Bất chấp khó khăn đang bủa vây hoạt động kinh doanh, cô gái này vẫn có nhiều tự tin vào mô hình khởi nghiệp của mình.
Tự làm chủ, đứng tên một công ty là mơ ước của nhiều người trẻ ở Trung Quốc. Điều này chẳng những giúp họ độc lập hơn về mặt tài chính mà còn thoát khỏi áp lực từ văn hoá làm việc 969 (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, môi trường khởi nghiệp vốn luôn cạnh tranh. Nếu không có đủ kiến thức và bản lĩnh, bạn có thể nhanh chóng biến mất khỏi thị trường, thậm chí gánh trên vai món nợ khổng lồ.
Manju (SN 1999) tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật điện và điện tử tàu thuỷ tại trường ĐH Hàng hải Thượng Hải. Manju rất giỏi giang, do đó ngay trong quãng thời gian thực tập, cô đã nhanh chóng tìm được vị trí với mức lương cao là 18.000 NDT/tháng (~60 triệu đồng).
Thế nhưng, Manju nhận ra công việc này không dành cho mình. Cô ghét cuộc sống cô đơn của thuỷ thủ, cũng chán làm công việc máy móc, lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác.
Cũng vì thế, bất chấp sự phản đối từ gia đình, Manju từ bỏ công việc trong mơ tại Thượng Hải. Cô quay về quê nhà tại thành phố Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên, để bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực tái chế rác thải.
Năm đầu tiên khởi nghiệp, Manju chủ yếu làm việc với người thân trong gia đình. Cô chọn mô hình kinh doanh tái chế rác thải truyền thống. Thông qua việc hợp tác với trạm tái chế rác thải địa phương, nhóm của Manju sẽ mua giấy, phế liệu nhựa, phế liệu kim loại… rồi bán chúng cho các doanh nghiệp tài chế. Thời gian đầu, cô nàng vô cùng tự tin về tiềm năng phát triển của mô hình kinh doanh, thế nhưng do thị trường cạnh tranh khốc liệt, công ty của cô chẳng những làm ăn thua lỗ mà Manju còn phải gánh trên vai nhiều khoản nợ.
Không bỏ cuộc trước thất bại, Manju nảy sinh ý tưởng kết hợp Internet để thúc đẩy tăng trưởng doanh thủ. Cụ thể, bằng cách thiết lập một nền tảng trực tuyến và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, trường học, cơ quan quản lý địa phương… công ty cô đã thúc đẩy hoạt động tái chế rác thải trực tuyến, cũng như khuyến khích người dân và doanh nghiệp gửi rác đến các điểm tái chế theo quy định. Bên cạnh đó, Manju cũng dùng nhiều nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử… để làm truyền thông, từ đó thu hút người dùng tham gia hoạt động tái chế rác thải.
Được biết, Manju bắt đầu khởi nghiệp từ thời điểm cô mới ra trường là năm 2021. Suốt nhiều năm, công việc ghi nhận sự sụt giảm về doanh thu. Tuy nhiên, đến tháng 2 năm nay, công ty của Manju đã đạt được cán cân gần như thăng bằng giữa doanh thu và chi phí bỏ ra.
Từ mô hình kinh doanh nhỏ lẻ chỉ hợp tác với gia đình, Manju đã làm chủ một đội ngũ nhỏ gồm 5 thành viên, có xưởng kinh doanh riêng. Hầu hết thành viên đều là người trẻ 9x, trong đó nhân sự nhỏ tuổi nhất sinh năm 2002.
Tuy nhiên, để đi đến thành công hiện tại, Manju đã phải đánh đổi rất nhiều thứ và đối mặt với áp lực tài chính rất lớn. Để mở rộng quy mô kinh doanh, cô đã vay mượn 300.000 NDT (~ 1 tỷ đồng) để mua thiết bị, thuê nhân viên và làm truyền thông. Tuy nhiên, do áp lực lớn từ thị trường và việc kinh doanh chưa sản sinh lợi nhuận, Manju vẫn đang gánh trên vai món nợ 300.000 NDT ở tuổi 24. Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình kinh doanh, cô đã bị bạn lừa 70.000 – 80.000 NDT (~237 triệu đồng – 270 triệu đồng).
Mặc dù khó khăn bủa vây là vậy, thế nhưng khi trả lời trước báo chí, Manju vẫn tự tin trả lời: “Tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân đã thất bại”. Lý do cô đưa ra là ngành tài chế rác thải đang phát triển và có tiềm năng sinh lời lớn trong tương lai.
Được biết hiện tại Manju vẫn kiên định với ước mơ khởi nghiệp, tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác và không ngừng cải tiến, mở rộng hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Manju cho biết đang cố gắng kết nối với sự hỗ trợ từ cộng đồng, hy vọng sẽ tìm thêm được nhiều nguồn lực và các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Theo Vân Anh-Theo phunuvietnam.