xưởng đúc chip vào năm 2027 – một tài sản mang tầm quốc gia mà nếu thành công chắc chắn sẽ giúp củng cố và thúc đẩy kinh tế Nhật Bản tiến lên.
“Đi trước những công ty khác và khác biệt là vị thế mà bạn có thể tạo ra rất nhiều lợi nhuận”, Chủ tịch Rapidus là Higachi nói. “Còn nếu chỉ làm thứ gì đó mà ai đó đã làm, bạn sẽ tự hạ thấp bản thân”.
Dù nhiều chính phủ từ Washington tới Bắc Kinh và Brussels đều đang nỗ lực xây dựng các nhà máy chất bán dẫn cho riêng mình nhưng với Rapidus, Nhật Bản có thể là thương vụ đặt cược táo bạo nhất trong ngành công nghiệp chip. Rapidus nhắm tới việc sản xuất hàng loạt loại chip 2 nanometer chỉ 2 năm sau TSMC và Samsung – những công ty dẫn đầu ngành.
Về tổng thể ngành, những người lãnh đạo trong ngành công nghiệp chip đồng thời khả năng tạo ra loại chất bán dẫn tiên tiến nhất đều tập trung trong tay của 3 công ty trong nhiều năm gồm: TSMC, Samsung và Intel. Mọi đối thủ khác đều đã gục ngã khi họ thất bại trong việc có đủ tiền cũng như kinh nghiệm để rót vào mỗi thế hệ chip mới. Thậm chí, thời điểm này, ngay cả Intel cũng đang gặp khó khăn.
“Thứ Rapidus đang nỗ lực làm cực kỳ thách thức nhưng không phải là không thể”, Akira Minamikawa – một chuyên gia phân tích nói.
Ở khía cạnh nào đó, nỗ lực này gần như là để quay ngược thời gian, đưa chúng ta trở lại những năm 1980 và 1990 khi Nhật Bản là nhà của một trong những nhà máy chất bán dẫn tiên tiến nhất trong ngành. Các công ty như NEC, Toshiba và nhiều cái tên khác đã dần thua cuộc khi họ ngừng chấp nhận những rủi ro cần thiết để duy trì những nhà máy mới nhất.
Higashi – một cựu chủ tịch và CEO tại nhà cung cấp thiết bị chip Tokyo Electron đã tranh luận rằng cú đặt cược lần này của ông có đủ các thành phần cần thiết để trỗi dậy thành một thế lực trong ngành. Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 330 tỷ yên (2,4 tỷ USD) cho công ty này và bộ trưởng Bộ thương mại của đất nước cũng đã nói rằng ông sẵn sàng cung cấp một ngân sách tương đương vậy mỗi năm cho tương lai có thể thấy trước của Rapidus.
“Tôi khá tự tin vào loại chip 2 nanometer và sau đó có thể là 1,4 nanometer, còn 1 nanometer thì có thể khó khăn”, Higashi nói. “Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất nguyên vật liệu và máy móc sản xuất – vốn là đối tác của những công ty dẫn dầu như TSMC. Đối tác toàn cầu của chúng tôi cũng đã hứa dành sự hỗ trợ hoàn toàn của họ trong việc cung cấp công nghệ và đào tạo”.
Rapidus cũng có liên minh với International Business Machines và trung tâm nghiên cứu IMEC. Họ cũng có sự hỗ trợ từ những công ty lớn trong nước gồm Toyota, Sony và Softbank.
Higashi nói rằng Nhật Bản có những nhà cung ứng nội địa cho những nguyên vật liệu và thành phần quan trọng cũng như những máy móc sản xuất cần thiết trong ngành công nghiệp chip. Nhiều trong số đó cũng muốn làm việc với một nhà sản xuất chip của Nhật Bản bởi họ có thể hợp tác thân thiết hơn mà không lo ngại về việc mất đi lợi thế công nghệ hay để lộ những bí mật ra nước ngoài. Thành công của Rapidus cũng có nghĩa là hệ sinh thái trong nước có thể giữ vững được lợi nhuận ở mức đủ cao để duy trì trong một ngành vốn có cạnh tranh cao.
“Những cơ hội lớn đang ở phía trước nếu chúng tôi có thể trở thành người đi đầu trong thị trường và nếu chúng tôi tập trung vào sản xuất ship cho những lĩnh vực đặc biệt như AI”.
Trên thực tế, Nhật Bản cũng có một nhóm những nhà cung ứng đặc biệt gồm Ajinomoto và Advantest.
Nguồn tiền của Rapidus hiện chủ yếu tới từ chính phủ và các đối tác tổ chức. Higashi nói rằng Rapidus không quan tâm tới đối tác tư nhân cho tới khi công ty có thể bắt đầu sản xuất chip vào năm 2027.
“Chúng tôi cân nhắc khá nhiều cách gây vốn như IPO nhưng mục tiêu cuối cùng là trở thành công ty độc lập và ổn định tài chính trong sản xuất chip tiên tiến. Bởi vậy, điều quan trọng là bất kỳ khoản tiền vốn nào được rót vào công ty cũng không được gây trở ngại cho mục tiêu đó”.
Nguồn: Bloomberg-Phương Linh-Theo Nhịp sống thị trường