Cuộc đời của thần đồng này có thể gói gọn trong 2 chữ: Bi kịch.
Hành trình học “cấp tốc” đầy mệt mỏi
Đàm Dao sinh năm 1994 tại thị trấn Bách Lý Châu, thành phố Chi Giang, Trung Quốc trong một gia đình có nền tảng học vấn tốt khi có bố mẹ đều là giáo viên. Ngay từ khi còn nhỏ, Đàm Dao đã thể hiện những tài năng đặc biệt, tố chất vượt trội trong con người mình. Thậm chí, đến cả mẹ em là bà Tạ Phượng Nga cũng tự hào chia sẻ về khả năng của con rằng: “Từ nhỏ Đàm Dao đã vô cùng thông minh, gọi là thần đồng cũng không quá đâu!”.
Để tài năng của con không bị lãng phí hay rơi vào tình trạng “chảy máu chất xám”, bố mẹ Đàm Dao đã quyết định cho con đi học sớm trước tuổi. Cụ thể là khi Đàm Dao 2 tuổi, bà Phượng Nga đã đưa con vào trường của mình để học tiền ban. Những ngày tháng đi học cùng mẹ, Đàm Dao thể hiện mình là một trí tuệ thiên phú. Các môn đánh vần, học chữ, âm nhạc, toán học…, em đều có hứng thú, đặc biệt Đàm Dao còn có thể nhận biết các chữ mới chỉ cần nhìn qua là không quên. Đối với cộng trừ toán học trong 100, Đàm Dao đều dễ dàng làm ra kết quả, trong khi anh chị lớn hơn phải chật vật mãi.
Đàm Dao học lớp 1 tiểu học khi chỉ mới 4 tuổi. Dẫu nhỏ tuổi nhất lớp nhưng Đàm Dao luôn giữ vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng thành tích ở lớp. Tốc độ giảng dạy ở lớp không thể theo kịp được khả năng tiếp thu của em. Khi học lớp 3, Dao đã chuẩn bị trước toàn bộ chương trình của lớp 4. Rồi lớp 5, lớp 6 (hệ tiểu học của Trung Quốc có 6 lớp) cũng được em chinh phục dễ dàng. Vậy nên, Đàm Dao chỉ học mất 4 năm học cấp 1.
9 tuổi, Đàm Dao chuyển đến trường trung học Lưu Hạng ở Bách Lý Châu. Hiệu trưởng trường Lưu Hạng cho biết: “Đàm Dao là một cô bé cá tính. Ngoài thành tích học tập đặc biệt, Dao có thể ca múa và đánh đàn, thích thể dục”. 3 năm sau cụ thể là vào năm 12 tuổi, em ghi danh mình vào một trường cấp 3 chuyên trọng điểm ở Chi Giang.
Cú ngoặt định mệnh bắt đầu…
Cứ tưởng Đàm Dao sẽ tiếp nối chuỗi ngày học tập thần tốc của mình khi lên cấp 3, nhưng thực tế thành tích học tập của em lại ngày càng xuống dốc. Hai lần Đàm Dao bị điểm môn toán dưới trung bình nhưng giấu phụ huynh vì sợ bij trách mắng. Tuy nhiên mọi chuyện không thể che đậy được mãi, cuối cùng mẹ Đàm Dao cũng biết chuyện và bà đã lên trường hỏi thầy giáo. Điều này khiến Đàm Dao vô cùng xấu hổ với bạn bè vì mang danh là thủ khoa mà lại đạt điểm dưới trung bình.
Ngoài ra, trong nhiều giờ học Đàm Dao còn mất tập trung, thường xuyên làm việc riêng và bị thầy cô bắt được. Lý Khai Tùng – giáo viên chủ nhiệm của Đàm Dao cho biết, đã nhiều lần em đem tạp chí ra đọc trong các tiết học, điều đó là trái với những quy định học sinh nên và không nên làm của trường, của lớp.
Nhớ lời dặn từ cha của Đàm Dao là ông Đàm Thế Hùng – một giáo viên dạy toán ở trường trung học số 5 Chi Giang, rằng: “Đàm Dao còn nhỏ tuổi, ham chơi, đối với nó cần quản lý nghiêm khắc một chút”, vậy nên sau giờ học, Đàm Dao bị giáo viên phạt bằng cách gọi lên bục giảng và cảnh cáo công khai trước cả lớp. Giáo viên chủ nhiệm nói với Đàm Dao: “Trong tuần này em không đạt được thành tích tốt, mà còn làm việc riêng trong giờ nên em phải mời phụ huynh đến trường để trao đổi”.
Kể từ khi bị giáo viên trách phạt, Đàm Dao có những cư xử lạ lùng đến khó hiểu. Em không nói chuyện, vui vẻ với các bạn như trước nữa. Và chuyện gì đến cũng đến, chính xác là vào ngày 6/3/2008, giáo viên chủ nhiệm phát hiện Đàm Dao mất tích, trên bàn học của em có một lá thư tuyệt mệnh.
Ngay lập tức, nhà trường và gia đình đi tìm kiếm Đàm Dao. Đến ngày 8/3/2008, mọi người phát hiện thi thể của em nổi lên trong một ao nước gần trường.
Trong bức thư tuyệt, Đàm Dao viết: “Con mong bố mẹ hãy tha lỗi cho đứa con bất hiếu này. Con biết bố mẹ sẽ rất đau khổ. Nhưng con xin bố mẹ đừng vì chuyện này mà ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu không, ở thế giới khác, con sẽ rất đau lòng”.
Em còn cho biết mình đã quá mệt mỏi và muốn giải thoát bản thân sang thế giới khác: “Con còn nhớ, hồi con học lớp 7, đã có một bạn cùng khối tự sát. Lúc đó có người hỏi con có dám tự sát hay không, con chỉ mỉm cười rồi nói điều đó không thể nào. Thế nhưng giờ đây con đã mệt rồi. Vì con là đứa con duy nhất nên bố mẹ đã quá kỳ vọng. Con xin lỗi vì đã làm bố mẹ thất vọng”, Đàm Dao viết.
Vén màn nguyên nhân cái chết và bi kịch của một thần đồng
Có thể nói, sự ra đi của Đàm Dao ở tuổi 14 đã gây ra nhiều tranh cãi. Trong suốt quãng thời gian trẻ thơ của mình, em phải sống trong kỳ vọng, áp lực của bố mẹ. Không có tuổi thơ, không có những ngày vui chơi rong ruổi cùng bạn bè, em phải đi học sớm, phải nếm trải áp lực học tập của những người bạn cùng lớp lớn hơn mình 3-4 tuổi.
Nhà nghiên cứu Tôn Vân Hiểu tại Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc cho biết: “Chỉ vì bị thầy giáo phê bình mà Đàm Dao tự tử, có khả năng cao em bị vấn đề tâm lý”. Ngay kể cả trong thư tuyệt mệnh Đàm Dao nhiều lần nhắc đến 3 từ “kỳ vọng”, “áp lực” và “mệt mỏi”. Điều này cho thấy việc tự tử của Đàm Dao không phải ngẫu nhiên, mà nó chỉ như “giọt nước tràn ly”, là cái kết buồn sau cả một quá trình dài em bị dồn nén trong áp lực và mệt mỏi.
Ngoài ra, theo ông Tôn Vân Hiểu, sở dĩ Đàm Dao cảm thấy áp lực rất lớn là do sự khác biệt giữa tuổi tác so với các bạn trong lớp và các kỳ vọng của bố mẹ gây ra. Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng Đàm Dao được mọi người khoác lên mình bộ cánh quá rộng mang tên “thần đồng”. Điều này vô hình trở thành áp lực, thậm chí còn là gánh nặng khiến Đàm Dao ngày càng trượt dài trong khủng hoảng.
Theo Đông-Thể thao & văn hóa